'Trẻ có thể tập đọc ngay từ 9 tháng tuổi'
Theo tiến sĩ Robert C. Titzer, chuyên gia về giáo dục trẻ em ở Mỹ: Không phải đến khi trẻ lên 4-5 tuổi cha mẹ mới bắt đầu dạy con tập đọc, hãy dạy trẻ đọc từ 9 tháng tuổi.
Nghiên cứu của ông cho thấy có một cửa sổ cơ hội học ngôn ngữ bắt đầu từ khi trẻ biết đi và đóng lại khi trẻ lên 4. Trong giai đoạn cửa sổ này, trẻ được dạy đọc thì kỹ năng sẽ tốt hơn hẳn so với bé được dạy ở lứa tuổi 5-6, dù có cùng chỉ số thông minh và địa vị xã hội.
Những bằng chứng khoa học cho thấy rằng trong những năm đầu đời, não bộ trẻ phát triển rất nhanh và có những tiềm năng lớn. Trong giai đoạn này, khi các giác quan thính giác, thị giác, xúc giác được kích thích đúng phương pháp, trẻ sẽ phát triển tốt nhất tiềm năng trí tuệ sẵn có. Tiềm năng của não bộ trẻ là cơ sở của các chiến lược giáo dục sớm, trong đó có việc học ngôn ngữ sớm. Chính vì vậy tập đọc ngay từ thơ ấu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn nào khác.
"Trong thời kỳ sơ sinh, trẻ em có khả năng học ngôn ngữ tự nhiên ở mức độ cao hơn bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời. Tôi đã phát triển phương pháp học đọc đa giác quan mới này để tận dụng cửa sổ cơ hội của trẻ để học ngôn ngữ", Titzer cho biết.
Giải pháp của ông là: Để trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi tiếp xúc với ngôn ngữ đọc cũng như ngôn ngữ nói thông qua chương trình đa giác quan sinh động mà trẻ có thể vừa nhìn thấy từ vừa nghe chúng.
Ví dụ, khi con bạn tỏ ra hứng thú ở một chủ đề đặc biệt nào đó, hãy giúp bé học đề tài đó bằng nhiều giác quan có thể. Nếu con bạn thích học về hoa - hãy để bé xem, ngửi, chạm vào, thậm chí là lắng nghe những âm thanh dịu dàng mà bông hoa phát ra mỗi khi chạm vào tai bé.
Phương pháp học này thường gây hứng thú nhiều hơn đối với trẻ, tạo hiệu quả nhiều hơn vì các kênh thần kinh được hình thành giữa các vùng khác nhau của não sẽ nhận được những thông tin đa cảm giác.
Tuy nhiên, tiến sĩ Khanh cũng cho rằng khi dạy trẻ đọc quá sớm, có thể trẻ sẽ rất ham đọc, hoặc ham đọc quá mức, nên cần phải dung hòa được với những hoạt động khác như giao tiếp hoặc vận động.
"Ngay cả tại các nước tiên tiến như Mỹ, Singapore, quan điểm của tiến sĩ Titzer vẫn còn là rất mới, vì thế ta cũng nên tham khảo", ông Khanh nói. Ông cho biết Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã thử nghiệm áp dụng trên một nhóm trẻ, nhưng chưa công bố kết quả.