Trẻ lớn rồi vẫn thường xuyên khóc nhè, bật mí tuyệt chiêu giúp bố mẹ "trị" tính mè nheo của con
Trẻ lớn rồi vẫn thường xuyên khóc nhè, ăn vạ thì phải làm sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ giải quyết khi rơi vào tình huống này.
Trẻ lớn rồi vẫn thường xuyên khóc nhè là vấn đề khiến các bậc phụ huynh khá đau đầu. Khi xem xét con khóc không phải do bệnh lý, thì cha mẹ nên giải quyết đúng đắn việc khiến trẻ rơi nước mắt. Nếu cứ tiếp tục chiều theo ý của con thì chỉ khiến đứa trẻ thêm hư mà thôi. Nhưng nếu dạy bảo mà không khéo léo thì cũng vô tác dụng. Bài viết dưới đây sẽ phân tích nguyên nhân vì sao trẻ khóc. Từ đó giúp cha mẹ xử lý tình huống này.
3 nguyên nhân chính khiến trẻ lớn rồi còn khóc nhè
1, Con xem mình là trung tâm
Con xem mình là trung tâm và phản ứng lại rất tiêu cực khi không hài lòng điều gì đó, là 1 trong những biểu hiện của đứa trẻ được chiều trong quá khứ. Nếu hồi nhỏ con được người lớn bao bọc, nuông chiều, sẵn sàng được cha mẹ đáp ứng mọi thứ, thì khi lớn lên con cảm thấy hiển nhiên mình vẫn được chiều như vậy.
Khi không chấp nhận việc trái ý, con sẽ gào khóc. Mục đích chính của việc khóc là muốn đạt được mục đích, muốn người lớn phải làm theo ý mình.
2, Trẻ thiếu cảm giác an toàn
Khi con không nhận đủ sự quan tâm, con cảm thấy mọi người đang "lơ" mình, chúng sẽ khóc để đòi hỏi sự chú ý.
Trẻ con dù biết nói những vẫn chưa thể diễn đạt hoàn hảo tâm trạng của mình bằng lời nói được. Do đó chúng khóc để ra tín hiệu với cha mẹ. Điều quan trọng là người lớn nắm bắt được và dỗ dành con kịp thời. Nếu cứ để tình trạng con cảm thấy thiếu an toàn trong 1 thời gian dài, đứa trẻ sẽ rất cô đơn, buồn tủi.
3, Trẻ muốn tự quyết định, tự làm nhưng năng lực lại không đủ
Một nguyên nhân khác khiến trẻ hơn 2 tuổi vẫn òa khóc, đó là chúng muốn tự quyết định, tự làm nhưng năng lực lại không đủ. Khi đó con cảm thấy bất lực và tủi thân, đan xen thêm 1 chút bực bội.
Cha mẹ nên nhẫn nại 1 chút khi con khóc để tìm hiểu rõ lý do vì sao trẻ lại bộc lộ cảm xúc như thế. Sau đó, bạn cần nhẹ nhàng an ủi để xoa dịu tâm trạng của trẻ hoặc giải thích vì sao trẻ không được phép làm việc này hoặc việc kia.
Tuyệt chiêu giúp con "cai" khóc khi ở nơi công cộng
1. Cân nhắc xem nơi sắp đến có thích hợp đưa trẻ theo hay không
Khi trẻ khóc nhè, vòi vĩnh ở nơi công cộng, không chỉ ảnh hưởng đến cha mẹ mà còn làm phiền người khác ở xung quanh. Đặc biệt là những nơi trang trọng, mọi người cần giữ trật tự, không được gây tiếng ồn. Chính vì vậy trước khi ra ngoài, cha mẹ hãy xác định xem có nên dẫn con theo không. Nếu dẫn theo con cần phải thỏa thuận với đứa trẻ như thế nào, chẳng hạn như nói với con: "Nếu con hứa rằng mình sẽ ngoan, ngồi chơi trật tự thì mẹ mới dẫn con đi".
2. Đưa trẻ rời khỏi nơi bé khóc để ổn định cảm xúc
Khi con khóc ở quán ăn, khu mua sắm để đòi mua đồ chơi, hoặc vòi vĩnh món đồ gì đó,... trước tiên phụ huynh nên giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng dẫn trẻ rời khỏi nơi đó. Hãy tìm một góc yên tĩnh, ít người chú ý để vỗ về cảm xúc tiêu cực của trẻ. Sau đó hãy chỉ cho con hiểu hành động của chúng sai ở đâu và con cần làm gì. Đây cũng là cách di chuyển sự chú ý của trẻ để cha mẹ thuận lợi dỗ dành hơn.
3. Dạy trẻ cách điều chỉnh âm thanh ở những điểm đến khác nhau
Dù trẻ đã lớn hơn so với giai đoạn sơ sinh nhưng ở một độ tuổi nhất định của trẻ em thì năng lực phân biệt các tình huống vẫn chưa tốt như người lớn được. Chính vì vậy chúng không biết cách điều chỉnh âm lượng. Trẻ chỉ biết gào khóc thật to để đòi hỏi cha mẹ đáp ứng nguyện vọng của chúng.
Dó đó khi ở nhà, người lớn có thể thường xuyên cho trẻ xem tranh ảnh, sách báo để hướng dẫn và giải thích cho con nơi nào thì được vui chơi, nơi nào cần giữ im lặng. Những điều này tuy chỉ mới là kiến thức về mặt câu chữ nhưng cũng tạo tiền đề để trẻ tăng hiểu biết khi gặp ở thực tế đời sống.
4. Không nên lúc nào cũng cấm cản con
Trẻ lớn rồi còn khóc nhè đều có nguyên nhân của nó, trong đó có cả tâm lý muốn được thừa nhận năng lực của mình. Vì vậy cha mẹ cần hiểu và đừng lấy cái quyền mình là người lớn và con buộc phải nghe theo. Thói quen này rất dễ phản tác dụng và thậm chí làm tổn thương trẻ. Thay vì nói: "Con không được làm thế này" chi bằng bạn nói: "Con nên làm thế kia" sẽ hiệu quả hơn.