Từ vụ bé trai tử vong trên xe bus tới trường: Thứ duy nhất đảm bảo an toàn cho con chỉ có thể là bố mẹ

Happy Moms,
Chia sẻ

Chúng ta không thể ở bên bọn trẻ mãi, chúng ta cũng không thể dạy con tất cả những kĩ năng sinh tồn, chúng ta càng không thể đặt áp lực phải thành thục những bài học về an toàn, xử lý những tình huống nguy hiểm lên những đứa trẻ mới vài ba tuổi đời...

Có những kí ức đẹp đẽ và mạnh mẽ một cách kì diệu, nó mãi nằm yên ở một ngóc ngách nào đó trong hộp kí ức luôn được nạp đầy và làm mới mỗi ngày của chúng ta. Với mình, đó là tiếng kẻng nhà máy bố làm mỗi buổi chiều. Nhà máy của bố cách nhà trẻ mình học một con suối và một đồng lúa. Ngày nào cũng vậy, chỉ cần nghe thấy tiếng kẻng nhà máy lúc tan tầm là mình biết rõ bao lâu sau bố sẽ có mặt ở đó, trước cổng lớp nhà trẻ nheo nhóc, mỉm cười rạng rỡ, rồi nhấc bổng hai đứa con lên xe đạp về nhà. Bố luôn đúng hẹn như thế trong suốt thời gian bọn mình đi nhà trẻ.

Khi mình bắt đầu đi học mẫu giáo, thì lại là tiếng loa phát thanh đầu phố gần trường, khi tiếng phát thanh viên nói bằng tiếng Thái vang lên cùng tiếng nhạc hiệu, là mình luôn chuẩn bị sẵn sàng để mẹ đón. Mẹ cũng luôn đúng hẹn như thế trong suốt thời gian bọn mình đi mẫu giáo.

Hồi mình về Hà Nội, vào học cấp 3, trong suốt hơn 1 tháng đầu mình đạp xe đi học, thì ông ngoại, khi đó gần 70 tuổi, ngày nào cũng đạp xe sau mình, suốt chặng đường từ Pháo Đài Láng xuống tận Xuân Thủy, những hôm đầu, còn chờ mình học xong để đạp xe theo sau mình về nhà. Mình biết có những hôm mình bảo mình tự đi được rồi, nhưng ông vẫn lén đạp xe theo sau, để chắc chắn là mình đã đến trường an toàn. Ông cứ đi theo mình như thế, cho đến khi mình bắt đầu có bạn và cùng bạn đi học hàng ngày.

an-toan-2

Năm ngoái, mình đến trường Back To Basics Education. Mình nhớ mãi buổi sáng hôm đó, một buổi sáng mát lành và nhẹ tênh. Trường bác Hương không có xe bus đưa đón học sinh, các bạn nhỏ lần lượt được bố mẹ đưa đến cổng trường, mọi người ôm nhau chào tạm biệt, có em bé chạy ào vào cất dép, cất ba lô, có em bé nước mắt vòng quanh rúc vào lòng bố mẹ, ông bà. Ngày nào cũng thế, luôn có một vài bố mẹ nào đó nán lại, chơi một chút với tụi nhỏ ở đường ven hồ, ngó vào trường xem có gì cần sửa sang không, hay chỉ là để lũ nhí nhố bạn bè của con "trèo đầu cưỡi cổ" một lúc. Bọn trẻ rất hạnh phúc và mình cũng nhìn thấy bao nhiêu là niềm vui trên gương mặt của các bố mẹ.

Một lần mình thử đi xe bus của trường con học về nhà. Thật sự ngồi trên xe với khoảng chục đứa trẻ lít nhít, đứa hò hét, đứa trêu bạn, đứa cáu kỉnh, cảm giác không hề dễ chịu một chút nào. Bọn trẻ được cho ngồi cả cạnh ghế lái của tài xế, có hôm, có bạn còn ngồi cả trong lòng chú tài xế lúc chú lái xe. Bọn trẻ thì tò mò, nghịch ngợm. Còn người lớn thì luôn muốn nhanh nhanh xong việc của mình.

Mình biết, trong thành phố chật hẹp và lúc nào cũng ồn ào này, có rất nhiều em bé đã quen với việc bố mẹ bế ra xe bus đến trường khi còn ngái ngủ, quen với việc cô bế vào trường đặt xuống ghế là ngủ gục thêm một giấc nữa, quen với việc ăn sáng ở trên xe, quen với việc in má lên kính xe đếm từng chiếc đèn xanh đèn đỏ trên đường đến trường và về nhà. Ngày càng có nhiều gia đình chấp nhận việc con đi xe 20 cây số, 40 cây số, thậm chí 60 cây số mỗi ngày để chúng được "học ở trường tốt nhất". Ngày càng có nhiều trường học đổ phần lớn tiền bạc vào việc xây dựng một cơ sở vật chất hoành tráng, hiện đại, "vừa mắt, vừa lòng" phụ huynh và các dịch vụ khiến họ hài lòng, cảm thấy được yên tâm và chăm sóc chu đáo khi gửi con. Có trường, vì sức ép của phụ huynh, dù không đủ kinh phí và số lượng học sinh để duy trì hệ thống xe bus chuyên nghiệp, cũng phải xoay xở bằng cách "tận dụng" cô giáo đi taxi đến đón học sinh tại nhà để đưa đến trường. Cảm giác yên tâm và được chăm sóc, nhiều khi đã khiến bố mẹ chúng ta lơ là trước những rủi ro và nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có làm việc với các trường mầm non, có ở trường và cẩn thận quan sát từng thời điểm, từng quy trình thì mình mới nhận ra một điều rằng, thứ duy nhất đáng tin cậy, thứ duy nhất đảm bảo an toàn cho con chỉ có thể là bố mẹ của chúng.

an-toan-1

Thế nhưng, sự thật là chúng ta không thể ở bên bọn trẻ mãi, chúng ta cũng không thể dạy con tất cả những kĩ năng sinh tồn (mà phần lớn là trên lý thuyết và sách vở), chúng ta càng không thể đặt áp lực phải thành thục những bài học về an toàn, bảo vệ cơ thể hay đối phó với người lạ, xử lý những tình huống nguy hiểm lên những đứa trẻ mới vài ba tuổi đời…, chúng ta cũng không biết cách giúp chính mình bớt lo âu và hoang mang về việc nuôi dạy con thế nào để chúng được hạnh phúc, để chúng được hưởng những gì tốt nhất, để chúng được trang bị những hành trang để lớn lên suôn sẻ.

Mắc kẹt trong những tiêu chuẩn, mong muốn, kỳ vọng của mình dành con con cái có lẽ là điều đẩy bố mẹ chúng ta vào thế lưỡng nan. Chúng ta khó khăn khi quyết định cho con học ở một trường gần nhà để có thể đưa đón chúng hàng ngày vì chúng ta biết ngoài kia có nhiều hơn một sự lựa chọn tốt hơn, tốt hơn nữa. Chúng ta khó khăn khi quyết định dành cho con nhiều hơn một chút thời gian vì chúng nghĩ rằng, mình có thể bù đắp cho con sau đó nếu chúng ta đảm bảo được tài chính gia đình hay thăng tiến công việc. Chúng ta cứ mãi đau khổ và thấp thỏm trong cái vòng tròn luẩn quẩn đó. Chúng ta bên ngoài thì màu mè, hào nhoáng, nhưng bên trong thì vỡ vụn.

an toan-3

Có bao nhiêu bố mẹ, tim không đau thắt lại, khi đang trong giờ làm mà nhận được điện thoại từ số của trường hay của cô giáo của con, ngay cả khi chúng ta đã lao tâm khổ tứ biết bao nhiêu để có được sự lựa chọn tốt nhất?

Những lúc như thế này, tâm trí mình chỉ biết neo đậu vào tiếng kẻng tan giờ làm của bố, tiếng loa phát thanh đầu phố và bóng dáng ông cặm cụi đạp xe sau mình trên phố những buổi sáng mùa hè…

Chia sẻ