Thực hư những cách thử chì trong son môi mà các chị em đang truyền tai nhau
Hai phương pháp được các chị em truyền tai nhau nhiều nhất đó là: thử chì bằng nhẫn bạc/vàng và thả son vào nước. Nhưng thực sự những cách này có chuẩn xác và hiệu quả?
Tháng 5 năm 2003, một báo cáo được đưa ra nhằm khẳng định lượng chì quá cao trong son môi của phụ nữ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, thậm chí còn có thể gây bệnh ung thư. Điều này đã gây ra nỗi sợ hãi cho phụ nữ khắp mọi nơi bởi lượng son môi chúng ta tiêu thụ rất lớn.
Mới đây nhất là trường hợp của một nữ MC VTV nhiễm chì được bác sĩ chuẩn đoán là do cô thường xuyên dùng son môi đậm màu, thì vấn đề về chì trong son môi lại trở nên nhức nhối hơn cả. Cũng từ đó hình thành nên rất nhiều các "bí quyết" được truyền miệng để thử độ chì trong son. Hai phương pháp được các chị em truyền tai nhau nhiều nhất đó là: thử chì bằng nhẫn bạc/vàng và thả son vào nước. Nhưng thực sự những cách này có chuẩn xác và hiệu quả?
Dùng nhẫn bạc, vàng để thử chì trong son
Một mẹo đó là bạn sẽ dùng nhẫn vàng hoặc bạc để mài lên son và nếu nhẫn của bạn ngả đen, màu càng đậm tức là lượng chì càng cao.
* Độ chính xác: Không có cơ sở khoa học cho việc này bởi theo các chuyên gia, rất nhiều chất trong vàng, bạc như đồng, chì, nikne, kẽm… hoàn toàn có thể tạo màu đen khi được chà xát với son. Trong son có chứa các thành phần sáp ong và dầu khoáng, rất dễ dàng có phản ứng với kim loại trong mĩ phẩm nói chung để tạo thành màu đậm.
Thực tế thì ngoài chì ra, những thành phần khác như sáp, dầu, các thành phần tạo màu, các thành phần chống nắng… khi tiếp xúc với vàng đều xuất hiện những vệt màu đen như thí nghiệm với chì.
Thả son vào nước
Theo cách thử này thì chúng ta sẽ nhỏ 1 giọt son vào trong cốc nước, những loại son an toàn sẽ nổi lên, còn son chứa chì sẽ chìm xuống. Nhưng cách này chỉ có thể thử với những loại son kem. Nếu là son thỏi thì có thể thử bằng cách cắt một mẩu son và thả vào cốc nước.
Theo như nhiều người chia sẻ thì son nổi lên trên sẽ chứa hàm lượng chì thấp, trong khi son chìm xuống đáy cốc thì có lượng chì cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
* Độ chính xác: Trọng lượng riêng của mỗi loại son là hoàn toàn khác nhau, còn do phụ thuộc vào công thức và thành phần trong son. Việc son nổi lên hay không phụ thuộc vào trọng lượng riêng của loại son chứ không liên quan tới lượng chì trong son.
Mức độ độc hại nói chung hay lượng chì nói riêng phải do các chuyên gia đo lường bằng máy móc và có công bố rõ ràng. Điều đáng lưu ý là hầu hết các loại son trên thị trường của các hãng uy tín đều có chì nhưng ở trong mức cho phép, chưa đủ để làm hại sức khỏe của bạn.
Theo như kiểm định của Cục kiểm định Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA thì hầu hết các hãng son môi đều có chứa chì nhưng hàm lượng đều trong mức cho phép. Kiểm tra trên 400 dòng son môi thuộc các hãng khác nhau thì tất cả đều có hàm lượng trung bình 1.07 ppm (parts per million- phần triệu), lượng chì cực kỳ ít trong son không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn phải ăn hết hàng ngàn thỏi son thì lượng chì đó mới gây hại. Cái gây hại ở đây có thể là do cách bạn tẩy trang hoặc chọn son giả kém chất lượng.
Vì vậy để bảo vệ sức khỏe, các nàng có thể chú ý hơn tới việc tẩy trang và chăm sóc da môi, và thay đổi mật độ dùng các loại son quen thuộc bằng cách chuyển sang son không chứa chì từ các hãng son organic uy tín trên thế giới, chứ không nên làm theo những tin đồn dễ gây hoang mang cho bản thân.
Nguồn: Thoughtco