Trẻ mắc viêm phổi, viêm phế quản, ba mẹ có nên cho bé nằm điều hòa hay không?

An Chi,
Chia sẻ

Nhiều bố mẹ thắc mắc không biết việc dùng điều hòa kéo dài có làm bệnh của con trở nặng hơn.

Trong giai đoạn giao mùa, việc trẻ bị ốm, mệt là điều khó tránh khỏi. Những bệnh trẻ thường mắc có thể kể đến viêm phổi, viêm phế quản, viêm hô hấp, viêm tai giữa... Nhiều phụ huynh cho rằng con đang sốt, ho hắng, sổ mũi, viêm họng, viêm hô hấp nói chung là không thể nằm điều hòa được, chỉ nằm quạt phe phẩy.

Tuy nhiên, quan niệm này không đúng. Theo bác sĩ Phạm Văn Đông - Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn Nhi Khoa tại Phòng Khám Nhi Đồng - Hà Nội thì điều hòa chỉ có tác dụng làm mát, làm thoáng không khí (một vài loại hiện đại còn lọc không khí và diệt vi khuẩn) giúp môi trường phòng ngủ của con sạch hơn và thoáng hơn, chứ không làm bệnh của con nặng hơn hoặc không làm con mắc bệnh hô hấp.

Con bị mắc các bệnh đường hô hấp chủ yếu trên 90% là do virus tấn công và do hàng rào miễn dịch của con còn chưa hoàn thiện nên dễ bị ốm. Nên các trường hợp con đang bị viêm hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm mũi họng cấp... hoàn toàn vẫn nằm điều hòa hoặc quạt được và mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng và độ ẩm phòng theo chỉ số trên Nhiệt Ẩm Kế chứ không theo chỉ số trên điều hòa.

2. Tùy theo nhiệt độ môi trường bên ngoài, nhiệt độ điều hòa để ở khoảng 26-28 độ, không nên để quá thấp dễ làm con bị khô mũi không hồi phục và làm viêm mũi.

3. Độ ẩm trong nhà nên căn chỉnh về khoảng 55-70%. Trong khoảng này là ổn, không quá khô cũng không quá ẩm. Để điều chỉnh cân bằng ẩm, mẹ để 1 chậu nước trong phòng, phơi khăn ẩm trong phòng hoặc dùng máy phun sương tạo ẩm. Cách nào phù hợp và kinh tế thì mẹ làm.

Trẻ mắc viêm phổi, viêm phế quản, ba mẹ có nên cho bé nằm điều hòa hay không? - Ảnh 1.

4. Mặc thoáng, không nằm đệm lún, không chèn quá nhiều, kiểm tra độ thoáng, sạch về gối con nằm, chăn con đắp.

+ Mặc thoáng: Có thể mặc quần áo cộc, nếu sợ đêm thân nhiệt con thay đổi thì có thể mặc áo dài tay mỏng, quần cộc.

+ Đệm không lún, gối phẳng: để con đỡ bị ra mồ hôi lưng, mồ hôi đầu.

+ Kiểm tra độ sạch của chăn, gối: để da con không bị kích ứng tránh ngứa ngáy khi ngủ.

5. Giữ ẩm mũi cho con bằng các loại xịt thảo dược vừa có tác dụng giữ ẩm vừa có tác dụng phòng ngừa viêm. Dùng hàng ngày được do là dịch chiết dược liệu nên an toàn và không gây khô mũi.

6. Giữ cân bằng thân nhiệt cho con bằng các loại sáp giữ nhiệt hoặc tinh dầu. Sáp giữ nhiệt như sáp Soothing thì giữ được khoảng 4-6 tiếng, tinh dầu như Tràm Gió thì giữ nhiệt được khoảng 45-60 phút. Giúp con không bị mất cân bằng thân nhiệt vào lúc giữa đêm và gần sáng khi nhiệt độ thấp và thân nhiệt con biến thiên. Mẹ chú ý: đây là giữ cân bằng thân nhiệt chứ không phải là giữ ấm.

7. Các hướng gió, khí lạnh trực tiếp không được hướng thẳng về phía con, tất cả đều là gián tiếp. Nếu kết hợp thêm quạt thì để quạt tản gió và cách xa con khoảng 1,5-2m trở lên.

8. Nếu nhà có điều kiện thì mẹ dùng thêm máy lọc không khí, không có cũng không sao.

9. Hơn hết tất cả các quy tắc bên trên, đều không bằng thực tế trên cơ thể con. Nếu mẹ đã thực hiện theo 8 quy tắc trên mà sờ vẫn thấy da con ẩm, lấm tấm mồ hôi, lòng bàn tay ra mồ hôi thì mẹ điều chỉnh lại sao cho:

+ Da mát, chân tay mát, thoáng, không ẩm, không lấm tấm mồ hôi.

+ Đầu khô, tóc không ướt, lưng không ẩm. Do vậy, không quy tắc nào quan trọng bằng quy tắc mẹ hiểu con, mẹ biết cách chăm con thì con khỏe mẹ khỏe, con ít ốm vặt.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bố mẹ bảo vệ sức khỏe của trẻ khi con bị ốm trong mùa nắng nóng. Đặc biệt là việc sử dụng điều hòa đúng cách sẽ giúp bé nhanh khỏe hơn.

Chia sẻ