Trẻ em cũng có thể mắc đột quỵ

Đức Trân,
Chia sẻ

Nhiều người quan niệm đột quỵ là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Thế nhưng, trẻ em cũng có nguy cơ bị đột quỵ, đồng thời, chính bởi quan niệm như trên mà nhiều gia đình đưa trẻ bị đột quỵ tới viện khi đã muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.A. (8 tuổi, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) vào nhập viện trong tình trạng co giật và được chẩn đoán nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân – liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. Gia đình bện nhi cho biết, cháu A. có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Sau khi tắm vào buổi chiều tối xong, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức cháu được sơ cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện trước khi chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi trung ương.

Sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được chuyển về phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng miệng còn méo, nói chưa tròn tiếng, nửa người bên phải yếu, đi lại sinh hoạt cần sự trợ giúp của người nhà; không thể tự đánh răng, rửa mặt, buộc tóc, cầm nắm đồ vật nhỏ rất khó, không thể viết chữ… Sau nhiều ngày điều trị, hiện bệnh nhi đã hồi phục tốt.

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cũng thông tin, mới đây đã tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhi 7 tuổi mắc đột quỵ. Mẹ bệnh nhi kể lại, hôm đó thấy con kêu đau đầu dữ dội, không tỉnh táo chị vội vàng đưa con đi khám và nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng bé lơ mơ, yếu nửa người. Bác sĩ cho biết bé có thể bị đột quỵ khiến chị bất ngờ và tức tốc chuyển lên bệnh viện lớn. Kết quả chụp MRI phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch cho bé.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết: Thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này dù không nhiều vẫn có thể xảy ra. Nhiều trẻ bị đột quỵ được cứu sống kịp thời, nhiều trẻ để lại di chứng và nhiều trẻ đã không thể cứu chữa được do đến bệnh viện quá muộn. Đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh vì trẻ em không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói.

Các chuyên gia y tế nhận định, nếu như đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động…) thì đột quỵ ở trẻ em chủ yếu là do dị dạng bẩm sinh mạch máu não, một số trường hợp do các bệnh tim bẩm sinh hay các rối loạn đông cầm máu. Điều này kéo theo việc chẩn đoán bệnh chậm trễ, quá “giờ vàng” để can thiệp cứu sống trẻ.

Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay… thì ở trẻ em lại khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về… Chẩn đoán và điều trị chính xác đột quỵ não đồng thời phục hồi chức năng sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kiểm soát và hạn chế tối đa các biến chứng. Nhờ đó thúc đẩy quá trình hồi phục của não bộ, các hoạt động chức năng cải thiện nhanh hơn và tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tàn tật của đột quỵ gây ra và giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm và tốt nhất.

Chia sẻ