Trẻ nhỏ bị tiêu chảy cha mẹ đừng tự ý điều trị
Mỗi năm trung bình có khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhi bị tiêu chảy nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ, trong đó khoảng 80% là trẻ dưới 2 tuổi.
Cách đây 2 tuần, cháu Nguyễn Đức Tâm – con chị Trần Thị Sen ở tỉnh Phú Thọ bị tiêu chảy kéo dài. Cũng giống như những lần trước đó, chị Sen đã mua thuốc cho con uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Mỗi ngày số lần tiêu chảy càng nhiều thêm, vợ chồng chị Sen mới đưa con đi khám và được chỉ nhập nhập viện ngay lập tức.
“Hôm cháu nhập viện thì phân lỏng, bụng chướng, nằm ở đây 1 tuần rồi” - Chị Trần Thị Sen cho biết.
Cũng đang phải nằm viện điều trị bệnh tiêu chảy là trường hợp của cháu Lê Duy Khoa ở huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội. Theo phân tích của các bác sỹ, nguyên nhân gây tiêu chảy xuất phát từ chính thói quen chăm sóc mà nhiều bà mẹ dễ mắc phải, đó là việc cho trẻ ăn dặm quá sớm.
Chị Quách Thị Thi – mẹ cháu cho biết, thấy con quấy khóc nhiều, sợ con đói nên chị đã cho con ăn dặm từ 3 tháng tuổi. Nhưng chị Thi không biết rằng việc cho con ăn như vậy là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài của con sau này.
Theo Ths.BS Đặng Thúy Hà – Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi TW, bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể xảy ra quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa hè. Nếu cha mẹ hay người chăm sóc trẻ không chú ý giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn uống hợp lý thì rất dễ khiến trẻ bị tiêu chảy cấp. Bệnh có thể diễn tiến nhanh gây tình trạng mất nước, nhiễm trùng huyết, suy thận, suy hô hấp và tử vong.
Mỗi năm trung bình có khoảng 4000 - 5000 bệnh nhi bị tiêu chảy nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ, trong đó khoảng 80% là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyễn nhân chủ yếu là do tình trạng tiêu chảy cấp do chế độ ăn và chế độ chăm sóc trẻ không được đảm bảo.
"Ví dụ như việc vệ sinh không sạch sẽ đầu ti hay bình sữa trước khi cho trẻ bú có thể gây nhiễm khuẩn, hoặc việc cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị tổn thương đường tiêu hóa và gây tiêu chảy kéo dài. Bởi trước 6 tháng tuổi hệ thống men tiêu hóa của trẻ chưa hình thành nên chưa thể tiêu hóa các thức ăn thô" - BS Thúy Hà phân tích.
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường có biểu hiện sốt cao, đau bụng quặng, đôi khi kèm theo tình trạng mót rặn đối với các trẻ lớn và trẻ sẽ biểu hiện đi ngoài phân nhầy máu đối với các trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột.
Trên thực tế có nhiều cha mẹ tự điều trị cho trẻ tại nhà khi bị tiêu chảy, theo BS Đặng Thúy Hà các mẹ không nên làm như vậy, vì nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, nhiễm trùng huyết, trụy mạch, suy thận…nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Để dự phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, BS Thúy Hà khuyến cáo: Cha mẹ nên chú ý vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, chú ý rửa tay trước và sau khi ăn cho trẻ uống, cũng như là chăm sóc trẻ. Thứ hai là bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, đồng thời cho trẻ sử dụng môt số vaccine dự phòng như: tả, rotavirus...