Trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy cần được bổ sung chất kẽm

,
Chia sẻ

Các bằng chứng khoa học về tầm quan trọng của chất kẽm với việc điều trị, phòng chống tiêu chảy ở trẻ em được ghi nhận qua các thử nghiệm lâm sàng và Tổ chức Y tế Thế giới.

Một số nghiên cứu đã xác định nếu bổ sung chất kẽm từ 10-20mg mỗi ngày cho đến khi hết triệu chứng tiêu chảy đã làm giảm đáng kể mức độ và thời gian tiêu chảy đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Một số nghiên cứu khác cũng xác định sử dụng liệu trình ngắn hạn điều trị tiêu chảy bằng chất kẽm 10-20mg mỗi ngày, trong 10-14 ngày đã làm giảm mắc bệnh tiêu chảy trong vòng 2-3 tháng tiếp theo. Căn cứ trên kết quả đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo uống bổ sung chất kẽm cho trẻ bị tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.
 

Vì sao trẻ cần được bổ sung chất kẽm ?

Chất kẽm được chứng minh là một kim loại vi lượng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các enzyme, màng tế bào và các chức năng của tế bào cơ thể. Kẽm cũng đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của của tế bào và chức năng của hệ thống miễn dịch.

Khi trẻ bị tiêu chảy, việc sử dụng chất kẽm nhất thiết phải có sự tư vấn hoặc chỉ định của bác sĩ. Cho trẻ uống kẽm hàng ngày trong vòng từ 10-14 ngày. Liều điều trị đối với kẽm nguyên chất được quy đổi là 10mg mỗi ngày trong vòng 14 ngày đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi trở xuống và 20mg mỗi ngày trong vòng 14 ngày đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi.

Hiện nay, viên kẽm bán trên thị trường thường ở dưới dạng hợp chất kẽm; vì vậy cần chú ý liều lượng kẽm được quy đổi ra kẽm nguyên chất. Nếu kẽm ở dưới dạng xi rô cũng cần chú ý đến liều lượng quy đổi để cho trẻ uống đúng và đủ liều.

Trẻ bị tiêu chảy uống kẽm bổ sung như thế nào?

Đối với trẻ sơ sinh, có thể hòa tan viên kẽm với sữa mẹ rồi cho trẻ uống. Cũng có thể hòa kẽm với dung dịch Oresol hoặc nước sạch rồi cho trẻ uống bằng cốc nhỏ hay bằng thìa. Đối với trẻ lớn hơn, hướng dẫn trẻ nhai nát viên kẽm trong miệng rồi uống nước hoặc hòa tan viên kẽm vào cốc nước rồi cho trẻ uống bằng cốc nhỏ hay bằng thìa. Trong trường hợp kẽm được bào chế dưới dạng xi rô, cần kiểm tra công thức quy đổi của nhà sản xuất để bảo đảm trẻ được uống kẽm đúng và đủ liều, ví dụ như 5ml tương đương với 10mg kẽm ...

Tuy nhiên, viên kẽm với hàm lượng 20mg có thể tan nhanh trong nước, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có sẵn tại các nhà thuốc, hiệu thuốc trên thị trường. Trong khi, kẽm dưới dạng xi rô và bán trên thị trường nhưng chưa được sử dụng nhiều, giá thành sản phẩm lại cao. Mặc dù phản ứng phụ khi sử dụng chất kẽm hiếm khi xảy ra nhưng cũng đã có một số trường hợp được ghi nhận; vì vậy khi sử dụng kẽm cần có sự chỉ định của bác sĩ và nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn cụ thể về liều lượng, cách sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

 Theo Dân trí

Chia sẻ