Thấy con cứ sụt cân sau khi sinh dù vẫn cho bú đầy đủ, bà mẹ bất ngờ khi biết nguyên nhân
Người mẹ mặc dù đã rất tích cực cho con bú mẹ ngay từ sau khi sinh nhưng bé vẫn không thể tăng cân, thậm chí sụt cân trong suốt 1 tháng đầu sau sinh.
Con gái sụt cân sau khi sinh 1 tháng mặc dù được bú mẹ đầy đủ
Chị Jordan Talley, 25 tuổi đến từ Kentucky (Mỹ) vừa mới sinh bé thứ 2 cách đây hơn 1 tháng. Chị sinh bé khi thai tròn 38 tuần và bé Lucy Eleanor sau khi sinh hoàn toàn khỏe mạnh với trọng lượng 3kg. Sau khi vệ sinh cho bé, các y tá đã ngay lập tức cho bé được da tiếp da với mẹ và để bé được bú mẹ trực tiếp trong vòng 1 giờ. Chị Talley cho biết: “Đầu, cằm và miệng bé có chuyển động nên tôi đoán chắc là con vẫn bú được sữa mẹ. Vài ngày sau, mỗi khi con bú và chạm vào đầu vú, tôi cảm thấy khá đau. Kể cả sau khi ra viện và về nhà, tình trạng này vẫn không mấy được cải thiện.”
Bé Lucy khi mới sinh và sụt cân sau 1 tháng.
Sau khi về nhà, chị Talley vẫn cố gắng tiếp tục cho con bú bất cứ khi nào con có nhu cầu nhưng bé lại không hề tăng cân như chị nghĩ. “Ban đêm, cứ cách 30 phút bé lại thức dậy ăn bú, mặc dù vẫn còn đau tức ngực nhưng tôi vẫn cố gắng cho con bú nhiều nhất. Tôi nghĩ rằng trẻ sơ sinh thường hay ăn đêm và ăn nhiều lần trong ngày. Nhưng cả tôi và bác sĩ đều không hiểu lí do vì sao bé Lucy vẫn không thể tăng cân”, mẹ bé chia sẻ thêm.
Lucy khi được 2 tuần tuổi với dấu hiệu tụt cân dần dần.
Lucy được mẹ đưa đi khám sức khỏe thường xuyên ở các mốc tuần tuổi đầu tiên. Các bác sĩ Nhi đã kết luận Lucy thậm chí còn không nặng bằng lúc mới sinh. Thông thường trẻ sơ sinh có thể bị sụt cân ngay sau khi chào đời và sẽ tăng trở lại trong tuần tiếp theo. Nhưng sau 1 tháng, trọng lượng của bé đã giảm từ 3kg xuống còn 2.5kg. Bé không hề tăng thêm lạng nào mà còn bị tụt cân. Hai má phúng phính ban đầu sau 1 tháng đã trũng xuống, đôi mắt hõm sâu khiến chị vô cùng lo lắng. Nhưng chị Talley nói rằng bé vẫn khỏe mạnh và suy đoán có thể bé hơi chậm tăng cân, hấp thụ kém mà thôi, hoặc có thể là do sữa mẹ không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho con.
Và Lucy khi 1 tháng tuổi với đôi mắt trũng sâu, hai má tóp lại.
Cuối cùng, chị Talley đã tìm gặp chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và kết quả kiểm tra về nguyên nhân làm cho con gái chị không thể tăng cân đã khiến chị khá bất ngờ. Bác sĩ đã đưa cho bé mút thử một bình sữa mẹ và hướng dẫn người mẹ quan sát môi, lưỡi của bé khi bú bình. Hóa ra bé Lucy đã bị mắc chứng cứng lưỡi - hay còn gọi là dính thắng lưỡi, khiến cho lưỡi và môi của bé gặp khó khăn khi chuyển động và mút sữa từ vú mẹ, vì vậy cơ thể bé không nhận được đủ lượng sữa và dinh dưỡng cần cho sự phát triển.
Bé gái đã mắc chứng cứng môi và lưỡi khiến cho bé gặp khó khăn trong việc bú mẹ, cơ thể bé không nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Sau khi được bác sĩ thực hiện thủ thuật nhỏ bằng cách cắt một phần thắng lưỡi, bé Lucy hiện đã vô cùng khỏe mạnh, bú mẹ đầy đủ và tăng 1kg chỉ sau gần 2 tuần phát hiện ra nguyên nhân thực sự. Chị Talley cũng ngay lập tức chia sẻ câu chuyện của con gái mình để nhằm giúp nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ khi thấy con có dấu hiệu chậm tăng cân hoặc ăn kém.
Chị Talley vui mừng thông báo bé Lucy 6 tuần tuổi đã tăng gần 1kg sau khi tìm ra nguyên nhân thực sự và được làm thủ thuật cắt một phần thắng lưỡi.
Và hình ảnh mới nhất của bé gái cho thấy bé đã tăng cân thấy rõ, gương mặt đầy đặn và bé trông lanh lợi hơn.
Chứng cứng lưỡi hay dính thắng lưỡi – Hiếm gặp nhưng gây ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ cũng như cân nặng của trẻ
Chứng cứng lưỡi hay dính thắng lưỡi là một trong những bệnh lý về lưỡi thường hiếm gặp và bị cha mẹ bỏ qua nhưng lại gây cảm giác đau đớn và ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ cũng như cân nặng của trẻ. Đây là một sự phát triển bất thường và ít gặp của lưỡi khiến cho lưỡi của bé bị hạn chế cử động, hoặc cử động qua lại rất khó khăn. Điều này là do khi sinh ra bất kỳ ai cũng có một tấm màng mỏng bên dưới lưỡi để giữ lại và điều khiển lưỡi một cách linh hoạt nhưng với những em bé mắc chứng dính thắng lưỡi sẽ có lớp màng này ngắn hơn bình thường. Hay hiểu theo cách khác thì đây là tình trạng phần mô ở dưới đầu lưỡi của bé gắn với sàn miệng quá ngắn, quá dày hoặc dính quá chặt khiến cho chuyển động của lưỡi bị hạn chế.
Ngoài ra, hiện tượng cứng môi ở trẻ sơ sinh xảy ra khi môi trên bị hạn chế trong quá trình phối hợp với miệng để giúp bé mút và đẩy sữa vào bên trong miệng. Trường hợp bé Lucy đã mắc cả 2 chứng cứng lưỡi và môi, khiến cho bé không thể nhấc lưỡi lên vòm miệng trên để mút sữa và môi không thể đẩy sữa vào trong khi bé bú mẹ.
Cha mẹ cần hiểu rõ hơn về loại bệnh lý này và đề xuất với các y bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết hiệu quả khi bé có các biểu hiện nghi do cứng lưỡi (Ảnh minh họa).
Về hướng điều trị, thông thường, các bác sĩ sẽ cắt một phần thắng lưỡi bằng một chiếc kéo vô trùng hoặc tia laser để giải phóng và giúp môi-lưỡi của bé chuyển động linh hoạt hơn. Đây là một thủ thuật đơn giản, an toàn và không phức tạp, thực hiện nhanh chóng và hiếm khi gây ra các biến chứng gì.
Nguồn: Mom, Buzzfeed