Tôi chưa bao giờ cố gắng để trở thành “bà mẹ điểm 10”
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Hiển nhiên, con cái sẽ được thừa hưởng một phần nét tính cách từ cả ba và mẹ, nhưng chúng cũng có những nét tính cách riêng mà dù thích hay không, chúng ta cũng không thể mạnh tay “can thiệp” được.
Tôi không phải là “bà mẹ điểm 10”, nhưng con đã khiến tôi thay đổi
Lúc Su chào đời, tôi hạnh phúc lắm nhưng cũng không vì thế mà bớt đi sự hoang mang. Tôi không giỏi nấu ăn, chăm con càng chưa có kinh nghiệm. Những ngày đầu, tôi ẵm con, thay tã cho con, tắm cho con rất vụng về và lóng ngóng. Lúc mới sinh, Su có nhiều lông măng mọc khắp người. Thấy con ngứa ngáy, khó chịu, đoán ngay đám lông măng kia chính là thủ phạm, tôi bèn lấy nhíp tỉ mẩn nhổ bằng sạch. Biết chuyện, mọi người la tôi quá chừng. Vì hầu hết trẻ sơ sinh đều có lớp lông măng rất mịn thường xuất hiện ở lưng, vai, tai và trán, bắt đầu mọc từ 3 tháng cuối thai kỳ, lúc còn nằm trong bụng mẹ. Bình thường, lớp lông măng này sẽ rụng đi trong vòng 5 tuần đầu sau sinh hoặc vẫn tiếp tục tồn tại thêm vài tháng hoặc lâu hơn, không gây khó chịu hay trở ngại gì cho trẻ. Nhưng việc đã lỡ rồi, tôi chỉ biết cười trừ, bụng bảo dạ thôi để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Tính tôi vốn nóng nảy. Những lúc stress, hai nhóc lại quậy banh nhà, tôi chỉ muốn hét lên thật to rồi… nằm vật ra sàn nhà mà thở.
Từ ngày có thêm nhóc tì thứ hai, tôi bận rộn hơn. Ngày nào đi làm về, tôi cũng bị hai nhóc “xoay vòng vòng” với 1001 câu hỏi và câu chuyện ở trên lớp. Tôi cố gắng để không phải thốt lên “Sao các con hỏi nhiều thế? Các con có thể nói ít lại được không? Mẹ mệt lắm!”. Tôi sợ các con cụt hứng, bởi tôi biết chỉ vài lần như thế, tôi sẽ không còn được các con chia sẻ bất cứ câu chuyện gì. Như chuyện Su thích một bạn rất xinh ở trong lớp hay chuyện Suki cứ lẽo đẽo đi theo tôi để giải thích tại sao con lại uýnh bạn.
Tính tôi vốn nóng nảy. Những lúc stress, hai nhóc lại quậy banh nhà, tôi chỉ muốn hét lên thật to rồi… nằm vật ra sàn nhà mà thở. Nhưng tôi ráng kiềm chế cảm xúc lại. Tôi không thể tùy tiện để cảm xúc điều khiển mình, tự biến mình thành “con quái vật giận dữ”, để khi cơn tức giận qua đi, các con của tôi sẽ cảm thấy sợ hãi và tổn thương vì “Sao mẹ hôm nay lại khác mọi ngày thế!”.
Điều ngọt ngào nhất sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi của tôi là được nghe các con ríu rít hỏi thăm hoặc bám dính phía sau để kể chuyện.
Khi Su vào lớp 1, Suki cũng đến tuổi đi nhà trẻ, tôi mới thấy mình “dễ thở” hơn một chút. Nhưng chỉ một chút thôi. Vì con đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Su bắt đầu biết thích các bạn khác giới, dù chỉ là cảm xúc rất trẻ con, nhưng tôi vẫn lắng nghe và đưa cho con lời khuyên khi cần thiết. Còn Suki thì cá tính quá mạnh, con thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối khi lúc nào Suki cũng cho rằng mình đúng, rằng bạn bị đánh như thế là xứng đáng vì bạn đã sai. Không tự tìm được câu trả lời, tôi đành cầu cứu những bà mẹ có kinh nghiệm khác thay vì tùy tiện la mắng hay đánh phạt con. Tôi không muốn con vì sợ mẹ mà thay đổi. Tôi muốn có một giải pháp thật sự thuyết phục và hợp tình.
Cùng một mẹ sinh ra, nhưng Su và Suki có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Su là chàng trai thích bộc lộ tình cảm ra mặt. Su hiền lành và ngoan hơn Suki nhưng cũng thuộc dạng lì ngầm. Su đặc biệt không sợ đòn roi, chỉ thích nói ngọt. Với anh chàng này, tôi thường đánh đòn vào tâm lý: Muốn nhờ vả Su việc gì là cứ than mẹ mệt lắm, hay tay mẹ hôm nay bị đau là anh chàng tự động phụ mẹ làm rất nhiều việc, từ việc lấy áo quần từ sân phơi đem vào phòng, quét nhà, dọn chén bát...
Cùng một mẹ sinh ra, nhưng Su và Suki có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau.
Suki là một anh chàng cá tính mạnh. Nhỏ tuổi nhất nhà nhưng thể hiện “quan điểm riêng” vô cùng mạnh mẽ. “Con thích cái này, con không thích cái kia”, “Con chỉ nhắc một lần thôi, không nhắc lại lần thứ hai đâu nhé”... là những câu cửa miệng của anh chàng. Từ ngày đi nhà trẻ, Suki trở thành “đại ca” của lớp. Suki rất hay uýnh bạn. Cả hai vợ chồng tôi đã rất đau đầu về chuyện này và phải cùng nhau lên kế hoạch để giúp Suki tự “tiết chế” cảm xúc của mình lại.
Vì tính cách của Su và Suki quá khác biệt nên tôi không thể dùng cùng một “chiêu” để “trị” hai nhóc. Su tình cảm thì tôi cũng phải dùng tình cảm. Suki láu cá và hay nói lý thì tôi cũng phải dùng lý lẽ đanh thép hơn để thuyết phục con.
Làm mẹ là một hành trình khám phá vô cùng thú vị
Với tôi, con cái là những mảng màu đa sắc. Ở mỗi một giai đoạn phát triển, con lại bộc lộ những nét tính cách khác nhau buộc tôi phải tự thay đổi để thích ứng. Tôi không cố “uốn nắn” con mà muốn để con tự do phát triển. Khi không muốn con làm một việc gì đó, tôi sẽ tìm cách thuyết phục hay đưa ra nhiều giải pháp để con tự lựa chọn thay vì la mắng. Để rồi sau đó, con phải tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình và tự rút kinh nghiệm.
Với tôi, con cái là những mảng màu đa sắc. Ở mỗi một giai đoạn phát triển, con lại bộc lộ những nét tính cách khác nhau buộc tôi phải tự thay đổi để thích ứng.
Điều ngọt ngào nhất sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi của tôi là được nghe các con ríu rít hỏi thăm hoặc bám dính phía sau để kể chuyện. Su đã có suy nghĩ khá “chững chạc” và có những hành động lẫn lời nói nhiều khi khiến tôi bất ngờ. Tôi cứ nghĩ Su còn trẻ con, vô tư, chẳng biết gì nhiều đâu nhưng hóa ra không phải vậy. Thấy bụng mẹ bự, Su hay trêu mẹ bụng mẹ đầy mỡ, nhưng thấy mẹ buồn buồn là không dám nói nữa, sợ mẹ giận và lại hỏi: “Sao dạo này con không thấy mẹ đi tập yoga nữa? Mẹ phải đi tập yoga đi, để giảm eo, để đẹp hơn. Con thích nhìn thấy mẹ đẹp!”.
Tôi chưa bao giờ cố gắng để trở thành “bà mẹ điểm 10” hay mong muốn con mình trở thành “những đứa con điểm 10”.
Mỗi lần ba đi đâu về trễ, biết là mẹ sẽ lo nên Su sẵn sàng “nhắc nhở” ba rằng “Lần sau ba phải về nhà sớm hơn, đừng để mẹ chờ!”. Tôi không cho Su học thêm. Ở nhà, Su được mẹ kèm cặp, những bài nào không hiểu là Su hỏi mẹ hoặc hỏi thêm cô bạn lớp trưởng. Trước khi hỏi mẹ, Su thường bỏ nhỏ “Nếu con chưa hiểu lắm thì mẹ giảng lại chứ đừng la con nha!”, nghe rất thương.
Từ ngày có Suki, nhiều người vẫn thường hỏi tôi rằng tôi thương con nào hơn. Trả lời thế nào nhỉ? Tôi thương cả hai theo cách riêng của mình và tùy theo cá tính của con nữa. Thật vô lý và không công bằng khi đặt chính những đứa con mình sinh ra lên bàn cân và so sánh xem tình thương mình đặt ở bên nào nặng, bên nào nhẹ. Tôi chưa bao giờ cố gắng để trở thành “bà mẹ điểm 10” hay mong muốn con mình trở thành “những đứa con điểm 10”. Tôi chỉ là một bà mẹ bình thường, yêu và chăm sóc con vừa bằng bản năng, vừa bằng những kĩ năng mà tôi cố gắng lụm nhặt mỗi ngày.
Đôi nét về tác giả: Mẹ: Nguyễn Thị Hà Tiên. Con trai lớn: Nguyễn Hoàng Đức (Su), 8 tuổi Con trai nhỏ: Nguyễn Hoàng Tâm (Suki), 4 tuổi. |