Vì sao ban ngày bé ngủ rất ngoan, gọi mãi không thèm dậy nhưng cứ đến đêm là mắt thao láo, ru mỏi tay chẳng chịu ngủ?
Hiện tượng này ở các bé thực ra là có nguyên nhân các mẹ ạ!
''Ngủ ngày cày đêm'' là một trong những hiện tượng thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhiều bà mẹ than thở, con đã gần 1 tuổi nhưng đêm nào cũng thức, dùng đủ mọi cách mà bé vẫn chẳng chịu ngủ. Thế nhưng vào ban ngày, con ngủ rất ngoan, mặc tiếng còi xe, nói chuyện rôm rả, thậm chí mẹ có ép hay lay mãi, bé vẫn ngủ ngon lành.
Tuy nhiên, đêm là lúc các mẹ có nhu cầu cần được nghỉ ngơi, thế nên nếu bé cứ quấy khóc thì chắc chắn mẹ sẽ rất mệt mỏi. Một số mẹ vẫn hay thắc mắc, không hiểu sao các bé khác ngủ xuyên đêm, ngoan ngoãn, mà con mình lại hiếu động và nghịch ngợm như vậy.
Tuy nhiên, đây là một hiện tượng có lý do đằng sau. Cụ thể, nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ ngủ ban ngày thức ban đêm là do trẻ có sự nhầm lẫn giữa ngày và đêm. Sự lẫn lộn này xảy ra vì trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp sinh học đúng.
Đồng hồ sinh học giúp thúc đẩy nhịp điệu hoạt động của cơ thể, tạo ra một cơ chế khiến cho cơ thể chúng ta tỉnh táo vào ban ngày và mệt mỏi vào ban đêm. Đây là quãng thời gian mà mọi người cần phải ngủ để bù đắp cho sự mệt mỏi của cơ thể. Các cha mẹ có xu hướng kỳ vọng rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể tự điều chỉnh cơ chế sinh học của mình sau khi trải qua hơn 9 tháng bên trong bụng mẹ. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh vẫn chưa sẵn sàng cho việc đó.
Tiến sĩ Shelly Weiss, giám đốc Phòng khám Thần kinh và Giấc ngủ tại Bệnh viện SickKids ở Toronto (Canada), tác giả cuốn sách ''Cách giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngủ ngon'', lý giải: ''Khi được sinh ra, các em bé không có nhịp sinh học được đồng bộ hóa với ngày và đêm. Có rất nhiều người cho rằng việc những đứa trẻ sơ sinh không ngủ vào ban đêm mà chọn ngủ vào ban ngày là do cha mẹ chúng đã chăm con sai cách. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bởi trẻ sơ sinh không có nhịp sinh học, bé không có khái niệm ngày và đêm cho đến khi chúng được khoảng ba tháng tuổi. Vì vậy, trong 12 tuần đầu tiên của cuộc đời, cha mẹ phải đi theo lịch trình tự nhiên của bé''.
Trên thực tế, trong 6-8 tuần đầu tiên sau khi được sinh ra hoặc thậm chí dài hơn, trẻ sơ sinh vẫn có sự lẫn lộn giữa ngày và đêm. Việc không được cho ăn liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài vào ban đêm cũng khiến cho trẻ đói và tỉnh giấc. Bên cạnh đó, mức độ oxytocin và prolactin trong cơ thể mẹ tăng lên vào ban đêm khiến sữa tiết ra nhiều hơn và bắt buộc phải cho trẻ bú đêm.
Nguyên nhân trẻ khó ngủ vào ban đêm
- Chưa được bố mẹ thiết lập thói quen ngủ: Nguyên nhân này xuất phát từ các gia đình, việc cho con bú sữa và ăn uống cùng với các hoạt động khác như ngủ, vui chơi, tắm rửa không theo một lịch trình nhất quán nào đó sẽ khiến trẻ dễ bị mất ngủ và hay thức đêm.
- Ban ngày ngủ quá nhiều: Ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ cần số thời gian ngủ trưa khác nhau. Nếu bé ngủ trưa và ngủ quá nhiều vào ban ngày, hoặc do thói quen ngủ sát giờ ngủ đêm thì sẽ dẫn đến ban đêm khó ngủ, kết quả là thức đêm và rối loạn hoạt động.
- Hưng phấn thần kinh: Nếu trước khi đi ngủ, trẻ tham gia hoạt động vui chơi quá mạnh và thú vị, thần kinh trẻ có thể bị hưng phấn kéo dài và khó có thể rơi vào giấc ngủ được. Ngoài ra cũng có thể do phòng ngủ có nhiều ánh sáng gây khó ngủ.
- Mọc răng hoặc các vấn đề thể chất khác: Trong giai đoạn mọc răng, các em bé thường cảm thấy khó chịu và đau nhức ở răng miệng, vì thế trẻ sẽ khó ngủ và hay quấy khóc.
- Do trẻ đang đói: Có thể do bé thức dậy khuya để đòi bú, nhưng cha mẹ cần xác định đó là do đói hay do thích bú về đêm vì sợ xa mẹ hay thích ngậm bình.
- Tã bẩn: Nếu trẻ tè dầm hoặc đi ngoài trước khi ngủ nhưng chưa được thay tã, nó rất dễ sẽ khiến trẻ khó ngủ.
- Em bé quá nóng hoặc lạnh: Nhiệt độ ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ. Nóng quá hoặc lạnh quá đều khiến chúng ta khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Nếu bé của bạn hay thức đêm không chịu ngủ, hãy thử kiểm tra xem điều hòa có đang mở nhiệt độ quá thấp, quần áo mặc cho bé có quá nhiều hay không, có thể vì sợ bé lạnh mà cho bé mặc quá nóng gây khó ngủ.
Làm thế nào để chấm dứt tình trạng ''ngủ ngày cày đêm''?
Một số trẻ sẽ tự động chấm dứt tình trạng này qua 3 tháng đầu tiên, tuy nhiên nhiều trẻ khác lại kéo dài cho tới năm 1 tuổi hoặc hơn. Điều này còn tuỳ vào cơ địa, khả năng thích ứng, thay đổi của bé và cách rèn luyện của bố mẹ.
Tuy rằng rất khó để điều chỉnh bé dậy chơi ban ngày và ngủ vào ban đêm, nhưng nếu cha mẹ kiên trì làm theo những cách dưới đây, theo thời gian, bé sẽ tự nhận thức được và tự thay đổi nhịp sinh học thức và ngủ của mình:
- Giúp trẻ phân biệt ngày, đêm bằng đèn: Ánh sáng có tác động rất mạnh đến sự phát triển của các mô hình sinh học. Cha mẹ hãy cho bé ngủ trong phòng tối, chỉ thắp một đèn ngủ mờ. Nếu bé muốn bú thì hãy để đèn ở mức thấp nhất và những hành động của bạn phải thật chậm và yên tĩnh. Ngay cả khi bé tỉnh táo, việc thiếu ánh sáng cũng sẽ khiến mắt bé báo tín hiệu cho cơ thể là đã đến giờ đi ngủ.
- Tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày: cha mẹ nên cho bé tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày như đi dạo ngoài trời, ngồi chơi gần cửa sổ, trong nhà mở đèn sáng... Việc làm này sẽ khiến bé tỉnh táo hơn. Đồng thời, cha mẹ cũng đừng tìm cách hạn chế tiếng ồn của những sinh hoạt bình thường. Hãy cứ để điện thoại reo, máy rửa chén chạy, tiếng chó sủa, tiếng nhạc... Một thời gian sau con sẽ có khả năng phân biệt ngày/ đêm.
- Luôn phân biệt rạch ròi ngày và đêm: Một số mẹ có thói quen thấy con dậy ban đêm ngồi chơi là bật điện vì sợ con không thấy gì, hoặc trò chuyện, bật nhạc để bé không quấy, tuy nhiên như vậy con sẽ càng khó phân biệt ngày đêm. Kể cả con tỉnh dậy giữa đêm, bạn hãy kệ bé, nếu con yêu cầu mẹ chơi cùng, bạn cũng không nên nói hay hát, nhẹ nhàng đặt con nằm xuống và nhắm mắt lại. Nếu bé đói hãy cho con ăn sữa.
- Cho bé ngủ trưa và ngủ tối vào một giờ cố định: Trẻ con cần được rèn luyện giờ giấc ăn - ngủ - nghỉ cố định. Ban ngày, mẹ không cho bé ngủ quá nhiều, chỉ ngủ đúng giờ nào đó mà thôi, dĩ nhiên vẫn cần đảm bảo giờ giấc ngủ của con. Sau đó, mẹ kết hợp cho bé ăn uống, vận động phù hợp để tiêu hao năng lượng. Giờ ngủ tối thích hợp là từ 19h-21h, sau khi con vào giấc, các mẹ chú ý phòng của con ít tiếng động, tránh kiểu con ngủ rồi nhưng bố mẹ xem phim, nói chuyện... làm bé tỉnh giấc giữa chừng.
- Đừng bắt bé thức quá lâu: Giữ cho bé thức nhiều vào ban ngày để ngủ ngon vào ban đêm nghe có vẻ hợp lý, nhưng theo các bác sĩ nhi khoa thì chiến thuật này gây ra tác dụng ngược. Vì bé thức càng lâu thì bé càng mệt mỏi, và điều này gây ra áp lực cản trở khả năng tự xoa dịu cũng như khả năng điều chỉnh nhịp sinh học của bé. Do đó, cha mẹ hãy cho con ngủ trưa và ngủ tối vào cùng một giờ mỗi ngày.
- Cho bé đi ngủ ngay khi bé phát tín hiệu buồn ngủ: Ở giai đoạn đầu, trẻ sơ sinh nên ngủ từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày. Do đó, khi thấy bé phát ra các tín hiệu buồn ngủ, bao gồm: ngáp, dụi mắt, quấy khóc thì cha mẹ nên cho bé đi ngủ ngay để bé dễ ngủ hơn và ngủ ngon hơn. Tuyệt đối, đừng cố níu chút thời gian tỉnh táo của bé, nó chỉ khiến bé bị quá sức và bị kích thích quá mức - điều này dẫn đến việc bé gắt ngủ.