Tranh vui: Lỗi "kinh điển" của bố mẹ Việt khi nuôi dạy con
Nếu bạn là một trong số đông đảo bố mẹ Việt, chắc chắn bạn sẽ thấy bóng dáng mình trong những cách nuôi dạy con sai lầm này.
Tuy nhiên, cũng đừng AQ cho rằng nhà nhà người người đều dạy con vậy, có sao đâu. Ngay lúc này, hãy thay đổi quan điểm nuôi dạy con của mình để bé trở thành con người tốt hơn, và để công cuộc nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn nhé.
Cùng điểm qua một số cách nuôi dạy con được cho là sai lầm thường thấy của bố mẹ Việt dưới đây:
Thường trong các gia đình Việt, khi có một đứa trẻ, mọi sự chú ý sẽ được tập trung vào đó. Từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, nếp sinh hoạt của toàn thể gia đình đều thay đổi theo nề nếp của trẻ. Và bên cạnh những nhu cầu chính đáng của trẻ như ăn, ngủ, vui chơi... còn có vô số những đòi hỏi của trẻ con bố mẹ Việt cũng đáp ứng hết. Đó chính là lý do khiến trẻ nảy sinh thói mè nheo, ăn vạ...
Cách ứng xử quen thuộc của bố mẹ Việt khi con bị ngã đó là "Đánh chừa cái bàn này, tại cái bàn làm con đau này!". Chính câu nói này làm trẻ nghĩ tất cả đều do hoàn cảnh chứ không phải do mình đi đứng không cẩn thận. Lớn lên, những suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí trẻ, trẻ sẽ không biết tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm.
Không ít bố mẹ làm hộ con từ việc lấy nước, cho con ăn, dọn đồ chơi, mặc quần áo... cho dù con đã 4 - 5 tuổi. Sai lầm này không chỉ khiến các bố mẹ Việt cảm thấy mệt mỏi vì quá nhiều việc phải làm mà còn cản trở sự tự lập, trưởng thành của trẻ.
Với tâm lý cho rằng trẻ con còn nhỏ thì biết gì nên nhiều bậc phụ huynh hay tự ý làm theo ý mình mà không bận tâm đến suy nghĩ của con trẻ. Từ chuyện ăn, chuyện mặc cho đến chuyện vui chơi hay quyết định một vấn đề nào đó, việc không tôn trọng suy nghĩ của trẻ con khiến trẻ cũng không biết tôn trọng ý kiến của người khác.
Vì quá thương con mà rất nhiều bố mẹ Việt mắc phải sai lầm bao bọc con quá kĩ. Khi còn nhỏ thì không dám cho con ra ngoài, khi lớn thì không để con va vấp với những khó khăn... Sai lầm này dễ khiến con mãi là những đứa trẻ chưa lớn: yếu đuối, ích kỷ, sống ỷ lại vào người khác.