Tuần thai thứ 13: Em bé đã có dấu vân tay rồi nhé!

Thúy Phạm,
Chia sẻ

Sự xuất hiện của gan bàn tay làm các ngón tay gần nhau hơn, gan bàn chân phát triển giúp các ngón chân của bé có thể co duỗi. Đặc biệt ở tuần thai này, dấu vân tay đã được hình thành.

Sự phát triển của em bé

Khi tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu, em bé của bạn đang phát triển một cách nhanh chóng để bắt kịp với cái đầu to đùng (bằng khoảng ½ kích thước cơ thể). Gương mặt của bé đang có sự thay đổi đáng kể, càng ngày càng giống với con người hơn. Mắt đã bắt đầu dịch chuyển lại gần nhau thay vì nằm xa tít ở hai bên trán và tai thì cũng đã về đúng vị trí. Sự phát triển của mí mắt giúp bé nhắm mở mắt dễ dàng.

Sự xuất hiện của gan bàn tay làm các ngón tay gần nhau hơn, gan bàn chân phát triển giúp các ngón chân có thể co duỗi. Dấu vân tay đã được hình thành, các tĩnh mạch và các cơ quan trong cơ thể của bé có thể nhìn thấy rõ ràng qua làn da vẫn còn mỏng manh. Ruột dường như phồng lên hơn ở gần cuống rốn và đã tìm thấy “ngôi nhà” của mình khi bắt đầu dịch chuyển về khoang bụng.

Thai nhi bắt đầu có nhiều phản xạ hơn. Thai nhi sẽ cử động nếu bụng mẹ bị kích thích mặc dù bạn hoàn toàn chưa cảm thấy gì. Lượng ối tăng nên bé dễ bơi lội. Lúc này bé nặng khoảng 57gram và dài khoảng 12-13cm tính từ đỉnh đầu đến chỏm mông. Các tế bào thần kinh tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân và các "khớp" thần kinh (kết nối các dây thần kinh trong não bộ) đang hình thành.
 

Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Bạn bước qua tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ 2. Lúc này bạn đã cảm nhận được sự chuyển động rõ ràng của bé. Cơ thể đổ mồ hôi nhiều và bạn phải trải nghiệm thêm chứng chuột rút nữa.

Thật tuyệt vời là cảm giác nghén đã lùi xa và bạn bắt đầu cảm thấy mình tràn đầy sức sống. Cảm giác căng thẳng vì lo sẩy thai cũng nhanh chóng biến mất. Cảm giác thèm ăn cũng bắt đầu quay trở lại. Hãy chắc rằng tất cả các loại thịt bạn ăn đều được nấu chín kỹ để loại trừ một số bệnh nhé!

Các đốm nâu cũng bắt đầu nhiều hơn ở một số vùng da, đặc biệt là ở vùng ngực. Một chiếc áo lót vừa vặn sẽ giúp kích thích sự lớn lên không ngừng của bầu ngực. Lúc này quần áo rộng rãi là rất cần thiết vì bụng đã "lộ" hơn trong khi cân nặng có thể chưa thay đổi nhiều. Bạn có thể cảm thấy rằng mình cần một kiểu tóc mới để phù hợp với tình hình hay đơn giản đó là một khuynh hướng bạn thích và đây chính là thời điểm thích hợp. 

Đừng vội hoảng loạn nếu bạn chưa cảm thấy chuyển động của con. Với một số phụ nữ, phải mất thêm 30 ngày nữa mới chắc chắn được sự rung động ở bụng dưới đó đúng là em bé. Cảm thấy bé trong bụng động đậy sẽ khiến mẹ rất xúc động và càng làm tăng mức độ mãn nguyện về vai trò làm mẹ của mình.

Nên và không nên làm gì trong thời gian này

Vì thân nhiệt của mẹ gắn chặt với con, nên mẹ hãy tiếp tục giữ thân nhiệt của mình ở mức an toàn (trong khoảng 37.8 độ C hoặc thấp hơn một chút).  

Nếu bố mẹ chuẩn bị sơn phòng cho bé, mẹ hãy nhường công việc này cho người khác và tạm tránh đi. Hít phải bụi sơn có thể gây hại cho bé yêu dù chưa rõ tác hại chính xác. Giữ nhà cửa luôn thông thoáng trong khi sơn sửa và tránh sử dụng sơn xịt bởi vì chúng phun vào không khí nhiều thành phần nguy hại hơn.

Đừng ngại nói chuyện hay hát cho con nghe ngay từ giai đoạn này của thai kỳ. Mặc dù tai bé vẫn đang phát triển, nhưng bé đã có thể nghe được nhiều âm thanh khác nhau và nhận ra được giọng của mẹ. Thỉnh thoảng bạn hãy cho bé nghe nhạc để thay đổi.

Nếu bạn phải trải nghiệm chứng chuột rút mỗi sáng và mỗi đêm thì hãy để cho cơ thể nặng nề của mình được thư giãn và nghỉ ngơi thật nhiều, điều này đồng nghĩa với các cơn co thắt cũng sẽ giảm đi rõ rệt. Nếu cơn co thắt dồn dập và làm bạn đau đớn nhiều, hãy gọi cho bác sĩ sản khoa ngay lập tức.

Thăm khám bác sĩ

Các bệnh liên quan với răng và nướu có xu hướng phát triển trong suốt quá trình thai nghén vì vậy cần có kế hoạch kiểm tra sức khoẻ răng miệng định kỳ trong giai đoạn này.  

Ngoài ra, càng chảy máu lợi thì bạn càng nên dùng chỉ tơ nha khoa cũng như đánh răng. Nếu bạn lo lắng hoặc cảm thấy các cách điều trị tại nhà không hiệu quả thì cần tới gặp bác sĩ ngay nhé!

Bước lên bàn cân vào mỗi kỳ khám thai có thể bạn cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn băn khoăn về việc thay đổi trọng lượng của mình, hãy tự khích lệ bản thân rằng đây là khoảng thời gian hiếm hoi trong đời bạn có quyền hãnh diện về việc tăng cân. Hãy chia sẻ với bạn đời về cảm giác bất an của mình và nhờ anh ấy nhắc nhở bạn rằng sự tăng cân này có nghĩa là bạn đang hoàn thành thiên chức của mình.
 

Mua sắm

Theo truyền thống của người Việt, người ta kiêng không mua sắm và chuẩn bị mọi thứ cho bé sắp chào đời vào thời điểm này vì họ tin rằng đó là một điềm xấu. Vậy nên, nếu gia đình bạn cũng theo quan niệm này thì tốt nhất là hãy "ngắm trước" ở cửa hàng và lên danh sách những thứ cần mua để dung hoà.

Nếu các bà mẹ khác ngỏ ý chuyển cho bạn những vật dụng và quần áo đã qua sử dụng của con họ, hãy đón nhận. Bạn sẽ tiết kiệm được một ít tiền để có thể mua được những thứ lớn hay cần thiết hơn.  

Đây là lúc mẹ nên đầu tư cho mình vài chiếc gối dành riêng cho thai phụ hoặc thêm gối để hỗ trợ tư thế nằm ngủ của mình. Bạn có thể cần phải thử vài kiểu kết hợp gối trước khi tìm ra cách đặt gối phù hợp nhất với mình.

Nếu thời tiết quá nóng nực gây khó chịu cho bạn thì bạn có thể mua sắm thêm vài chiếc váy để mặc cho mát mẻ. Nhớ chọn loại sợi tự nhiên như cotton hoặc vải lanh nhé!

Mối quan hệ với chồng và mọi người

Hãy rủ chồng cùng tham gia các lớp học tiền sản để anh ấy có thể chia sẻ với bạn nhiều hơn trong giai đoạn này.

Hãy nói chuyện, chia sẻ với các đồng nghiệp mà bạn tin tưởng hay những người trong hoàn cảnh tương tự, chắc chắn họ sẽ mang đến cho bạn nhiều kinh nghiệm và những lời khuyên bổ ích.

Chia sẻ