Tỉnh dậy trong vũng máu, bé 1 tuổi được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng chụp X-quang thì mới biết nguyên nhân
Bé gái 1 tuổi đã không may mắn qua đời sau rất nhiều lần được đưa tới bệnh viện thăm khám với các biểu hiện sốt liên tục, nôn ra máu... Các bác sĩ đã liên tục chẩn đoán nhầm trước khi phát hiện vật thể nhỏ xíu trong thực quản của em qua ảnh chụp X-quang.
Bé gái 1 tuổi đã thiệt mạng vì nuốt phải pin cúc áo
Bé gái người Australia Isabella Rees đã qua đời hôm 4/2/2015 tại Bệnh viện Sunshine, Melbourne (Australia). Cha mẹ cô bé khẳng định, nhân viên bệnh viện đã từ chối chụp X-quang cho Isabella chỉ vì không tin bé nuốt phải pin và đang rơi vào tình trạng nguy kịch.
Kết quả cuộc điều tra cho thấy, Allison Rees - mẹ Isabella đã 3 lần đưa con tới Bệnh viện Sunshine trong vòng 2 tuần để cố gắng tìm xem có gì mắc kẹt trong cơ thể con gái không. Cô bé 1 tuổi cho thấy nhiều triệu chứng nghiêm trọng như cục máu đông, nôn ra máu, phân chuyển màu đen. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, bất cứ thứ gì ở trong người Isabella thì cũng đã được đưa ra qua đường đại tiện.
Mẹ Isabella đã 3 lần đưa con tới Bệnh viện Sunshine trong vòng 2 tuần để cố gắng tìm xem có gì mắc kẹt trong cơ thể con gái không.
Một thanh tra cho biết mặc dù cha Isabella, Robert Rees, đã nói với bác sĩ trong lần đầu tiên họ đưa con tới phòng cấp cứu vào thứ 7 ngày 16/1/2015, với biểu hiện khóc và nôn trớ, là anh đã nhìn con gái cầm một cục pin trên tay nhưng điều này không được ghi lại trong bệnh án ở bệnh viện.
Khi việc nôn trớ ngừng lại, bác sĩ cho Isabella về nhà. Cô bé tiếp tục lên cơn sốt. Mẹ Isabella, Allison Rees, đưa con trở lại viện hôm thứ 2. Tại đây, mẹ bé phát hiện một số mảnh bóng bay nước ở trong bỉm con. Bệnh viện cho rằng, Isabella bị nhiễm trùng đường tiết niệu và bác sĩ kê đơn kháng sinh. Sau khi uống hết đơn thuốc, bé vào viện để tái khám hôm 21/1 và cho thấy dấu hiệu tiến triển tốt.
Tuy nhiên, 15 ngày sau đó, Allison hoảng sợ thấy con nằm trong nôi, xung quanh là một vũng máu lớn. Quần áo bé cũng thấm đẫm máu. Cô vội vàng đưa con vào viện. Tại đây, Isabella nôn ra máu khô sậm màu. Chỉ khi đó, cô bé mới được chỉ định chụp X-quang. Bác sĩ phát hiện vật tròn trong thực quản Isabella. Nhưng chỉ 3 tiếng sau, cô bé đã không còn trên cõi đời này nữa.
Trong ngày đầu tiên điều tra về cái chết của Isabella, mẹ bé cho biết, mỗi lần vào bệnh viện, họ lại bị từ chối: "Tôi biết, họ chẳng thèm tin chúng tôi. Bởi mỗi lần vào viện, chúng tôi đều có bằng chứng về tình trạng của con. Nhưng người ta chỉ gạt đi mà thôi".
Pin cúc áo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Hiểm họa pin cúc áo với trẻ em
Sau vụ việc thương tâm xảy ra với con, hai vợ chồng Rees đã nỗ lực đấu tranh để đưa ra các quy định thắt chặt hơn liên quan tới pin và sử dụng pin.
Mẹ cô bé xấu số bày tỏ, gia đình muốn tiến hành điều tra vụ việc không phải là để tìm ra người để đổ lỗi mà để giúp mọi người hiểu rõ hơn nguy cơ từ những cục pin đối với trẻ. Pin cúc áo có mặt trong rất nhiều vật dụng phổ biến của gia đình ngày nay, bao gồm, chìa khóa ô tô, điều khiển từ xa… Khi nuốt phải, pin lithium có thể gây ra phản ứng hóa học khiến da thịt như bị đốt cháy.
Một số nhóm hành động vì quyền lợi người tiêu dùng khác cũng từng tiến hành các chiến dịch kêu gọi ban hành tiêu chuẩn đối với nhà sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho các thiết bị dùng pin. Cụ thể là pin phải được đặt trong thiết bị và phải dùng tuốc-nơ-vít mới có thể tháo, thay vì chỉ che bằng tấm nhựa mà bàn tay trẻ em cũng dễ dàng lấy ra.
Sau khi Isabella qua đời, cha mẹ bé đã viết những lời yêu thương gửi tới con gái: "Thêm một cơ hội nữa để lại nghe giọng nói của con, cảm nhận nụ hôn của con và nhìn con khôn lớn. Trái tim cha mẹ tan nát vì đau đớn. Cha mẹ yêu con, Bella".
Vào năm 2013, một bé gái khác, Summer Steer, 4 tuổi, cũng đã vĩnh viễn ra đi sau khi nuốt phải pin. Bệnh viện ở Queensland đã chẩn đoán nhầm cho Summer và điều xấu nhất đã xảy ra.
Một số lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ trước hiểm họa từ pin cúc áo
Khi phát hiện ra chiếc pin cúc áo trong thực quản của Isabella qua phim chụp X-quang thì cô bé đã không qua khỏi.
Để pin cúc áo nằm ngoài tầm với của trẻ:
- Tìm kĩ khắp nhà và bất cứ nơi nào con bạn đặt chân tới những thiết bị có thể chứa pin cúc áo.
- Đặt các thiết bị có pin cúc ngoài tầm mắt và tầm với của trẻ. Chúng có thể bao gồm điều khiển từ xa, tấm thiệp phát nhạc, cân điện tử, đồng hồ, thiết bị trợ thính, nhiệt kế, đồ chơi trẻ em, máy tính bỏ túi, chìa khóa xe hơi, vật trang trí dịp lễ…
Đảm bảo pin được giữ chắc bên trong khay đựng của thiết bị. Bạn có thể dùng băng kính dán thêm vài vòng ngoài thiết bị điều khiển để đảm bảo trẻ không dễ dàng lấy được pin ra.
Điều trị ngay lập tức nếu bé nuốt phải pin:
- Nếu bạn nghi ngờ con vừa nuốt phải pin, hãy đưa bé tới bệnh viện ngay lập tức. Đừng cố ép con nôn ra hay cho con ăn, uống bất cứ thứ gì cho tới khi nhân viên y tế đánh giá tình hình của trẻ.
- Các triệu chứng có thể không dễ nhận ra (bao gồm ho, chảy dãi và cảm giác khó chịu). Vì vậy, đừng ngần ngại đưa bé tới phòng cấp cứu và thông báo cho nhân viên y tế biết, ngay cả khi bạn chỉ hơi nghi ngờ.
Nguồn: Dailymail, Age, Safe