Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục

Ocean,
Chia sẻ

Vượt qua đủ mọi thử thách, nguy hiểm trong suốt thai kỳ, phải khóc rất nhiều vì lo lắng nhưng rồi hai mẹ con chị Trà My vẫn cán đích ngoạn mục ở tuần 37.

Mỗi một nguy cơ dù nhỏ nhất trên hành trình mang thai cũng khiến các mẹ bầu hoang mang, lo sợ. Thế nhưng, với chị Trà My (28 tuổi, hiện đang sống tại Thanh Hóa) thì những cảm xúc này lại càng trở nên kinh khủng hơn hết khi chị phải đối mặt với muôn vàn thử thách trong quá trình mang thai. Từ bị dọa sẩy ở tuần thứ 9, rồi huyết áp cao, tiền sản giật, cho đến tiểu đường thai kỳ đều đủ cả, nhưng rồi chị Trà My vẫn cán đích thành công ở tuần thứ 37. Em bé sinh ra nặng 3,5kg, trộm vía rất khỏe mạnh và đáng yêu. Câu chuyện của chị Trà My được chia sẻ lại như tiếp thêm động lực để các mẹ bầu khác vững tin hơn đi qua thai kỳ, dù đứng trước nỗi lo lắng nào.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 1.

Em bé chào đời ở tuần 37 trong sự vỡ òa cảm xúc của người mẹ và cả gia đình.

"Mình phát hiện mang thai bình thường, khi kỳ kinh chậm 1 tuần. Đợi thêm 3 ngày sau đó thì mình đi siêu âm, thai đã về tổ. 7 tuần đã có tim thai. Cho đến 9 tuần, mình đi vệ sinh ra máu, phải nhập viện phụ sản Thanh Hóa để điều trị. Bác sĩ kết luận mình bị viêm âm đạo có nấm nên ra máu. Nằm điều trị 1 tuần thì bệnh có đỡ hơn. Siêu âm lại kết quả bình thường thì mình được cho về nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhưng được 2 ngày, mình lại ra máu tiếp. Mình hoang mang vô cùng còn định bắt xe ra bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn. Sau đó mình tham khảo ý kiến của một người bạn bác sĩ sản khoa thì nói rằng thai con nhỏ mà đi đường xa như vậy sẽ rất không nên mà thuốc mình được kê ở Thanh Hóa cũng tương đối rồi", chị Trà My kể lại.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 2.

Hai vợ chồng chị Trà My kết hôn không lâu thì chị Trà My có thai.

Sau khi nghe lời khuyên của bạn, chị Trà My đến phòng khám của vị bác sĩ trưởng khoa viện sản, siêu âm thì lại phát hiện ra thai bị bóc tách màng nuôi. Bác sĩ cho tiêm thuốc giữ thai loại 1 tuần tiêm 1 lần, đặt thuốc nội tiết duy trì và nằm dưỡng thai tại nhà. Mỗi tuần, chị đều phải đi siêu âm và tiêm thuốc liên tục cho đến 16 tuần mới hết ra máu. Lúc này, chị chuyển sang cách 1 tuần đi khám 1 lần. Nhưng mọi khó khăn chưa dừng lại ở đó, khi đến tuần 19, huyết áp của chị bắt đầu nhích dần lên 120/80 rồi lên 130,135/85 ở các tuần sau đó. Đến 22 tuần thì huyết áp lên 140/90, bác sĩ tiếp tục theo dõi và dặn chị về ăn nhạt, không ăn ngọt. Đến 25 tuần thai, huyết áp vẫn không giảm, tăng lên 145/90, bác sĩ buộc phải cho dùng thuốc.

Mốc 26 tuần thai, chị bước vào làm nghiệm pháp đường huyết thì không bị tiểu đường, kết quả bình thường. Nhưng đến tuần 27, chị lại đối mặt với kết luận bị tiểu đường cao và có thêm protein niệu chẩn đoán nguy cơ tiền sản giật từ bác sĩ. Kết quả khiến chị lo lắng, đứng ngồi không yên. Nhất là khi các tuần sau đó chỉ số vẫn y như cũ mà không thuyên giảm. Bác sĩ phải tăng dần liều thuốc huyết áp lên tới 4 viên/ngày so với 1 viên trước đấy. Cũng trong tuần này, em bé phát triển nhẹ cân so với tuổi thai 1 tuần. Về nhà, chị phải tích cực ăn uống. Nhưng do không được ăn nhiều vì bị tiểu đường thai kỳ nên chị chia nhỏ các bữa thành 6 bữa mỗi ngày, gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 3.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 4.

Em bé chào đời mạnh khỏe như một món quà cho sự nỗ lực không ngừng của chị Trà My.

May mắn sau đó, các tuần tiếp theo, bé có cân nặng phát triển tốt. Dù cho đến tuần 29, các chỉ số huyết áp, đường huyết cũng vẫn không khả quan nên bác sĩ khuyên chị nên tiêm mũi trưởng thành phổi, đề phòng nguy cơ sinh non. Chị nghe theo lời khuyên, tiêm 2 mũi trưởng thành phổi ở tuần 30. Nhưng chị lo lắng đến nghẹt thở khi thấy sau tiêm, 2 ngày liền bé không đạp, chỉ thỉnh thoảng trườn nhẹ. Rồi khi con đạp trở lại bình thường, chị mới trút được nỗi lo. Cứ như vậy, tuần nào chị cũng phải đi khám, đo huyết áp, có lần huyết áp cao lên đến 150/95. Bác sĩ cũng luôn nói rằng chị có nguy cơ sinh non cao, nên nếu có bất thường gì như đau đầu, chóng mặt cũng phải vào viện ngay.

Nhưng rồi đếm từng ngày một, chị Trà My cũng trải qua được các ngày sau đó. 36 tuần thai, chị ra Hà Nội vào đúng mùng 6 Tết để chờ sinh. Đến 37 tuần, chị đi khám theo lịch thì protein niệu lên 6,0 còn huyết áp 155/100, chạy máy đo cơn co 10 phút/2 cơn, khám trong cổ tử cung mở 3 phân, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu gấp. Bé chào đời nặng 3,5kg. Sau theo dõi ở khoa sơ sinh, thấy không có vấn đề gì thì được về với mẹ. Nhưng sau sinh, huyết áp của chị Trà My vẫn cao không hạ, cứ lên đến 170-178/100, phải truyền thuốc 2 ngày liên tục không rút kim ra, tình trạng của chị mới tạm ổn được.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 5.

Từ bị dọa sẩy, huyết áp cao, tiền sản giật rồi đến tiểu đường nhưng mẹ 9X vẫn cán đích thai kỳ đầy ngoạn mục - Ảnh 6.

Em bé được nâng niu như báu vật của cả hai vợ chồng chị Trà My.

Trải qua một hành trình mang thai đầy gian nan và thử thách, chị Trà My nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngắm nhìn con yêu của mình. Chị tâm sự: "Cả suốt thai kỳ, lúc nào mình cũng lo lắng và mệt mỏi, cứ gắng gượng từng ngày trôi qua, sợ sinh non sớm quá, con sẽ yếu ớt khó nuôi. Rồi mình cũng tăng cân nhiều, tổng cộng 23kg nên cơ thể rất nặng nề, nhất là về cuối càng đau và cơn gò nhiều hơn. Nhưng rồi mình vẫn vượt qua được tất cả và con yêu đã chào đời trong vỡ òa hạnh phúc. Vì vậy các mẹ bầu khác hãy cố gắng lên. Dù có vấn đề gì đi nữa cũng đừng tuyệt vọng, hãy vững tin vào ngày mai tươi sáng".

Chia sẻ