Trẻ bị chậm nói có thể do một sai lầm trong việc ăn uống mà nhiều bố mẹ áp dụng cho con

Lưu Thoa,
Chia sẻ

Việc để trẻ ăn các thức ăn mềm lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ miệng và cơ quan thanh âm của trẻ.

Ngay khi một đứa trẻ chào đời, cả gia đình sẽ tập trung dành cho trẻ những điều được cho là tốt nhất. Từ việc ăn uống, mặc đồ, ngủ nghỉ... đều được bố mẹ xem xét kỹ càng, nhưng đôi khi sự chăm chút quá mức lại có thể khiến bố mẹ mắc sai lầm. Trong đó 1 điều có thể khiến con gặp vấn đề phát triển ngôn ngữ mà nhiều bố mẹ không biết đến.

Thông thường đến độ tuổi ăn dặm, các ông bố, bà mẹ có kinh nghiệm sẽ cho trẻ ăn thêm các thức ăn bổ sung như sữa, trứng, thịt, rau củ xay nhuyễn và các loại thức ăn mềm khác... Sau 1 tuổi, trẻ phát triển hơn về thể chất thì đồ ăn cho trẻ cũng dần chuyển từ dạng thức ăn mềm, nhão có thể nuốt dễ dàng sang dạng thức ăn cần phải nhai.

Tuy nhiên, có nhiều gia đình vẫn chỉ toàn cho con ăn cháo xay nhuyễn hoặc các thức ăn mềm dễ nuốt dù trẻ đã 2-3 tuổi và cho rằng những thức ăn đó có lợi hơn cho tiêu hóa của trẻ, có thể giúp trẻ hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn dễ dàng hơn. Các ông bố, bà mẹ này đã mắc sai lầm, không biết rằng việc để trẻ ăn các thức ăn mềm hoàn toàn như vậy có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ miệng và cơ quan thanh âm của trẻ.

Con chậm phát triển ngôn ngữ từ điều ít ai ngờ đến, bố mẹ không thể làm ngơ - Ảnh 1.

Đến khoảng hai, ba tuổi thì trẻ có thể ăn được cơm nát và thức ăn bình thường như người lớn. (Ảnh minh họa)

Cách đây một thời gian, gia đình một em bé bị chậm phát triển ngôn ngữ đã cho con đến thăm khám ở một trung tâm chữa trị tại Thành Đô (Trung Quốc). Lúc đầu, chuyên viên thăm khám cho rằng nguyên nhân có thể do môi trường ngôn ngữ ở gia đình gây nên vấn đề.

Đến khi giao tiếp với bố mẹ của đứa trẻ kỹ hơn, chuyên viên này nhận thấy nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ của đứa bé. Đó là do cha mẹ đứa trẻ đã cho con ăn các thức ăn mềm suốt từ nhỏ và chưa bao giờ thay đổi dạng thức ăn cho con, dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển cơ miệng và cơ quan thanh âm của trẻ.

Thực tế, khi trẻ được 6 tháng là đã bắt đầu có thể ăn dặm, ăn các thức ăn mềm và chuyển dần sang các dạng thức ăn thô hơn ở những tháng tiếp theo. Đến khoảng hai, ba tuổi thì trẻ có thể ăn được cơm nát và thức ăn bình thường như người lớn, chỉ cần hạn chế bớt dầu mỡ và muối (vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển các chức năng sinh lý khác của trẻ).

Trẻ bị chậm nói có thể do một sai lầm trong việc ăn uống mà nhiều bố mẹ áp dụng cho con - Ảnh 3.

Bố mẹ cần hiểu rõ hơn về việc chậm phát triển ngôn ngữ

1. Chậm phát triển ngôn ngữ kèm theo chậm phát triển vận động

Trong quá trình trẻ phát triển, trẻ sẽ học hỏi và phát triển dần các vận động như bò, trườn, ngồi... Lớn hơn thêm chút nữa, các vận động sẽ dần tập trung vào tay, chẳng hạn như nắm, giữ, nâng…

Bình thường, trẻ em từ 2-3 tuổi đã khá thành thạo với những vận động này, kèm theo đó là sự phát triển về ngôn ngữ tương thích. Nhưng đối với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, các phát triển vận động cũng bị chậm theo.

2. Nhận thức kém, không thể phân biệt được người lạ, người quen

Khả năng lĩnh hội, học tập và nhận thức của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng sẽ bị tụt hậu so với trẻ cùng lứa tuổi. Những đứa trẻ này sẽ cần mất thời gian gấp mấy lần so với những đứa trẻ bình thường để có thể học được một từ mới và hiểu được mọi thứ xung quanh mình.

Thậm chí, những đứa trẻ chậm phát triển ngôn ngữ còn không thể phân biệt được người lạ, người quen.

3. Không thích nói chuyện với mọi người, ngại nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó

Nhiều người thường nhầm lẫn trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sang trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ. Trên thực tế, chậm phát triển ngôn ngữ và chứng tự kỷ không liên quan lắm, nhưng giống nhau ở một số đặc điểm, chẳng hạn như trạng thái tinh thần, hoạt động, tính cách của trẻ...

Việc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ không thích nói chuyện với mọi người, ngại nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó… khiến nhiều người nhầm lẫn với trẻ mắc chứng tự kỷ.

Con chậm phát triển ngôn ngữ từ điều ít ai ngờ đến, bố mẹ không thể làm ngơ - Ảnh 2.

Khi trẻ gặp vấn đề về phát triển ngôn ngữ bố mẹ không được làm ngơ. (Ảnh minh họa)

Bố mẹ xử lý sao khi con chậm phát triển ngôn ngữ?

Nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng khi nghe tin con mình bị chậm phát triển ngôn ngữ, nhưng đừng quá vội bi quan. Tuy việc chậm phát triển ngôn ngữ ảnh hưởng đến ngôn ngữ, tâm lý, tính cách và nhiều khía cạnh khác của trẻ, nhưng dù sao đó vẫn chỉ là vấn đề về ngôn ngữ, chỉ cần được can thiệp kịp thời thì sẽ không ảnh hưởng lớn đến trẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không thể làm ngơ bởi nếu để tình trạng quá lâu. Ví dụ như khi trẻ lên đến 6-7 tuổi vẫn chưa được can thiệp, sửa đổi thì sẽ hơi muộn. Vì lúc này vấn đề ngôn ngữ ảnh hưởng đến trẻ đã bước vào giai đoạn mới được gọi là "khớp nối nhận thức". Vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ sẽ thành trở ngại, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, ngay cả khi lúc này tiến hành can thiệp thì sẽ không còn mấy tác dụng.

Chứng chậm phát triển ngôn ngữ do chế độ ăn uống không hợp lý này thuộc về "chứng rối loạn cận ngôn" (không phải do bệnh lý có từ trước). Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ngôn ngữ kém, cơ quan phát âm không được rèn luyện đủ và nền tảng ngôn ngữ kém. So với việc chậm phát triển ngôn ngữ do bệnh lý, thì chứng rối loạn cận ngôn có thể được chữa trị bằng cách điều chỉnh ngôn ngữ. Nhưng cho dù là dạng vấn đề ngôn ngữ nào thì việc phát hiện sớm và điều chỉnh sớm vẫn là tốt nhất.

Con chậm phát triển ngôn ngữ từ điều ít ai ngờ đến, bố mẹ không thể làm ngơ - Ảnh 4.

Chia sẻ