Ứng xử ra sao khi con bị sàm sỡ nơi công cộng?
Tạo nền tảng gia đình an toàn cho con, ứng xử nhẹ nhàng nhưng không thỏa hiệp, tạo các lớp bảo vệ con là điều cha mẹ cần làm nếu không may phát hiện con bị xâm hại.
Tạo nền tảng gia đình an toàn cho con
Đây là nguyên tắc quan trọng mẹ phải dạy con trước 4 tuổi để tránh xâm hại. Bởi những kẻ lạm dụng tình dục thường dùng các hình thức dụ ngọt hoặc đe doạ để trẻ phải giữ bí mật. Có rất nhiều trẻ nghĩ rằng việc nói ra bí mật là một chuyện tiêu cực, vi phạm lòng tin và làm tổn thương người khác. Thế nên, hãy dạy trẻ từ rất sớm rằng có những bí mật con không cần thiết phải che giấu, chuyện này không có gì sai cả. Nếu đó là bí mật khiến con cảm thấy không thoải mái hoặc nó liên quan đến cảm xúc lo sợ thì con cần báo ngay cho “các mối quan hệ an toàn”.
Ngoài ra, bố mẹ cần xây dựng một môi trường gia đình an toàn, thoải mái và bình yên để sau mỗi giờ học, con được tự do trò chuyện và tâm sự nhiều với bố mẹ. Nếu một đứa trẻ luôn được lắng nghe, được gần gũi chuyện trò với cha mẹ, luôn được tôn trọng khi con nói “không” mà không phải vướng bận một sự áp đặt nào, luôn được phản biện và nói lên ý kiến cá nhân trong mọi chuyện... thì xác suất con là nạn nhân của lạm dụng tình dục rất thấp.
Từ lúc trẻ biết gọi tên các bộ phận trên cơ thể, cha mẹ nên bắt đầu dạy con một cách nghiêm túc về giới tính, các bộ phận riêng tư. Trước khi dạy con thì bố mẹ phải làm gương: không thay đồ trước mặt con, không đem cơ thể người khác ra làm trò đùa nói chuyện...
Đồng thời, cha mẹ nên thường xuyên đọc sách cho con về giáo dục giới tính, các kiến thức sinh sản... Khuyến khích con được nói “KHÔNG” nếu ai đó muốn đụng vào cơ thể con (dù chỉ là nắm tay) nếu con không muốn.
Quan sát, ứng xử nhẹ nhàng và không được thỏa hiệp
Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường như: sợ sệt, ngại ngùng, khóc lóc, sợ hãi, hoảng hốt… mẹ cần nhẹ nhàng trò chuyện.
Hãy bình tĩnh trò chuyện để con nói ra điều lo lắng, sợ hãi của mình. Ảnh minh họa
Nếu phát hiện vết xước, sưng tấy, bầm tím trên cơ thể con thì mẹ cần hỏi nguyên nhân để đề phòng chuyển từ sàm sỡ mức độ 1 thành xâm hại tình dục. Tất cả hành động với con cần nhẹ nhàng, từ tốn, tạo sự tin tưởng để trẻ kể lại sự việc. Đặc biệt, phụ huynh không nên nóng giận, chửi bới, đánh đập càng khiến trẻ thêm lo sợ, tổn thương.
Sau khi phát hiện sự việc, phụ huynh không nên chửi bới, đe dọa, trả thù đối tượng gây ra sự việc bởi làm như vậy, nhiều người sẽ biết đến, gây ảnh hưởng đến danh dự của trẻ. Bố mẹ cần âm thầm thu thập chứng cứ, nói chuyện thẳng thắn với đối tượng để có cách giải quyết tiếp theo. Tuyệt đối không vì danh dự mà xuề xòa cho qua hay nhận tiền để im lặng. Điều đó chỉ càng khiến cho trẻ mất hết niềm tin ở người lớn.
Tạo các lớp bảo vệ con
Đừng nói với quá nhiều người về biến cố của con và cũng đừng nói với trẻ rằng, có người nào đó đã biết chuyện. Cha mẹ cũng nên giữ mọi nếp sinh hoạt của con như thường ngày để con nghĩ rằng, không phải vì chuyện của mình mà mọi thứ thay đổi lớn.
Cha mẹ cũng nên nói chuyện với anh, chị em của trẻ để bọn trẻ thông cảm, cùng bảo vệ, chở che lẫn nhau, tránh để bị người quen sàm sỡ.
Dấu hiệu trẻ đã bị xâm hại cha mẹ cần biết:
- Trầy da hoặc bầm tím ở âm hộ, dương vật, hậu môn, rách màng trinh: nạn nhân lạm dụng tình dục có thể là các bé gái và cả các bé trai. Kiểm tra vùng kín để nhận biết những bất thường có thể quan sát bằng mắt là cách đơn giản nhất bố mẹ có thể làm đối với trẻ.
- Trẻ bị đau bụng mạn tính hoặc đau vùng hậu môn, nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn.
- Trầm cảm hoặc xu hướng tự sát, lo âu: Đây là hậu quả rõ rệt về mặt tâm thần. Nhiều cháu do sợ hãi, bị đe dọa nên càng rơi vào trầm cảm nặng.
- Trẻ có các biểu hiện bất thường như đái dầm, rối loạn giấc ngủ, thủ dâm vô độ, ngại giao tiếp, hành vi gây hấn, học tập sút kém: Đó là hệ quả của việc bị tấn công, khiến trẻ mắc các rối loạn stress, sang chấn tinh thần lớn khi bị xâm hại.