Trẻ đau chân khi tăng trưởng, do đâu?

BS. Nguyễn Tố Ngân,
Chia sẻ

Ở lứa tuổi dậy thì rất thường gặp các em hay kêu đau ở chân. Đó là cảm giác đau nhói tương tự cơn đau hư khớp nhưng không có vị trí rõ ràng. Đôi khi đau tập trung ở đầu gối. Trẻ thường đau vào buổi tối sau một ngày hoạt động. Cứ tối đến là đau sau vài ngày rồi hết, ít lâu sau lại xuất hiện.

Trẻ đau đầu gối phía trước xương chày

Tìm hiểu về mặt y học, người ta chưa rõ lý do trẻ đau. Các khám nghiệm như chụp Xquang, thử máu không có biểu hiện bệnh lý gì. Do vậy mới có ý nghĩ coi việc trẻ đau có liên quan đến sự tăng trưởng của  cơ thể. Mặt khác, trên thực tế không phải tất cả mọi trẻ đều có hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, nếu  trường hợp trẻ 10-15 tuổi đau dai dẳng ở đầu gối phía trước xương chày, đau tái diễn lâu ngày cần cho trẻ đi chụp Xquang rất có thể đó là biểu hiện của bệnh Osgood - Schlatter, một tổn thương lành tính hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên chuyển sang giai đoạn phát triển dậy thì.

Bệnh hay gặp nhất là từ 13 - 14 tuổi ở con trai và 11 - 12 tuổi ở con gái, gắn liền với thời kỳ hệ xương đang phát triển mạnh trong đó có xương chày. Cơ chế gây bệnh hiện nay được cho là do trẻ tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, chạy nhảy, bóng chày, bóng rổ, cầu lông... với cường độ nhiều và liên tục trên cơ sở một đầu dưới xương chày đang phát triển chưa ổn định. Tuy vậy, bệnh có thể xuất hiện cả ở những trẻ mà tiền sử ít hoặc không hoạt động thể thao cũng như không có nguyên nhân do chấn thương.

Trẻ đau chân khi tăng trưởng, do đâu? - Ảnh 1.

Tổn thương sứt mẻ lồi củ trên xương chày trong bệnh Osgood-Schlatter.

Về phương diện sinh lý, cơ tứ đầu đùi là một cơ rất lớn, có phần gân phía dưới đi vòng, chồng lên qua xương bánh chè và bám vào đầu dưới xương chày. Ở trẻ em, phần đầu trên xương chày còn nhiều sụn nên không được chắc chắn, do đó khi vận động liên tục với cường độ cao, phần sụn chỗ bám của gân cơ tứ đầu đùi rất dễ bị tổn thương.

Cách làm giảm đau cơ

Đau cơ là một hiện tượng sinh lý vận động bình thường. Trong quá trình vận động, trong cơ sản sinh ra acid lactic - sản phẩm của quá trình chuyển hóa mà cơ thể chưa kịp bài tiết ra ngoài. Chất này kích thích thần kinh ở các cơ gây nên hiện tượng đau cứng. Để giảm đau, dùng khăn nóng chườm xoa chỗ đau giúp cho các mạch máu giãn nở, đẩy mạnh tuần hoàn máu, tăng nhanh quá trình bài tiết acit lactit. Biện pháp xoa bóp nơi đau cơ khắc phục sức ì trệ của cơ, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm đau.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện chính của bệnh là đau phần trước đầu trên xương chày, căng tức đầu dưới xương chày. Đau có thể xuất hiện khi đi lại, vận động nhiều như chạy nhảy, co đầu gối, đau đặc biệt tăng khi lên xuống cầu thang và nhiều khi đau ngay cả khi nghỉ ngơi.

Mức độ đau thì rất khác nhau ở từng cá thể, có em chỉ đau ở mức độ nhẹ, vẫn đi lại và tham gia các hoạt động thể lực trong khi có em đau nhiều, phải dùng thuốc giảm đau.

Khám có thể thấy lồi củ trước xương chày sưng nề, ấn đau, chụp Xquang hoặc cộng hưởng từ có thể thấy tổn thương gân, sụn và phần sụn xương chày bong, tách khỏi đầu trên xương chày.

Điều trị thế nào?

Điều trị bệnh về cơ bản dễ chữa, bao gồm các biện pháp như tạm dừng các hoạt động thể lực cho khớp nghỉ ngơi, băng ép dây chằng đầu gối, chườm xoa chỗ đau, uống thuốc giảm đau như paracetamol liều thấp ít ngày và vật lý trị liệu...

Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp đau quá nhiều, điều trị không đỡ hoặc có tổn thương nhiều phần sụn và lồi củ xương chày gây tổn thương xương bánh chè. Tiên lượng của bệnh thường tốt, bệnh thuyên giảm nhanh sau khi nghỉ ngơi và điều trị đúng phương pháp, hết hẳn khi đến tuổi trưởng thành (hệ xương ngừng phát triển). Tuy nhiên, cá biệt có một số trường hợp chuyển mạn tính với những cơn đau đầu gối tồn tại ngay cả ở tuổi trưởng thành.

Phòng bệnh: Một chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng, cân bằng, tăng cường hấp thụ vitamin D cũng góp phần làm tăng sức chịu đựng của hệ cơ xương khớp.

Hoạt động thể lực vừa sức; khởi động đầy đủ trước khi vận động; tránh các động tác làm căng cơ đùi đột ngột và quá mức; tập luyện theo cường độ tăng dần để hệ cơ xương khớp có thể thích nghi. Khi có biểu hiện đau gối, căng cơ đùi, cần dừng vận động và khi đã hết đau mới tập luyện nhẹ nhàng trở lại.

Chia sẻ