Thầy hiệu trưởng được nhiều trường săn đón nhất chia sẻ những điều cha mẹ nào cũng cần biết
Theo thầy Pete Kenedy, yếu tố quyết định sự thành công của một đứa trẻ không chỉ là điểm số, vào trường công hay trường tư, học tiếng Anh sớm hay muộn, có cần làm bài tập về nhà hay không?
Profile nhân vật:
Thầy Pete Kenedy từng là Hiệu trưởng Trường Quốc tế Liên hiệp quốc Hà Nội (UNIS). Trước đó, thầy có kinh nghiệm 32 năm làm việc với vai trò một nhà giáo dục ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Ý… Hiện thầy đang đảm nhiệm vai trò Tổng hiệu trưởng của trường TH School.
Là một thầy giáo có nhiều năm kinh nghiệm giữ vai trò Hiệu trưởng của các trường Quốc tế ở khắp nơi trên thế giới, thầy Pete Kenedy có những chia sẻ đầy bất ngờ về một số mối quan tâm thường gặp của phụ huynh Việt Nam.
Những chia sẻ trong bài viết này của Thầy Pete Kenedy, dưới góc độ của một nhà giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường giáo dục quốc tế sẽ giúp các bố mẹ có thêm các góc nhìn mới mẻ về những câu chuyện đang khiến chúng ta đau đầu khi các con bắt đầu vào một năm học mới, để qua đó thấy rằng, yếu tố quyết định sự thành công của một đứa trẻ không chỉ là điểm số, vào trường công hay học trường tư, học tiếng Anh sớm hay muộn hay có cần làm bài tập về nhà hay không?....
Thầy Pete Kenedy trong ngày khai giảng năm học mới 2017 - 2018. (Ảnh: Dân Trí)
Thưa thầy, những bài viết về giáo dục Phần Lan gần đây khiến nhiều phụ huynh Việt Nam "ghen tị". Theo thầy, điều gì đã giúp cho nền giáo dục Phần Lan được chú ý trên thế giới?
Thật khó để nói về điều này. Bạn cần thận trọng khi coi Phần Lan như một hình mẫu lý tưởng và cũng nên hiểu rằng không thể chuyển giao toàn bộ nền giáo dục đó về Việt Nam vì cấu trúc của hệ thống hai nền giáo dục là khác nhau, cũng như mục tiêu và sự kì vọng xã hội là khác nhau.
Theo như tôi hiểu, hệ thống giáo dục của PhầnLan không đặt nặng lý thuyết và học thuộc lòng. Họ đề cao kỹ năng làm việc nhóm, cách đào sâu suy nghĩ, tinh thần làm việc chăm chỉ và quan trọng hơn cả là việc học sinh thực sự tham gia vào quá trình học tập.
Ví dụ, thay vì dạy học sinh học thuộc lòng Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học thì hướng dẫn chúng tìm hiểu các chất hóa học, các phản ứng hóa học xảy ra như thế nào vì chúng ta có thể dễ dàng xem Bảng tuần hoàn các nguyên tố Hóa học trên mạng. Nghĩa là học sinh nên thực sự tham gia vào việc học Khoa học, chứ không chỉ cố gắng học thuộc các kiến thức, các sự kiện vì mọi thứ luôn thay đổi hàng ngày. Thay vì lãng phí thời gian cho việc học thuộc học sinh cần học cách nghĩ, học cách thực hiện, tham gia vào các vấn đề thực tế và tìm cách giải quyết nó.
Tại các trường học ở Phần Lan, học sinh sẽ phải suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ và tìm ra các giải quyết vấn đề thay vì học thuộc mọi thứ. (Ảnh minh họa)
Giáo viên Phần Lan làm rất tốt điều đó. Họ không bắt học sinh dành hàng giờ để làm các bài tập về nhà kiểu học thuộc lòng, họ đưa ra các câu hỏi, và bài tập của học sinh là suy nghĩ cách giải quyết nó. Tôi đã có lần trao đổi với một giáo viên Phần Lan, cô chia sẻ về cuộc thảo luận cùng học sinh với chủ đề "ăn cắp có tốt không" – đó cũng chính là bài tập về nhà hôm đó cho học sinh. Hôm sau đến lớp, học sinh trả lời rằng việc đó là sai trái, cô giáo lại nêu một ví dụ cụ thể rằng: Nếu gia đình bạn nghèo, và đứa con bạn đang bị ốm, bạn cần tiền để mua thuốc và chữa trị cho con thì sẽ như thế nào và đây lại chính là bài tập về nhà cho buổi học hôm đó. Học sinh về nhà suy nghĩ như một thử thách của chính bản thân mình. Giáo viên không áp đặt câu trả lời cho học sinh, họ giúp học sinh suy nghĩ về việc đâu là cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất.
Tóm lại, nền giáo dục của họ làm rất tốt việc khiến học sinh phải suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ và tìm ra các giải quyết vấn đề thay vì học thuộc mọi thứ. Thế giới luôn đổi thay hàng ngày, chúng ta cần phải thay đổi để thích ứng với nó, và đây là điều mà người Phần Lan làm rất tốt. Nó rất khác với Việt Nam, nơi mà phụ huynh luôn lo lắng vì con không có bài tập về nhà. Ở Thụy Điển học sinh thậm chí không đến trường cho đến khi lên 7 tuổi, họ muốn những đứa trẻ được chơi, được khám phá thế giới, được tư duy sáng tạo cùng bạn bè. Nhiều gia đình cảm thấy không thoải mái khi cho con đến trường học trước khi chúng lên 7 tuổi, trong khi ở Việt Nam, nhiều gia đình thậm chí phải cho con đi học lúc 2 tuổi.
Theo Thầy, Bố Mẹ có vai trò như thế nào trong việc truyền cảm hứng học tập cho con, vì hiện nay nhiều bố mẹ giao phó con cho nhà trường và cho rằng đó là trách nhiệm của thầy cô?
Việc thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ là hết sức nguy hiểm. Dựa trên nghiên cứu, chúng tôi coi giáo viên và bố mẹ là hai yếu tố quan trọng nhất. Bố mẹ đóng góp một nửa còn lại cho sự thành công của con. Nếu bố mẹ không coi trọng thành tựu của con thì con cũng sẽ không quan tâm đến giá trị bản thân. Do đó, dù giáo viên có nỗ lực đến mấy, về nhà các con vẫn cần sự quan tâm của bố mẹ, không phải là những lời khen ngọt ngào và vỗ tay, mà cần thể hiện bạn đang quan tâm đến bước đi của con. Lũ trẻ thực sự cần có bố mẹ song hành.
Hàng ngày, bố mẹ nên hỏi các con "Hôm nay con ở trường như thế nào?’’, "Có chuyện gì thú vị không?’’, "Con đã học được gì?’’, "Con có vui không?"… để thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ của mình. Cuộc sống hiện đại khiến phụ huynh trở nên bận rộn, nên khi trẻ từ trường về nhà bố mẹ thường vắng mặt. Chúng ta nên cảm thông vì họ phải gánh vác trên vai những áp lực tài chính, họ phải làm việc. Nhưng bằng cách này hay cách khác bố mẹ phải tham gia vào quá trình học tập của con, giúp con hiểu được giá trị của học tập.
Nhiều cha mẹ Việt nghĩ việc học giỏi tiếng Anh từ nhỏ là rất quan trọng. Theo Thầy, đối với học sinh Việt Nam thì Tiếng Anh có phải là tất cả không? Ngoài Tiếng Anh thì học sinh cần phải trang bị những kỹ năng hay kiến thức nào nữa?
Đây là một câu hỏi rất thú vị. Bây giờ và tương lai chúng ta có Google Translate để phiên dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, Tiếng Anh không phải là môn học quan trọng nhất. Với tôi, môn học quan trọng nhất là môn học thật sự gây hứng thú cho trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, chúng ta nên dạy cho chúng nhiều các môn học khác nhau, để trẻ có thể tự tìm tòi, khám phá và thử thách bản thân để hiểu biết thật nhiều về thế giới. Một ngôn ngữ, hay đa ngôn ngữ nên là một trong những môn học đó. Tiếng Anh là môn học rất thú vị và Tiếng Việt cũng như vậy. Khi trẻ trưởng thành, chúng ta nên để trẻ theo đuổi đam mê.
Theo thầy Pete Kenedy, "môn học quan trọng nhất là môn học thật sự gây hứng thú cho trẻ", có như vậy trẻ mới tự tin khám phá, thể hiện suy nghĩ của mình và tìm thấy niềm vui lâu dài với việc học tập. (Ảnh minh họa)
Thầy đã có nhiều năm làm việc ở các môi trường giáo dục ở các nước khác nhau, học sinh ở nước nào để lại ấn tượng mạnh nhất cho thầy?
Tôi tự nhận thấy mình là một người may mắn, tôi có ấn tượng với tất cả những nơi mà tôi đã làm việc, tôi thích tất cả, cũng như với trẻ con vậy, bạn không thể nói rằng bạn thích đứa trẻ nào hơn được, bạn sẽ thích tất cả. Vì tất cả những đứa trẻ trên thế giới đều giống nhau, mặc dù chúng nói thứ tiếng khác nhau, nhưng chúng có chung sở thích, chung niềm đam mê; có thể người lớn sẽ khác biệt, nhưng trẻ còn thì ai cũng giống nhau. Thật sự rất thú vị khi thấy tất cả học sinh trên thế giới đều có những điểm chung như vậy.
Cảm ơn thầy vì những chia sẻ tuyệt vời này.