Tiêm môi - "Chìa khóa" để có ngay bờ môi tều sexy của rất nhiều con gái Việt
Khi việc trang điểm là không đủ để mang đến làn môi căng mọng như ý muốn, nhiều cô nàng đã nhờ cậy đến phương pháp tiêm filler (chất làm đầy).
Từ lâu, làn môi dày, căng mọng đã được coi là một trong những biểu tượng của sự sexy, quyến rũ. Tuy nhiên, chuẩn mực này chỉ thực sự phổ biến ở các quốc gia Mỹ Latin, nơi luôn ưa chuộng vẻ đẹp gợi tình, nóng bỏng. Cho đến thời gian gần đây, vẻ đẹp "môi dày" mới trở thành một hiện tượng toàn cầu và người tạo nên cơn sốt này chính là nàng hot girl số một Hollywood Kylie Jenner. Vốn luôn tự ti vì đôi môi mỏng bẩm sinh của mình, cô em út nhà Kardashian-Jenner đã quyết định bơm môi và sau đó đã thực sự "lột xác". Làn môi dày, căng mọng không chỉ khiến Kylie xinh đẹp quyến rũ hơn bội phần mà còn khiến cô trở thành thần tượng sắc đẹp của biết bao cô gái trên thế giới, biến "môi tều" thành một chuẩn mực cái đẹp mới trên toàn cầu.
Kylie Jenner chính là ngôi sao có công lớn nhất trong việc biến "môi tều" thành chuẩn mực sắc đẹp mới.
Cô nàng nào cũng ao ước sở hữu làn môi dày, căng mọng sexy, khiến "môi tều" trở thành chuẩn mực làm đẹp mới ở thời điểm này.
Hưởng ứng trào lưu "môi tều" do Kylie Jenner khởi xướng, hàng loạt hot girl đình đám châu Á như Lily Maymac cho đến các hot girl Việt đều thay đổi cách trang điểm, thoa son sao cho đôi môi trông đầy đặn nhất có thể. Và khi việc trang điểm là không đủ để mang đến làn môi căng mọng như ý muốn, nhiều cô nàng đã nhờ cậy đến phương pháp tiêm filler (chất làm đầy).
Bên cạnh những cách trang điểm giúp đôi môi trông dày, mọng hơn như đánh son nude, tô viền môi "ăn gian" ra ngoài, không ít cô nàng đã nhờ cậy đến phương pháp tiêm filler môi để có làn môi căng đầy ao ước.
Hạt Mít là hot girl hiếm hoi cởi mở về chuyện mình tiêm filler để có làn môi vén căng đầy.
Hiện tại, tiêm filler môi đang là phương thức làm đẹp được con gái Việt ưa chuộng hàng đầu. Trên các diễn đàn, group Facebook, tiêm filler môi luôn là chủ đề "hot" thu hút một lượng cực lớn các chị em tham gia thảo luận. Đồng thời, hầu hết các spa, viện thẩm mỹ cũng đều quảng cáo rầm rộ về dịch vụ này. Không ít sao Việt cũng vướng nghi án "bơm môi" trong thời gian qua. Bấy nhiêu đã cho thấy tiêm filler môi thực sự đang là trào lưu làm đẹp thuộc hàng thời thượng nhất.
Không ít sao Việt cũng đã dính nghi án tiêm filler môi trong thời gian qua, đơn cử như Kỳ Duyên...
Minh Tú
... hay Jolie Nguyễn.
1. Tiêm làm dày môi
Tiêm làm dày môi, tăng kích thước môi là phương pháp tiêm filler môi thông dụng nhất. Đây là cách nhanh chóng, nhẹ nhàng để người sở hữu làn môi mỏng có thể cải thiện kích thước môi của mình. Tuy nhiên, bạn không nên nghĩ rằng mình có thể biến làn môi từ mỏng dính thành dày ngang môi Angelina Jolie chỉ trong 1 lần tiêm. Để kết quả được tự nhiên nhất có thể, người ta thường chọn cách tiêm nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để tăng kích cỡ môi một cách từ từ.
Tiêm filler tạo dáng môi căng đầy, hơi vén nhẹ là hình thức tiêm môi đang được nhiều cô nàng ưa thích thời gian gần đây. (Ảnh: Facebook Hien Nguyen)
Đương nhiên là bạn không bắt buộc phải tiêm toàn bộ môi. Bạn được toàn quyền quyết định phần môi mình muốn tiêm, môi trên hoặc môi dưới hoặc cả hai. Tùy thuộc vào dáng môi bạn muốn, như môi trên hơi vén hay dày hơn ở phần giữa môi, bác sỹ sẽ biết điều chỉnh cách tiêm để mang đến kết quả chuẩn xác nhất.
Với loại kim tiêm cannula siêu nhỏ, bác sỹ sẽ bắt đầu với môi trên, tiến hành tiêm filler lần lượt từ khóe môi đến giữa môi. Vị trí lý tưởng để đưa mũi tiêm là bên ngoài viền môi một chút bởi cách này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tình trạng thâm tím môi sau đó. Sau mỗi mũi tiêm, bác sỹ sẽ nắn nhẹ môi bạn để đảm bảo filler được dàn trải thật đều, ngăn tình trạng nổi cục. Tiến hành tương tự với môi dưới và sau khi quá trình tiêm đã hoàn tất, bạn sẽ được massage nhẹ nhàng toàn bộ môi và chườm đá trong khoảng 10 phút.
Giá cả: Giá một lần tiêm filler làm dày môi phụ thuộc vào thể tích (cc) lượng filler mà bạn sử dụng. Thông thường, 1 ca tiêm cho cả môi trên lẫn môi dưới sẽ dùng hết khoảng 1cc Restylane hoặc Juvederm. Giá của cả 2 loại filler này rơi vào khoảng 10 triệu VNĐ cho 1cc.
2. Tiêm tạo hình trái tim
Bên cạnh làn môi đầy đặn, căng mọng, nhiều cô nàng còn muốn có được làn môi trái tim vừa sexy lại vừa dễ thương. Đôi môi được gọi là môi trái tim khi góc môi sát nhân trung và viền dưới của phần giữa môi trên tạo nên một hình trái tim hoàn hảo. Bác sỹ thẩm mỹ có thể tạo hình môi trái tim bằng cách tiêm filler (thường là Restylane) tập trung vào khu vực giữa môi trên. Tuy nhiên, cách này chỉ cho kết quả tương đối. Nếu muốn có đôi môi trái tim rõ rệt, bạn sẽ phải nhờ cậy đến phương pháp phẫu thuật cắt môi trái tim.
Môi trái tim có phần giữa môi trên "bầu" hơn thấy rõ và tạo với viền môi sát nhân trung một hình trái tim bầu bĩnh.
Giá cả: Giá tiêm tạo hình môi trái tim rơi vào khoảng 9 triệu VNĐ/lần.
3. Tiêm tạo khóe môi cười
Khu vực khóe miệng có thể ít được để ý tới nhưng lại đóng vai trò không hề nhỏ về mặt thẩm mỹ. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy những người có khóe miệng hướng lên khi cười trông tươi tắn hơn hẳn. Đổi lại, những người có khóe miệng hướng xuống dưới hoặc sang ngang thường trông buồn bã hơn.
Để khắc phục khóe miệng "buồn bã", bạn có thể nhờ cậy đến phương pháp tiêm filler tạo khóe môi cười với filler có nguồn gốc Acid Hyaluronic hoặc botox. Trong trường hợp sử dụng filler có nguồn gốc AH, cụ thể là Restylane, bác sỹ sẽ tiến hành tiêm vào mỗi bên khóe miệng với kỹ thuật tiêm rẻ quạt (tiêm chĩa về nhiều hướng) để "kéo" khóe miệng lên, tạo hiệu ứng khóe môi cười.
Cách thứ hai là sử dụng botox, loại filler có tác dụng làm thư giãn các cơ co rút. Ở khóe miệng chúng ta có một loại cơ gọi là cơ hạ góc miệng đi từ khóe miệng xuống hàm dưới. Khi một lượng botox nhỏ được tiêm vào cả hai bên miệng, nơi cơ hạ góc miệng gặp hàm dưới, cơ này sẽ bị "khóa", làm khóe miệng hướng lên trên. Với phương pháp này, bác sỹ có thể tiêm thêm cả Restylane vào khóe miệng để tạo hiệu ứng khóe môi cười rõ rệt hơn.
Giá cả: Giá tiêm tạo khóe môi cười rơi vào khoảng 10 triệu/lần.
Giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về việc tiêm filler môi nói chung.
Chất gì được sử dụng để tiêm vào môi?
Những chất làm đầy (filler) được sử dụng phổ biến trong công nghệ tiêm thẩm mỹ môi hiện đại đều được làm từ Acid Hyaluronic (AH), một chất tự nhiên có trong cơ thể người. Vì là một chất mà cơ thể người có thể tự nhiên sản sinh ra nên khi ta tiêm AH vào môi, cơ thể ta sẽ dễ dàng tiếp nhận nó mà không có phản ứng tiêu cực nào. Bên cạnh đó, một ưu điểm khác không thể chối cãi của các loại filler có nguồn gốc AH chính là khi được tiêm vào môi, nó tạo cảm giác vô cùng mềm mại, tự nhiên mà ngay cả khi sờ vào, bạn cũng không thấy khác gì môi "xịn".
2 loại filler có nguồn gốc AH được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Juvederm và Restylane. Cả 2 loại filler này đều đã được kiểm định và công nhận bởi FDA (Cục quản lý thực phẩn và dược phẩm Hoa Kỳ). Vì một số đặc tính khác nhau mà từng loại filler sẽ được sử dụng cho từng trường hợp cụ thể.
2 loại filler có nguồn gốc Acid Hyaluronic phổ biến nhất hiện nay: Juvederm và Restylane.
Để so sánh, Restylane có chất gel đặc hơn Juvederm, cho khả năng giữ form khá hơn cùng với độ cố định và độ nâng tốt hơn. Bởi vậy mà Restylane tỏ ra thích hợp hơn để tiêm vào khu vực viền và khóe môi.
Hình ảnh so sánh trước và sau khi tiêm môi với Restylane.
Trong khi đó, Juvederm có chất gel mềm mại hơn và có khả năng dàn trải, phân bố tốt hơn vào các mô khi được tiêm vào môi. Nhờ vậy, Juvederm rất thích hợp để tiêm làm dày môi, tăng kích cỡ môi nói chung và cho kết quả tự nhiên. Đây cũng là loại filler mà Kylie Jenner sử dụng. Tuy nhiên, vì có tính hút nước nhiều hơn nên khi tiêm vào môi, Juvederm sẽ gây sưng tấy nhiều hơn Restylane.
Hình ảnh so sánh trước và sau khi tiêm môi với Juvederm.
Mặc dù vậy, như mỗi họa sỹ có chất liệu tạo màu sở trường, mỗi bác sỹ thẩm mỹ cũng có loại filler ưa thích của mình và có kinh nghiệm riêng để loại filler đó trình diễn được tốt nhất. Bác sỹ này có thể thích sử dụng Restylane hơn trong khi bác sỹ khác lại có sở trường dùng Juvederm.
Tiêm filler môi có an toàn không?
Tiêm filler môi được đánh giá là phương pháp làm đẹp có tính an toàn cao NẾU bạn sử dụng loại filler đảm bảo cũng như chọn được bác sỹ thẩm mỹ có tay nghề cao. Bên cạnh những tác dụng phụ tạm thời không thể tránh khỏi như sưng tím sau khi tiêm, có 2 rủi ro mà bạn có thể gặp phải ngay cả khi được tiêm filler xịn:
- Hiện tượng nổi cục dưới môi: Hiện tượng này dễ xảy ra khi filler được đưa vào quá gần bề mặt môi, thường xảy ra khi tay nghề của bác sỹ còn non kém. May mắn là hiện tượng nổi cục này chỉ mang tính tạm thời và có thể xử lý được. Nếu bạn không thể chờ vài tháng để cơ thể tự đào thải filler, bác sỹ có thể tiêm chất giúp hòa tan filler chỉ trong 5 phút.
- Rủi ro thứ hai, được đánh giá là nghiêm trọng nhất chính là filler bị tiêm vào mạch máu gây tắc mạch máu. Tuy nhiên, khả năng xảy ra rủi ro này là cực kỳ hiếm bởi mạch máu bên dưới môi có kích thước siêu nhỏ mà đầu kim dù nhỏ đến mấy cũng khó có thể xuyên qua được.
Tuy vậy, một khi loại filler được tiêm vào môi bạn là sản phẩm trôi nổi kém chất lượng, bị pha tạp chất thì hậu quả sẽ vô cùng kinh khủng:
- Chỉ vài tiếng sau khi bị tiêm filler rởm, môi sẽ đau nhức, sưng tấy, nứt, xuất hiện mủ, chảy dịch kèm theo triệu chứng sốt cao. Cách duy nhất để xử lý tình trạng này là tiến hành phẫu thuật để hút hết filler, mủ ra khỏi môi. Nếu xử lý chậm, khả năng hoại tử môi là rất cao và nạn nhân có thể sẽ phải cắt bỏ môi.
- Nếu "may mắn" hơn, bạn có thể không gặp phải phản ứng dữ dội nhưng vì loại filler được tiêm vào môi không tinh khiết và có pha tạp chất, bạn sẽ phải sống chung với tình trạng vón cục lổn nhổn bên trong môi, gây nặng, lệch môi và về lâu dài là bị biến dạng môi.
Không ít người đã gặp những biến chứng khủng khiếp vì bị tiêm filler "rởm" vào môi.
Bởi vậy, điều quan trọng nhất khi tiêm filler môi là bạn nên chọn cơ sở có uy tín và người thực hiện tiêm cho bạn nhất định phải là bác sỹ thẩm mỹ hoặc y tá có đủ trình độ và tay nghề. Đ ừng chọn hú họa một salon hay spa nào đó, nơi người tiêm cho bạn chẳng có chút trình độ, bằng cấp chuyên môn nào về y học.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chắc chắn rằng mình được nhìn thấy nguyên hộp của sản phẩm filler để đảm bảo rằng nó là sản phẩm chính hãng có tên tuổi, còn mới 100% và nhất là chất filler bên trong ống phải tuyệt đối trong suốt.
Tiêm môi có đau không?
Mặc dù hình ảnh mũi tiêm xuyên vào môi trông khá đáng sợ nhưng khi tiêm, bạn sẽ được gây tê để không phải chịu cảm giác đau đớn. Cảm giác khó chịu như kiến cắn thì có thể có, ít hoặc nhiều phụ thuộc vào tay nghề của bác sỹ nhưng đau thì chắc chắn không. Hai phương pháp gây tê phổ biến được sử dụng khi tiêm môi là thoa kem gây tê lên môi hoặc tiêm thuốc tê vào lợi. Sau vài phút, môi bạn sẽ mất cảm giác và sẵn sàng để được tiêm. Bên cạnh đó, một liều thuốc giảm đau có thể sẽ được mix vào cùng với filler trong quá trình tiêm và nó sẽ có tác dụng tức thì ngay khi mũi tiêm bắt đầu tiếp xúc với da môi của bạn.
Trước khi tiêm filler, bạn sẽ được tiêm thuốc tê vào lợi hoặc thoa kem gây tê lên môi.
Sau khi tiêm xong, bác sỹ sẽ massage nhẹ nhàng cho môi bạn rồi chườm đá lên môi trong khoảng 10 phút. Sau đó bạn có thể ra về.
Thời gian tiến hành và hồi phục là bao lâu?
Một ca tiêm filler môi chỉ kéo dài từ 15 - 20 phút nhưng bạn sẽ mất khoảng 1 tuần để có đôi môi ưng ý. Khoảng 24 giờ đầu sau khi tiêm, môi bạn sẽ bị sưng (ít hoặc nhiều phụ thuộc vào cơ địa mỗi người); những điểm tiếp xúc với kim tiêm sẽ bị tím và chảy máu nhưng điều này là hoàn toàn bình thường. Sau từ 3 - 7 ngày, hiện tượng sưng tím sẽ hết và giờ thì bạn đã có đôi môi mới.
Môi bạn sẽ ít nhiều bị sưng tím sau khi tiêm. Hiện tượng này sẽ hết hẳn sau nhiều nhất là 1 tuần.
Kết quả kéo dài bao lâu và nếu không ưng sản phẩm thì sao?
Như đã nói ở trên, loại filler được tiêm vào môi có nguồn gốc Acid Hyaluronic, một chất tự nhiên mà cơ thể người sản sinh ra nên theo thời gian, thường là từ 4 - 9 tháng, cơ thể sẽ tự đào thải dần chất này, đưa môi bạn trở về trạng thái nguyên thủy, có thể là dày hơn chút ít so với ban đầu bởi việc tiêm AH vào môi được cho là sẽ kích thích sản sinh AH ở khu vực này, khiến môi dày hơn một cách tự nhiên. Nếu bạn sở hữu thể trạng gầy, điều này có nghĩa hoạt động trao đổi chất của cơ thể bạn sẽ nhanh hơn, đồng nghĩa với việc filler sẽ bị đào thải nhanh hơn thời hạn trên.
Trong trường hợp bạn không ưng kết quả sau khi tiêm, bạn có thể "xóa sổ" filler trong môi mình một cách nhanh chóng. Cụ thể, bác sỹ sẽ tiêm vào môi một loại enzyme xóa có tên Hyaluronidase. Loại enzyme này sẽ hòa tan filler có nguồn gốc Acid Hyaluronic chỉ trong 5 phút, đưa môi bạn về trạng thái ban đầu.