Trải nghiệm lần đầu "lên chức" siêu nhàn nhã của mẹ 9x, hội chị em sắp có con nhất định nên đọc
Chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu mẹ biết những điều này.
Lần đầu làm mẹ sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ, vừa hạnh phúc vừa lo lắng. Cách tốt nhất để mẹ vượt qua giai đoạn này chính là tích lũy cho bản thân thật nhiều kiến thức, từ sách vở hoặc từ ông bà, hội mẹ bỉm xung quanh. Thêm vào đó, điều quan trọng nhất là mẹ cần quan sát, tìm hiểu nhu cầu của con và tìm ra phương pháp nuôi dạy con phù hợp nhất với bé và gia đình.
"Lên chức" lần đầu nên chị Huyền Trân (Luật sư và cũng là mẹ của em bé Chiêu Dương, sống tại TP HCM) cũng trải qua rất nhiều cảm xúc khi chăm con. Bà mẹ trẻ đã rút ra một số kinh nghiệm trên hành trình này, hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ bỉm nhé.
1. Chú trọng chất thay vì lượng sữa
Mình không hề so đo lượng sữa với các mẹ khác. Vì cơ địa mỗi người mỗi khác, thể tích dạ dày của bé cũng có hạn. Nên thay vào đó, mình sẽ cố gắng ăn đầy đủ chất và bổ sung vitamin cho bản thân để cho ra chất lượng sữa tốt nhất có thể.
Ngoài ra mình cũng giữ tinh thần thoải mái để không có chất độc hại do buồn bã lo âu nào tiết ra trong sữa cho con.
2. Không đổi sữa công thức liên tục
Không có sữa công thức tốt nhất, chỉ có sữa hợp với con nhất. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào một vài yếu tố, một vài ngày mà đánh giá không hợp sữa thì sẽ rất rối. Mình sẽ tìm hiểu kỹ các loại sữa được đánh giá tốt nhất rồi căn cứ trên mục tiêu của mình (phát triển toàn diện, phát triển trí não hay tăng cân hay tiêu hoá tốt,…) - quan trọng nữa là khả năng tài chính để chọn sữa cho con.
Khi đã chọn thì mình sẽ cho con uống một thời gian rồi mới kết luận là hợp hay không. Nếu bé bú bình thường rồi bỗng một ngày bú ít đi, bỏ bú thì cũng không phải nguyên nhân là do bé chê sữa. Đừng đổi sữa làm bé lại tốn thời gian thích nghi rất mệt.
3. Đặt máy lọc không khí xa giường ngủ
Những khu vực xung quanh máy lọc không khí là nhiều bụi nhất. Điều này là do cơ chế hút không khí của máy. Luồng khí sẽ di chuyển từ xa tới, nếu có vật cản thì sẽ bám lại trên đó.
Nếu đặt máy lọc không khí cạnh giường em bé thì khả năng cao giường em bé trở thành nơi hứng rất nhiều bụi bẩn trên đường đi vào máy. Mình đặt máy ở dưới chân giường và cảm thấy không khí nơi nằm ngủ rất trong lành.
4. Không sợ con bám hơi mẹ
Ban đầu mình cũng hơi lo lắng chuyện này. Tuy nhiên sau đó mình nhận ra em bé nào cũng bám hơi mẹ. Mẹ là nguồn sống của các con vì hai mẹ con đã từng là 1 trong suốt 9 tháng 10 ngày. Sau khi sinh, con còn uống sữa và được mẹ chăm sóc ẵm bồng nữa.
Tuy nhiên, việc con không chấp nhận ai khác thay thế khi mẹ có việc gấp lại không phải là do con bám mẹ. Mà vì mẹ không để người nào có cơ hội kết nối với con.
Hơn nữa mình thấy, khi bé được thoả mãn nhu cầu ẵm bồng, chơi giỡn kết nối với mẹ, bé sẽ không đòi hỏi nhiều nữa. Ngủ ngon và độc lập hơn nhiều.
5. Động viên ba em bé hỗ trợ việc chăm sóc con
Chồng mình đã từng không dám ẵm con vì sợ lọt tay. Mình đã động viên rất nhiều và anh bắt đầu trở nên chuyên nghiệp khi cho con ăn, thay tã, vỗ ợ.
Dĩ nhiên có những tình huống chỉ có thể là mẹ xử lý được. Nhưng từ khi con chưa đầy tháng, mình đã nhờ được chồng trông con giúp 1-2 tiếng để đi gội đầu làm móng kế bên nhà.
Con có dịp kết nối với ba nhiều hơn để tăng tình cảm cha con. Và con cũng dần thích nghi với những lúc phải xa mẹ.
6. Không đột ngột bỏ con ở nhà để đi làm
Mình đi làm từ khi con 2 tháng. Tuy nhiên không phải đùng một cái mình bỏ con ở nhà cả ngày.
Trước khi đi làm, mình sẽ thử ra ngoài đi công việc, đi chợ một lúc. Vừa là để bé quen dần với việc xa mẹ, vừa để tạo điều kiện cho chị giúp việc hiểu con hơn.
Một cữ sữa, một giấc ngủ tăng dần lên nửa buổi cách ngày rồi nửa buổi mỗi ngày. Đến khi bé tròn 4 tháng, mình đi làm cả ngày mà không lo lắng gì chuyện ăn ngủ của con.
7. Cho bé tham gia bữa ăn gia đình
Mình luôn duy trì bữa cơm chiều với chồng ngay từ khi ở cữ. Lúc đó thì sẽ tranh thủ bé ngủ để ăn. Sau này thì mình mang bé ra nằm trên xe nôi xem ba mẹ ăn cơm. Đến khoảng 4 tháng là bé đã biết mô phỏng động tác nhai thức ăn của ba mẹ và bắt đầu chóp chép thèm ăn vào lúc 5 tháng.
Giai đoạn này bé cũng ngứa nướu nên mình hấp sơ cà rốt, bông cải (vẫn còn cứng) để bé cầm nắm và gặm lấy vị. Nhận thấy bé đã sẵn sàng, mình cho bé ăn dặm lần đầu tiên vào lúc bé 5,5 tháng tuổi.
Do đã nhìn thấy cả nhà ăn cơm mỗi ngày nên bé rất hào hứng khi được ăn và nuốt nhai rất gọn. Giờ ăn cũng chịu ngồi yên trên ghế đến khi kết thúc bữa ăn.
8. Dám cho con thử thay vì hàng ngàn nỗi sợ
Thỉnh thoảng mình hay bị người lớn nói hoặc nghĩ là nuôi con qua loa hoặc bỏ bê con quá. Vì câu trả lời của mình đa số là "được" và "không sao". Mình cho bé thử rất nhiều thực phẩm mới - nhưng kiểm soát lượng ở mức an toàn và theo dõi. Thực phẩm không phải là thuốc độc.
Mình cho bé chơi những thứ có sẵn trong nhà như hộp rỗng, remote máy lạnh, chai nước muối sinh lý,… chỉ cần vệ sinh sạch, nhìn bằng mắt thường thấy ổn là được rồi. Không cần phải vô trùng hay chứng nhận hợp quy định đồ chơi trẻ em gì đâu.
Chiêu Dương thường xuyên té khi học ngồi, đụng đầu vào thanh chắn nôi, đổ mồ hôi mồ kê khi ngồi chơi ngoài phòng khách không có máy lạnh,…
Nhưng không sao cả vì những thứ đó rất nhỏ nhặt và là một phần của đặc quyền làm con nít. Không phải cứ sạch bong sáng bóng, nâng niu trưng bày trên tay ba mẹ là một em bé hạnh phúc đâu.
9. Bỏ qua lời phán xét của người khác
- Em bé mấy tháng rồi em?
- Dạ 6 tháng.
- Mấy kí rồi?
- 7 kí chị.
- Ối giồi, bé tí thế. Cháu chị nó 4 tháng mà đã gần 8 kí rồi, em mua sữa ABC cho con uống đi.
Một số người ác ý. Nhưng đại đa số là do thói quen thích so sánh khen chê. Mình không cần để tâm làm gì vì tốt tới đâu họ cũng tìm ra điểm để phán xét và khuyên răn thôi. Im lặng không trả lời hoặc nở một nụ cười thật tươi là ngầu nhất mà chẳng mất lòng ai.
Nhờ có những điều trên mà hành trình chăm con của chị Trân trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, các mẹ hãy bỏ túi những kinh nghiệm này để áp dụng cho bản thân. Mỗi em bé là một cá tính riêng, thế nên mẹ hãy quan sát, tìm phương pháp nuôi con tốt và phù hợp nhất với gia đình mình nhé.