Thẩm mỹ kéo dài chân: Đọc xong, bạn có dám thử?
Đáp ứng nhu cầu về chiều cao của nhiều người, trong nhiều năm gần đây, phẫu thuật kéo dài chân với mục đích thẫm mỹ ở Việt Nam đã phổ biến hơn.
Từ khi bộ phim ''Những cô gái chân dài'' được trình chiếu đến nay, có thể nói, danh từ ''chân dài'' ngày càng làm mưa làm gió, giúp cho nhiều cô gái may mắn sở hữu đôi chân miên man tự hào và hãnh diện hơn với tạo vật trời ban cho mình. Nhưng không phải ai cũng may mắn được như thế, vì với vóc dáng đặc trưng của người Việt, con số chị em bị gọi là ''nấm lùn'' cũng rất nhiều.
Chính vì thế, chị em ta đành phải tìm mọi giải pháp để tăng chiều cao, từ đơn giản và thông dụng nhất là mang giày cao gót cho đến giải pháp hiện đại đang được ưa chuộng trên khắp thế giới là phẫu thuật kéo dài chân. Tuy nhiên, cái nào cũng có mặt lợi và hại của chúng, cả với hai phương pháp này cũng vậy, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe mà có khi bạn không ngờ tới. Hãy cùng "mổ xẻ" cặn kẽ phương pháp phẫu thuật kéo dài chân để nắm rõ cách thức cũng như những nguy cơ tiềm ẩn mà của phương pháp này.
1. Cách thức
Nguyên lý của phương pháp kéo dài xương chân là cắt rời một chỗ trên đoạn xương chân cần kéo dài, xuyên các đinh chuyên dụng qua cả hai đoạn xương rời ra, rồi gắn vào một loại khung cố định đặc biệt ở bên ngoài chân. Quá trình hàn gắn vết gẫy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương gẫy lại với nhau.
2. Tiến hành
Trước tiên, người ta tiến hành cắt xương, sau đó gắn vào xương một bộ dụng cụ để nối tạm. Khi xương được kéo giãn ra với tốc độ chậm phù hợp, người ta nhận thấy có sự tái tạo xương mới lấp đầy vào khoảng trống đó dần dần. Các tế bào gân cơ, mạch máu,và thần kinh cũng tân tạo tương xứng. Kết quả cuối cùng là có được một cẳng chân (hoặc đùi) mới dài hơn với đầy đủ các cấu trúc cũng như chức năng như bình thường.
3. Kéo dài xương có hiệu quả thực sự?
Kéo dài chân thông thường phải tuân thủ theo tỉ lệ chiều dài cánh tay chia cho chiều dài đùi phải luôn lớn hơn 1,2 lần. Nếu đùi bị kéo quá dài, sẽ gây ra tình trạng mất cân đối, mất thẩm mỹ.
Được biết, khi tiến hành thẩm mỹ kéo dài chân, mỗi ngày cô gái đều phải tiến hành chỉnh đinh vít 3 lần, mỗi lần đinh vít sẽ được đưa sâu vào trong khoảng 7mm. Trung bình để kéo dài xương chân 7-10cm, bệnh nhân phải mang khung cố định 10-12 tháng, sau khi bỏ khung, bệnh nhân lao động, sinh hoạt hoàn toàn bình thường, các phần xương chân được kéo dài thêm có độ cứng chắc như xương cũ. Đợi đến khi xương mới liền, người ta lại chỉnh vít trên khung bên ngoài, cho giãn ra khoảng 1mm/ngày ( kéo dài 2mm/ngày thì xương không kịp phát triển hoặc phát triển sẽ gây vẹo, méo, nếu chỉ kéo 0,5mm sẽ gây liền dính) nhằm mục đích bắt buộc các tổ chức xương phải tiếp tục lan ra để nối liền với nhau. Và cứ như vậy.... cho tới khi đạt được chiều dài xương chân như dự tính.
Để có được một đôi chân dài, bạn sẽ phải trải qua nhiều đau đớn bởi những chiếc đinh ốc cắm sâu vào da thịt .
Có thể thấy rằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân là phương pháp rất phức tạp, phương pháp này rất đau đớn và đòi hỏi bạn phải có tinh thần quyết tâm cao, hơn nữa vì thời gian phục hồi khá lâu, không đi lại được cũng như cần sự chính xác đến từng milimet nên phương pháp này cũng tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.
4. Những điều cần lưu ý
Cũng như các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khác, phương pháp thẩm mỹ kéo dài chân cũng có nhiều mặt hại nhất định mà các quý cô cần nên lưu ý:
- Thời gian hồi phục lâu: rất nhiều khó khăn và đau đớn, đau nhức vết thương sau mổ, đau nhức một vài chân đinh khi căng giãn xương, đau nhức khi đi nhiều trong quá trình xương chưa được lấp đầy, tê bàn chân khi căng quá nhanh. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác, và nếu kéo dài hơn 5cm thì phải 10 tháng sau mới bắt đầu có thể đi lại được.
- Biến chứng trong thời gian kéo:
+ Nhiễm trùng chân nếu không biết cách vệ sinh gây tổn thương động mạch, loét da quanh chân đinh nếu dùng thuốc sát trùng không đúng, xương bị di lệch nếu khung lỏng và không siết kịp thời.
+ Khi tự ý tăng nhanh tốc độ căng giãn xương khiến thần kinh và mạch máu không theo kịp, sẽ gây tê liệt bàn chân, co rút gân cơ, trật khớp.
+ Tổn thương các dây thần kinh.
+ Viêm chân đinh: gây đau nhức, thường là do thay băng không dúng kỹ thuật như việc rửa chân đinh bằng oxy già, cồn gây hoại tử tế bào sống quanh chân đinh.
- Biến chứng sau thời gian kéo (biến chứng hậu phẫu):
+ Dị ứng thuốc: có thể gây tử vong nếu không điều trị cấp thời, thường là do dị ứng với kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền sai nhóm máu.
+ Chèn ép khoang do máu tụ trong bắp chân gây đau nhức căng cứng bắp chân, nếu trễ có thể làm hoại tử chân.
+ Sau khi thực hiện phẫu thuật chân sẽ để lại seo rất rõ, đi lại nhiều sẽ gây đau nhức hoặc tê bàn chân, hoặc những khi thời tiết thay đổi bạn có thể bị nhức xương chân hoặc đau cơ chân.
Nguồn: Tổng hợp