Từng "phát điên" khi con khủng hoảng tuổi lên 3 thích ném mọi thứ có trong tay, bà mẹ đã tìm ra cách đối phó dễ dàng

H.H ,
Chia sẻ

"Khi lên 3 tuổi, con tôi bắt đầu chiến đấu với tôi vì mọi thứ, từ mặc quần áo, ăn tối, cho đến chuyện đánh răng đi ngủ… Tất cả đều có thể khiến mẹ con tôi đối đầu nhau", bà mẹ tâm sự.

Đành rằng những đứa trẻ là điều tuyệt vời nhất, là tài sản lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người mẹ, thế nhưng trong hành trình chăm sóc con, có rất nhiều mẹ bị ám ảnh bởi một khoảng thời gian khủng hoảng của con mà người ta hay gọi là "khủng hoảng tuổi lên 3".

Đây là giai đoạn miêu tả một đứa trẻ từ một thiên thần bỗng trở thành một con "tiểu yêu": ngang ngược một cách vô lý, không nghe lời ông bà cha mẹ, không hứng thú với những thứ yêu thích trước kia, và thường xuyên cãi lời người lớn bằng hành động hoặc lời nói.

Mới đây, một nhà sản xuất chương trình phát thanh kiêm tổng biên tập của tờ điện tử Nine.com.au, bà mẹ 2 con Brooke Campbell đã trải lòng về thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3 của cô con gái đầu, đồng thời tiết lộ bí quyết để cô có thể sống sót sau những "cơn bão" ăn vạ dồn dập đến.

Bà mẹ Brooke chia sẻ: "Tôi có hai cô con gái, một đứa 6 tuổi và một bé 2 tuổi. Chắc chắn khi nghe đến đây, nhiều người sẽ tỏ ra thông cảm khi tôi sắp sửa bước vào "cuộc chiến" với cô con gái thứ 2. Nhưng vì đã trải qua một lần thương đau với cô con gái đầu rồi, tôi biết mình cần phải làm gì để có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 một cách bình an. Đó là hãy hít thở.

Khi con gái lớn của tôi bắt đầu bước về phía chiến tuyến đối địch với mẹ thì tôi đã tự hỏi rằng tôi có đang bị trầm cảm sau sinh hay không. Bởi khi đó, tôi mệt mỏi, kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi căng thẳng, lo lắng.

"Phát điên" lên khi con thường xuyên ném đồ và ăn vạ, bà mẹ gần như rơi vào trầm cảm cho đến khi làm theo lời hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 1.

Trước khi trở thành một cô gái hiểu chuyện thì con gái lớn của chị Brooke đã từng nổi loạn khiến mẹ bị kiệt sức.

Con gái lớn của tôi là một cô gái nhỏ xinh đẹp, tràn đầy sức sống, hiếu động và thông minh vô cùng. Đôi lúc tôi không thể tin được là mình lại may mắn đến thế khi được làm mẹ của một cô bé có đầy đủ tất cả các phẩm chất mà bạn mong muốn con gái mình có. Tuy nhiên, con tôi cũng rất bướng bỉnh và nóng tính đến độ có thể bùng nổ cơn giận dữ bất cứ lúc nào.

Khi lên 3 tuổi, con tôi bắt đầu chiến đấu với tôi vì mọi thứ, từ mặc quần áo, ăn tối, cho đến chuyện đánh răng đi ngủ… Tất cả đều có thể khiến mẹ con tôi đối đầu nhau. Bạn biết đó, bạn không thể nói lý lẽ với một đứa trẻ. Tôi phải chấp nhận chuyện con tôi có thể ném bất cứ thứ gì nó có trong tay mỗi khi tức giận. Hoặc con sẽ vẽ các tác phẩm nghệ thuật của mình lên tường, lên đệm thay cho lên giấy và bảng.

Tôi như muốn phát điên lên. Nhưng tôi không muốn khoảng thời gian này trôi đi một cách vô nghĩa. Vì vậy, tôi đã tìm đến chuyên gia để tư vấn. May mắn là tôi đã tìm được Deena Margolin - chuyên gia trị liệu trẻ em và Kristin Gallant - huấn luyện viên phụ huynh. Đây là cặp đôi siêu tài năng đến từ Big Little Feelings, trung tâm chuyên hướng dẫn và đưa ra chiến lược giúp các cha mẹ hiểu con hơn. Tôi đã nhờ họ giải đáp một số thắc mắc mà có lẽ mọi phụ huynh có con ở độ tuổi khủng hoảng lên 3 đều muốn biết".

Bí quyết giúp các cha mẹ dễ dàng vượt qua giai đoạn khi con khủng hoảng tuổi lên 3

"Phát điên" lên khi con thường xuyên ném đồ và ăn vạ, bà mẹ gần như rơi vào trầm cảm cho đến khi làm theo lời hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 2.

"Bạn hãy nhớ rằng những cơn giận dữ là sự phát triển bình thường và lành mạnh. Bạn không phải là cha mẹ tồi, con bạn cũng không phải là một đứa trẻ hư. Đó là dấu hiệu của sự phát triển trí não lành mạnh vì các khu vực giúp quản lý cảm xúc, sử dụng lời nói để chia sẻ cảm xúc và kiểm soát cơ thể của con vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Là cha mẹ, chúng ta phải sớm chấp những những cảm xúc đó của con và chờ đợi con mình tìm cách vượt qua những cảm xúc đó. Trên đời này không có khái niệm cha mẹ hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều cố gắng hết sức để học hỏi và sửa chữa bản thân cho phù hợp trong khi làm cha mẹ. Đó là sự tiến bộ", đó là tất cả những gì mà chuyên gia đã nói với Brooke.

Không chỉ có vậy, Deena và Kristin còn chia sẻ bí quyết để các cha mẹ giảm thiểu tối đa xung đột với con. Đó chính là chia sẻ quyền lực: "Bạn có thể lựa chọn 2 món đồ và cho con chọn lựa một trong hai món đồ đó. Chẳng hạn như trước khi ra khỏi nhà, bạn sẽ quyết định cho con mang giày. Bạn có thể hỏi rằng: "Con muốn mang ủng hay mang giày?". Việc này giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, mình có ích khi được tham gia và kiểm soát mọi chuyện. Từ đó, trẻ sẽ chuyển thái độ từ đối kháng sang cộng tác".

Các bước khi xử lý cơn giận dữ ở nơi công cộng?

"Phát điên" lên khi con thường xuyên ném đồ và ăn vạ, bà mẹ gần như rơi vào trầm cảm cho đến khi làm theo lời hướng dẫn của chuyên gia - Ảnh 3.

Tuyệt đối không được chiều theo ý muốn của con chỉ vì con khóc nhiều quá (Ảnh minh họa).

Bà mẹ 2 con Brooke chia sẻ thêm rằng các chuyên gia đã chỉ cho chị các bước để bạn kiểm soát và xử lý được cơn giận dữ khi ở nơi công cộng:

- Hít vào và thở ra: Bạn hãy nhớ rằng tức giận là một cảm xúc bình thường và tất cả mọi người, kể cả trẻ em, đều phải trải qua.

- Cúi hoặc ngồi xuống ngang tầm mắt của con: Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và từ an toàn con sẽ nhanh chóng bình tĩnh lại.

- Bạn không cần phải ngăn chặn cơn giận dữ của con, nhưng bạn cần phải có kỷ luật và tuyệt đối không được chiều theo ý muốn của con chỉ vì con khóc nhiều quá. Bạn có thể chơi trò "đánh trống lảng" bằng cách hướng trẻ đến một việc làm mà con thích.

Chẳng hạn như con đang đòi mua đồ chơi. Thay vì bảo: "Con không được mua đồ chơi", thì bạn hãy lái câu chuyện thành: "Con muốn chơi đá bóng hay siêu nhân với mẹ nào? Chúng ta cùng nhau về nhà chơi nhé".

"Nếu bạn đang ở trong vòng xoáy ăn vạ của con, tôi hy vọng những điều tôi chia sẻ sẽ hữu ích đối với bạn", chị Brooke nhắn nhủ.

Chia sẻ