Thầy giáo Mỹ bật mí những điều thú vị về học sinh Nhật Bản
Điều gì làm nên sự khác biệt của học sinh Nhật Bản - thế hệ tương lai ở đất nước mặt trời mọc so với phần còn lại của thế giới?
Mac sinh ra tại Mỹ, là một người yêu thích du lịch, từng di chuyển tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có khoảng thời gian dạy học ở Nhật. Anh thường xuyên ghi lại những trải nghiệm thú vị của mình trên một blog cá nhân. Và dưới đây là một phần cảm nhận của anh về thời gian được làm việc và sinh sống tại Nhật.
Sau khi chuyển tới Nhật, tôi đã biết được rất nhiều điều về phong tục tập quán, nền văn hoá và cả trẻ em đất nước này.
1. Học sinh ăn mặc như Thuỷ thủ Mặt Trăng
Tôi từng nghĩ rằng đồng phục của học sinh Nhật Bản lấy cảm hứng từ các nhân vật Thủy thủ Mặt Trăng nhưng sự thật là ngược lại. Phải mất một thời gian tôi mới rũ bỏ được hình ảnh những anh hùng thuở ấu thơ đẹp long lanh ấy trong đầu mỗi khi nhìn từng học sinh của tôi (ngay cả các học sinh nam).
Ở Nhật, học sinh có đồng phục mùa hè và mùa đông, bao gồm đủ bộ, từ quần áo tới giày tất. Để phân biệt học sinh các lớp học bạn có thể căn cứ vào các sọc màu trắng hay vạch màu khác trên đồng phục. Đây đúng là một điểm thuận lợi để phân biệt học sinh.
2. Học sinh rất thích túi đựng bút
Mỗi học sinh đều có một chiếc túi đựng bút. Và những túi này luôn được trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết. Có lẽ học sinh Nhật không được chọn quần áo để thể hiện bản thân nên bọn trẻ sẽ tận dụng lợi thế của những chiếc túi đựng bút như một nỗ lực tinh vi nhằm khẳng định cái "tôi". Hello Kitty, Peanuts, Disney và những chiếc túi có khóa kéo cỡ đại là một số thiết kế phổ biến nhất. Bên cạnh đó là những túi đựng bút với từ tiếng Anh cực kỳ lạ lẫm, những thương hiệu thể thao (puma, yonex, nike…) và đôi khi là những chiếc túi hình trái cây.
3. Tất cả đều có những môn học giống nhau
Ở trường cấp 2 của tôi, có hai cấp độ cho phần lớn các môn học: lớp tiêu chuẩn và nâng cao. Ở các trường Nhật Bản tôi từng dạy, sự khác biệt giữa các cấp độ không tồn tại. Tất cả học sinh được yêu cầu học các môn như nhau, không có lớp tự chọn.
4. Học sinh luôn chào giáo viên
Học sinh Nhật chào mọi giáo viên chúng gặp ở trường. Tôi đã từng đi bộ dọc hành lang, với vô số học sinh đứng đó và chúng chỉ làm 1 trong 2 việc: hoặc đơn giản nói "xin chào" hết lần này tới lần khác cho tới khi tôi đi khỏi hay chui vào một lớp học, trò chuyện dăm câu ba điều về việc mọi người trong đó cảm thấy thế nào cho tới khi chuông reo.
5. Học sinh ăn trưa tại trường
Khoảng 95% học sinh trường cấp 2 tôi dạy ăn trưa tại trường. Thi thoảng, tôi tình cờ bắt gặp một em mang cơm từ nhà đến nhưng mấy em đó là ngoại lệ. Học sinh không được phép có tiền (hay đồ ăn vặt) và bữa trưa tại trường được thanh toán qua thẻ. Hồi tôi học cấp 2 ở Mỹ, bữa trưa phổ biến nhất thường là một chiếc pizza, một bánh socola lớn và một loại đồ uống nhẹ. So với bữa ăn ở Mỹ, bữa trưa của học sinh Nhật được chuẩn bị rất công phu.
6. Học sinh không đổi lớp học
Ngoại trừ giờ học đòi hỏi phòng có trang bị đặc biệt (thí nghiệm khoa học, sáng tạo nghệ thuật hay đôi khi dạy tiếng Anh), học sinh không đổi phòng học giữa các môn. Thay vào đó, giáo viên mới là người di chuyển từ lớp này sang lớp khác trong khoảng thời gian đổi môn (10 phút). Điều này có nghĩa là mỗi lớp có các môn học hàng ngày, với toàn bộ số học sinh giữ nguyên. Thời điểm duy nhất học sinh có thể "trà trộn" (hay thậm chí gặp gỡ) bạn bè cùng lứa là trong thời gian đổi môn, vào bữa trưa (nơi chúng vẫn ngồi theo lớp) hoặc sau giờ tan trường.
7. Học sinh chào nhau mỗi sáng
Nếu bạn vô tình đi ngang qua một trường học Nhật vào buổi sáng và cảm thấy lo ngại vì vô số âm thanh hò hét vọng vang từ trong những bức tường, đừng vội giật mình. Có khả năng đó chỉ là nghi thức chào hỏi buổi sáng của học sinh Nhật mà thôi. Đó là khi đứng từ ngoài trường bạn cũng có thể nghe thấy bọn trẻ nói to, đôi khi hét lên "chào buổi sáng" với mỗi học sinh và giáo viên/ nhân viên đang tới trường.
8. Học sinh lau chùi trường lớp mỗi ngày
Mỗi ngày học theo thời khóa biểu bình thường, tất cả học sinh được phát giẻ lau, chổi và xẻng hót rác rồi đi tới một địa điểm được giao theo nhóm 4-5 bạn để hoàn tất nhiệm vụ dọn dẹp nơi đó. Trong khoảng 10 phút buổi chiều, học sinh quét dọn, lau chùi, đánh bóng và hút bụi trường lớp. Mọi công việc chi tiết, kể cả lau dọn bồn cầu cũng do học sinh đảm nhiệm.
9. Học sinh không có giờ ra chơi
Học sinh ở trường cấp 2 nơi tôi dạy không được tận khoảng thời gian được mong chờ nhất đó là giờ ra chơi. Khoảng thời gian nghỉ giải lao duy nhất bọn trẻ có là 15 phút sau bữa trưa để tụ tập trong lớp, chơi một chút môn bóng rổ với nhịp độ gấp gáp.
10. Học sinh ăn trưa với giáo viên trong lớp học
Trường cấp 2 mà tôi dành phần lớn thời gian giảng dạy ở đó có một căng tin, nhưng chỉ đủ để chứa một nửa số học sinh trong trường cùng lúc. Các lớp thay nhau mỗi tuần ăn trong lớp học và trong căng tin. Khi ăn trong căng tin, học sinh được quy định chỗ ngồi (theo lớp). Khi ăn trong lớp, học sinh chuyển bàn học thành một chiếc bàn lớn và ăn cùng với giáo viên.
11. Học sinh ghi biên bản mỗi ngày
Mọi học sinh đều được nhà trường phát một cuốn sổ và phải ghi chép vào đó hàng ngày. Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra những cuốn sổ này để nắm bắt được đời sống và cả trạng thái cảm xúc của học sinh. Chính xác thì học sinh viết gì trong những cuốn sổ đó? Chúng thực sự rất chi tiết - mọi thứ từ thời gian tỉnh giấc, thời gian ngủ tới thời gian xem tivi và sử dụng máy vi tính là bao nhiêu. Học sinh cũng thường viết về thời khoá biểu mỗi ngày và ghi chú xem mình có bị bắt nạt hay không.
12. Học sinh có khoảng thời gian thiền mỗi ngày
15 phút cuối cùng mỗi ngày học, trước khi về nhà hay tham gia câu lạc bộ, tất cả học sinh chia nhóm trong lớp, gục đầu trên bàn trong 10 phút để suy nghĩ một cách tĩnh lặng. Nhưng hãy lưu ý, thời gian này không phải để thư giãn mà là dành cho học sinh nghĩ về những gì chúng đã làm trong ngày, những việc chúng định làm buổi tối hôm đó (bài tập về nhà) và những điều cần làm vào ngày hôm sau. Tôi cũng làm tương tự trong phòng giáo viên nhưng thay vào đó, tôi ngủ.