Trẻ bị chấn thương não chỉ vì hành động yêu thương nhiều cha mẹ thường làm với con

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Những hành động quen thuộc và đầy yêu thương của người lớn lại tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường với trẻ nhỏ, đó là khiến trẻ bị chấn thương não, nặng có thể khiến trẻ tử vong.

Ngày 15/7 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM đã tiếp nhận trường hợp một bé trai chỉ mới được 45 ngày tuổi bị chấn thương sọ não sau khi bị đụng đầu với anh trai 3 tuổi. Được biết, khi mẹ đang bế em trên tay, thì cậu anh trai đã chồm tới hôn em. Tuy nhiên, cú chồm tới này lại khiến đầu của anh đụng mạnh vào đầu em và khiến em bé bị chấn thương sọ não.
 
Ngay sau đó, bé được đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận để cấp cứu và được chuyển tiếp lên bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP HCM. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi bị chấn thương sọ não với tình trạng xuất huyết dưới màng cứng bán cầu não bên phải kèm phù não. Cháu bé vẫn đang trong tình trạng lơ mơ, phải thở máy. Các bác sĩ theo dõi sát để quyết định hướng can thiệp tiếp theo.
 
Nhiều trường hợp tử vong vì hội chứng trẻ bị rung lắc
 
Trong một báo cáo thống kê tại Mỹ, mỗi năm, ở đất nước này có khoảng 1.200 – 1.400 trẻ chấn thương hoặc chết vì hội chứng trẻ bị rung lắc (hay còn gọi là hội chứng shaken baby syndrome). Khoảng 25 – 30% trong số đó đã tử vong do chấn thương não nặng, số còn lại có biểu hiện lâm sàng cấp tính hoặc bán cấp. Một số trẻ em còn lại thì bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời như chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng nhận thức. Còn một số trẻ sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài, thậm chí là tới vài năm.
 
Hội chứng này còn nguy hiểm tới mức mà tại Mỹ, họ lập ra một trung tâm quốc gia chuyên về vấn đề này. Ngoài ra, văn phòng sở xã hội California còn phát hành tài liệu giải thích về sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ.
 
Cụng trán
Thậm chí, cả một ủy ban đã được lập ra để cảnh báo về những tổn thương do việc rung lắc trẻ gây nên (Ảnh minh họa) 
 
Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức về những trường hợp trẻ bị chấn thương sọ não do rung lắc. Tuy nhiên chỉ riêng bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội đã từng tiếp nhận khoảng 20 trẻ bị hội chứng này. Điển hình là trường hợp của bé N.T.T., hai tuổi, ngụ ở Gia Lâm (Hà Nội). Bé được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn với những dấu hiệu suy hô hấp, nôn ói, lơ mơ, chân tay yếu... Nguyên nhân là trong lúc chơi đùa với con, thấy bé khóc nên ba bé đã để bé nằm úp lên hai tay rồi đưa lên cao, hạ xuống thấp chơi trò “máy bay” nhằm chọc bé cười. Và điều không ngờ là đến tối thì bé khóc dữ, nôn ói, co giật… Gia đình có cho bé uống thuốc nhưng vài ngày sau thì bé có hiện tượng nặng hơn.
 
Trường hợp tương tự là bé N.T.K., mười tháng tuổi, Tiền Hải (Thái Bình). Người nhà bé K cho biết sau khi cho bé nằm võng ngủ trưa do anh trai bé đưa, thì xảy ra tình trạng nôn ói, vùng da trán tím tái, bỏ bú… Kết quả chẩn đoán cho thấy bé K. bị chảy máu não.
 
Hội chứng trẻ bị rung lắc – khó điều trị nhưng có thể phòng ngừa
 
Theo các bác sĩ, phần lớn hội chứng rung lắc ở trẻ dưới hai tuổi, trong đó xảy ra cao nhất là ở trẻ từ sáu tuần đến bốn tháng tuổi. Nguyên nhân xảy ra là bởi khi trẻ còn nhỏ, kích thước đầu và cơ thể của trẻ có tỉ lệ không đồng đều. Trong khi đó, cơ cổ của bé lại quá yếu, không đủ sức để nâng đỡ đầu nên khi bị rung lắc, quán tính và gia tốc của đầu lớn, dễ gây chấn thương sọ não. Không những vậy, khi còn nhỏ, tế bào não của trẻ vẫn còn nhiều nước, tổ chức não lỏng lẻo nên khi bị rung lắc rất dễ đứt sợi trục thần kinh hoặc làm phù nề nhu mô não. Thêm vào đó, lượng dịch trong khoang dưới màng nhện nhiều, số lượng mạch máu não của trẻ nhiều hơn người lớn nhưng cấu trúc thành mạch không bền bằng người lớn. Chính vì vậy, khi bị rung lắc, nhu mô não và các mạch máu của trẻ rất dễ bị tổn thương.
 
 Não của trẻ rất nhạy cảm, chúng không thể chịu được những tổn thương này (Ảnh minh họa)
 
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa khiến trẻ gặp những chấn thương não rất dễ bị tử vong, đó là hội chứng của tổn thương rất khó nhận ra, dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác như nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hoá... Do có cùng biểu hiện khóc, nôn, ói, bỏ ăn, ngủ lịm, gương mặt không cảm xúc, da xanh tái..., dẫn đến sự chậm trễ trong việc cấp cứu, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị tổn thương não đa phần cũng rất khó khăn.
 
Tuy nhiên, theo bác sĩ và các chuyên gia y tế, bệnh lý này lại dễ phòng ngừa. Vì vậy, để hạn chế tối đa các tổn thương về não cho con, bố mẹ cần chú ý những điều sau:
 
 Hãy ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy trẻ có những biểu hiện của hội chứng bị rung lắc (Ảnh minh họa)
 
-  Tuyệt đối không thực hiện các động tác rung lắc mạnh bạo với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới hai tuổi.
 
-  Không thay đổi tư thế trẻ quá đột ngột. 
 
-  Không tát, đánh vào đầu trẻ. 
 
-  Khi di chuyển trẻ, giữ cổ trẻ ở tư thế tương đối cố định.
 
-  Nếu trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều, bỏ ăn hay bỏ bú, ói, ngủ lịm, gương mặt không cảm xúc, da xanh tái nhìn thấy rõ nhất vùng trán, co giật, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật... và trước đó, có ai rung lắc, cù hoặc chơi đùa với trẻ, bố mẹ nên nghĩ ngay đến hội chứng trẻ bị rung lắc và hãy lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ