Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ và liều thuốc tinh thần từ gia đình
Bệnh trầm cảm sau sinh là trầm cảm xuất hiện sau khi sinh ở người phụ nữ, nhất là trong 2 - 3 tuần đầu sau khi sinh con.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc, triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số bị rối loạn dai dẳng kéo dài dần dần dẫn đến trầm cảm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ. Cá biệt có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát ở bệnh trầm cảm gây nên.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh chưa xác định được rõ ràng, nhưng chủ yếu do nhiều yếu tố kết hợp như thể chất, tinh thần, tâm lý, xã hội:
Sự thay đổi nồng độ hormone của cơ thể người phụ nữ sau sinh con.
Thay đổi tâm lý, cảm xúc: trách nhiệm bản thân với con cái, gia đình.
Mệt mỏi trong quá trình mang thai và sinh con kể cả sinh mổ hay sinh thường.
Thiếu sự quan tâm giúp đỡ của chồng, gia đình và người thân, mâu thuẫn trong việc chăm sóc con cái...
Tiền sử người phụ nữ có mắc bệnh trầm cảm.
Do vậy, những người phụ nữ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm đã điều trị hoặc đang điều trị, trẻ tuổi, phải trải qua những sự kiện căng thẳng trước lúc sinh con như bệnh tật, hiếm muộn, thai lưu, sảy thai… thiếu sự quan tâm chăm sóc của chồng, mâu thuẫn gia đình, mang thai ngoài ý muốn… dễ bị trầm cảm sau sinh hơn.
Khi người phụ nữ sau sinh con có các biểu hiện sau cần nghĩ ngay đến nguy cơ trầm cảm để có thể đi khám bệnh kịp thời: Tâm trạng cảm thấy buồn chán, vô vọng, trống rỗng, khóc thường xuyên mà không rõ lý do, luôn cảm thấy sợ hãi, lo sợ, bồn chồn, dễ cáu gắt giận giữ, mất ngủ kéo dài hoặc ngủ quá nhiều, mất tập trung, dễ mất kiểm soát, không quan tâm bản thân, xa lánh người thân bạn bè, ngại tiếp xúc, thậm chí không muốn gần gũi với con, xuất hiện ý nghĩ làm hại bản thân và con, hoang tưởng ảo giác…
Để phòng bệnh trầm cảm sau sinh cần thực hiện:
Ngay từ khi mang thai cần quan tâm, chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần của thai phụ. Người phụ nữ nên tự mình tham gia các hoạt động tích cực: đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc thư giãn… giúp tâm trạng luôn vui vẻ, ổn định.
Sau khi sinh con phụ nữ cần có chế độ sinh hoạt phù hợp: nghỉ ngơi hợp lý, đi dạo nhẹ nhàng, bổ sung đủ dưỡng chất, không gây áp lực bản thân phải làm tất cả mọi thứ, tránh tự cô lập bản thân, cố gắng mở lòng với người thân và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết…
Cần được cảm thông chia sẻ từ chồng và người thân trong gia đình.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe của con nhỏ và thể chất của người mẹ thì việc chăm sóc tâm lý tinh thần của người phụ nữ sau sinh là rất quan trọng giúp phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh và những nguy cơ không đáng có.
Một ví dụ mới đây: Bệnh nhân N.T.L., 24 tuổi, trú tại Trưng Vương, Uông Bí, Quảng Ninh, sau khi sinh con lần đầu được 2 tháng tới khám bệnh tại Phòng khám Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, lo lắng, hồi hộp, dễ cáu gắt từ sau khi sinh con. Qua thăm khám và thực hiện test trắc nghiệm tâm lý, bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm sau sinh.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vẫn tâm lý, kết hợp với sự quan tâm chia sẻ của gia đình. Sau 2 tuần, đến nay tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, bệnh nhân đã vui vẻ hơn, quan tâm, chia sẻ với mọi người nhiều hơn.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, việc phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ trầm cảm sau sinh có vai trò rất lớn trong việc rút ngắn thời gian điều trị cũng như tránh được những hậu quả mà trầm cảm sau sinh gây ra.