Trẻ thường xuyên xem điện thoại và không xem điện thoại khác nhau như thế nào trong tương lai: Nhiều nghiên cứu khoa học làm bừng tỉnh nhận thức của bố mẹ
Bạn sẽ không ngờ việc cho con xem điện thoại để bố mẹ không bị làm phiền lại ảnh hưởng đến tương lai của trẻ đến như vậy.
Khối lượng công việc ngày càng nặng cùng với quỹ thời gian hạn hẹp khiến nhiều phụ huynh chọn cách “giao phó” con mình cho điện thoại thông minh. Thực trạng này xảy ra ở khắp nơi, từ gia đình đến trường học, quán ăn, bệnh viện, khu vui chơi...
Điện thoại thông minh là giải pháp giúp cha mẹ nhàn rỗi hơn nhưng lại gây ra những tác hại khôn lường. Việc trẻ nghiện sử dụng điện thoại thông minh từ bé có thể gây hại đến thị lực, cột sống, thậm chí sự phát triển về thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trên thực tế, những đứa trẻ thường xuyên xem điện thoại thông minh từ nhỏ và không sử dụng thiết bị này lớn lên cũng sẽ có sự khác biệt. Cha mẹ nên lưu ý để con có thể phát triển toàn diện nhất.
1. Ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt
Theo một nghiên cứu khoa học của ĐH Harvard, những trẻ thích xem điện thoại thông minh có khả năng diễn đạt ngôn ngữ kém hơn so với các em dành thời gian đó để vui chơi ngoài trời. Điều này dễ hiểu khi tất cả các chương trình, trò chơi đều được thiết kế màu sắc, âm thanh sống động, bắt mắt để thu hút sự chú ý trẻ. Lâu dần, trẻ khó có thể thoát ra và bị lệ thuộc vào thế giới ảo trên điện thoại, ít giao tiếp với thế giới thực nên kỹ năng diễn đạt bị kém đi.
Ngược lại, những trẻ không thích xem điện thoại thông minh có nhiều thời gian để giao tiếp với mọi người giúp khả năng diễn đạt ngôn ngữ được linh hoạt hơn.
2. Ảnh hưởng đến khả năng tập trung
Nghiên cứu của đại học Harvard cũng cho thấy những đứa trẻ thường xuyên xem điện thoại thông minh từ nhỏ có khả năng tập rất kém, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tư duy và học tập của trẻ.
Nhiều đứa trẻ có học lực tốt khi chúng còn nhỏ nhưng khi lớn lên, điểm số có xu hướng thấp dần. Cha mẹ thường sẽ nghĩ rằng do trẻ chưa nắm vững kiến thức cơ bản, nhưng thực ra tất cả là do sự tập trung.
Nguyên nhân là khi cấp học tăng lên, kiến thức sẽ được truyền tải nhanh hơn, khó hơn đòi hỏi trẻ phải tập trung và phát huy khả năng tư duy để nắm bắt được bài học. Nếu các em không tập trung theo dõi, chểnh mảng học tập sẽ khó theo kịp bài học. Dần dần, điểm số của trẻ cũng sẽ giảm sút. Nếu không sớm khắc phục, điều này sẽ tạo nên sự chênh lệch rất lớn giữa trẻ và bạn bè. Do đó, việc trẻ học hành sa sút đi không phải do IQ mà là trẻ thiếu dần sự tập trung.
3. Ảnh hưởng đến cột sống
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Spine chỉ rõ, một số bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân trẻ, những người chưa từng có vấn đề ở lưng, cổ, đã ghi nhận có tình trạng thoát vị đĩa đệm và vấn đề ở đường cong sinh lý cột sống.
Nếu sử dụng điện thoại thông minh từ năm 8 tuổi, các em sẽ có thể phải phẫu thuật cột sống cổ vào năm 28 tuổi do đường cong sinh lý tự nhiên đã bị "bẻ" ngược. Trẻ em sử dụng thường nhìn xuống khi dùng điện thoại thông minh, để cổ ở góc 45 độ. So với lúc đứng, tình trạng cổ của chúng còn tệ hơn khi ngồi.
Thậm chí nhiều trẻ có thói quen nằm sấp để xem điện thoại. Tư thế này cũng gây hại đến cột sống.
4. Ảnh hưởng đến thị lực
Những trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh thường ngồi rất lâu trước màn hình khiến mắt không được nghỉ ngơi, vận động. Ngoài ra ánh sáng từ màn hình dễ làm trẻ bị cay mắt, khô mắt, mỏi mắt,… Đây chính là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều trẻ bị giảm thị lực, cận thị.
Trong khi đó những trẻ không thích sử dụng điện thoại di động sẽ dành nhiều thời gian cho các môn thể thao ngoài trời hoặc chơi với các loại đồ chơi khác nhau, giúp tầm nhìn của trẻ không bị ảnh hưởng, mắt cũng không cần thiết phải hoạt động quá sức như khi tiếp xúc với màn hình điện thoại.
Bên cạnh đó, các bé thích đi chơi xa và thường xuyên được đi ra ngoài ít bị ảnh hưởng đến thị lực hơn nữa vì trẻ dành nhiều thời gian ở ngoài trời, ngắm cảnh vật giúp đôi mắt được xoa dịu và sáng khỏe hơn. Đó cũng là lý do mà thị lực của trẻ xem điện thoại kém hơn rất nhiều so với những trẻ không xem điện thoại thường xuyên.