Thai giáo đúng cách - nuôi dạy con khoẻ mạnh thông minh từ trong bụng mẹ
Sử dụng phương pháp thai giáo là một trong những bước tiến thông minh giúp bố mẹ có thể nuôi dạy con sớm từ những ngày đầu trong bụng mẹ.
1. Phương pháp thai giáo là gì?
Phương pháp thai giáo là hoạt động xuất phát từ các nghiên cứu về tâm lý của mẹ và bé trong suốt giai đoạn 9 tháng 10 ngày, gồm các mục đích:
- Tạo ra một môi trường trong và ngoài cơ thể mẹ tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã có sự phát triển về thể chất và tinh thần. Điều này giúp cho em bé trong bụng mẹ có thể phát triển ngôn ngữ, tăng chỉ số IQ, EQ, giúp con phản xạ nhanh hơn,…
- Tạo mối liên kết tình cảm giữa bố mẹ và thai nhi. Tránh trầm cảm cho bà bầu.
- Giúp thai phụ có những kiến thức cần thiết về những biến đổi tâm lý mẹ trong suốt quá trình mang thai. Từ đó tăng cường hiểu biết của mẹ trong việc nuôi và dạy thai nhi, làm cơ sở khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Có thể chia thai giáo thành 2 loại:
- Thai giáo trực tiếp: gồm các biện pháp tác động đến thai nhi bằng các bài tập 5 giác quan của mẹ và bé để giúp thai nhi tiếp nhận được giáo dục tích cực.
- Thai giáo gián tiếp: gồm các biện pháp giáo dục gián tiếp thai nhi thông qua chăm sóc cơ thể người mẹ để thai nhi tiếp nhận mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc của mẹ bầu.
2. Nên thai giáo từ tháng thứ mấy?
Trên thực tế không có mốc thời gian cố định để bố mẹ bắt đầu quá trình thai giáo cho thai nhi. Dựa vào các cột mốc phát triển của em bé về: thính giác, khứu giác, xúc giác, thị giác, vị giác mà bố mẹ sẽ có chương trình thai giáo phù hợp với bé.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được hiệu quả thai giáo chúng ta phải bắt đầu từ thời điểm chuẩn bị mang thai. Bởi việc thực hành thai giáo trước khi mang thai sẽ giúp bố mẹ điều chỉnh tâm lý, sức khỏe, môi trường sống, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống thật tốt. Điều này có tác động rất lớn đến việc thụ thai, sự kết tinh của trứng và tinh trùng mạnh khỏe tạo nền tảng cho bé hoàn thiện thể chất và trí tuệ ngay khi vừa hình thành. Giai đoạn vàng của thai giáo bắt đầu ngay khi thụ thai và tiến triển theo các cột mốc phát triển của thai nhi.
3. Thai giáo được thực hiện như nào?
Thai giáo được tiến hành thông qua 5 giác quan là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác vì ngay từ trong bụng mẹ các giác quan của trẻ đã được hình thành và phát triển đầy đủ.
- Thai giáo thính giác
Thai nhi phát triển thịnh giác từ 4 tuần tuổi. Sang tuần thứ 8, tai ngoài hình thành, trung khu thần kinh thính giác chưa phát triển nên thai nhi vẫn chưa nghe được âm thanh từ thế giới bên ngoài. Đến tuần thứ 16, thai nhi bắt đầu phản ứng với âm thanh và khi đến tuần thứ 24-25, hệ thống truyền âm thanh đến tai mới hoàn chỉnh.
Cha mẹ có thể tiến hành các hoạt động kích thích thính giác của thai nhi bằng cách: trò chuyện, kể chuyện, hát ru, cho con nghe nhạc… Các bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng giúp tập trung phát triển cảm xúc tích cực, kích thích phát triển thính giác và não bộ. Việc đọc truyện cho con thường xuyên sẽ giúp kích thích khả năng ngôn ngữ, khả năng liên tưởng, khả năng biểu đạt cảm xúc từ sớm. Hoặc thường xuyên trò chuyện với thai bằng lòng yêu thương, tình cảm trìu mến, sẵn sàng và vui mừng chào đón con có mặt trên đời sẽ khiến bé cảm thấy vô cùng an toàn và yên tâm trong bụng mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những ông bố thường xuyên trò chuyện với con khi bé còn ở trong bụng mẹ, em bé khi ra đời sẽ dễ dàng nhận ra giọng nói quen thuộc của bố.
- Thai giáo thị giác
Đây là cách dùng ánh sáng đúng cách kích thích thị giác của bé, tiền đề giúp bé có đôi mắt khỏe mạnh khi chào đời.
Thị giác của thai nhi được hình thành muộn hơn so với các giác quan khác, bắt đầu phát triển thị giác từ tuần thứ 26, con ngươi của bé có thể co giãn khi tiếp xúc với ánh sáng từ tuần thứ 33. Để rèn luyện phản xạ cho thai nhi, bố mẹ có thể thông qua các trò chơi như bật tắt bóng đèn, di đèn nhẹ nhàng, chậm rãi và quan sát phản ứng của trẻ.
- Thai giáo khứu giác
Khoang mũi của thai nhi được hình thành đầy đủ vào tuần thứ 9 của thai kỳ. Vào tuần thứ 13, các dây thần kinh kết nối khứu giác với não bộ nhưng phải đến tuần thứ 36 khứu giác mới hoàn thiện hoàn toàn và biết phản ứng với mùi thông qua nước ối của mẹ. Để phát triển khứu giác, thai phụ nên ngửi những hương thơm mà mình thích, ưu tiên mùi hương thiên nhiên như hoa quả, cây cỏ và mùi của những loại thức ăn ưa thích.
- Thai giáo vị giác
Đến tháng thứ 4 thai kỳ thì cơ quan cảm thụ vị giác trên đầu lưỡi của thai nhi hình thành hoàn toàn, bé có sự phân biệt và sở thích về các vị rõ rệt.
Mẹ bầu cần ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, không nên kiêng khem quá mức. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, không nên ăn quá no mà chia thành các bữa nhỏ trong ngày.
- Phương pháp tiếp xúc, tương tác qua da
Xúc giác của thai nhi bắt đầu phát triển tuần thứ 8 của thai kỳ. Thời điểm này bố mẹ đã có thể bắt đầu thai giáo bằng phương pháp tiếp xúc qua da.
Bố mẹ có thể tương tác với con thông qua các đầu ngón tay bằng cách xoa, massage nhẹ nhàng thành bụng. Nhưng với phương pháp này cần lưu ý phải massage đúng cách, bởi nếu không cẩn thận có thể kích thích các cơn co tử cung.
- Thai giáo tâm lý
Trước và khi đang mang thai, người mẹ cần giữ cho mình một tinh thần thật thoải mái, không áp lực, không quá lo lắng. Trạng thái thoải mái này sẽ tạo ra môi trường phát triển tốt cho cả thể chất lẫn tâm lý của thai nhi.
Với phương pháp này không có hướng dẫn nào cụ thể nhưng nguyên lý cơ bản vẫn là người mẹ duy trì trạng thái cảm xúc tích cực, lạc quan, vui vẻ, hạn chế tức giận, buồn bã.
4. Những sai lầm thường gặp khi thực hành thai giáo
- Mẹ ép mình nghe nhạc cổ điển:
Rất nhiều chị em khi thực hành thai giáo bằng âm nhạc đã cố chọn những loại nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng khá hàn lâm, bác học mà bản thân không thấy hay, không cảm thụ được chỉ vì tin rằng như thế là tốt cho sự phát triển trí tuệ của bé. Thực tế, bà bầu chỉ cần chọn loại nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm ở khoảng 60-80 nhịp/phút là hoàn toàn thích hợp cho việc thai giáo bằng âm nhạc.
- Cho bé nghe âm lượng quá lớn:
Điều này sẽ gây khó chịu cho thai nhi, thậm chí gây hại cho thính giác của bé nếu nhạc có sóng âm cao từ 4.000 đến 5.000Hz.
Do đó, khi cho bé nghe nhạc, mẹ chỉ nên mở loa ngoài vừa đủ nghe hoặc dùng tai nghe chuyên dụng cho bà bầu để đảm bảo an toàn cho sự phát triển thính giác của bé.
- Thường xuyên xoa bụng bầu:
Ở tuần thai thứ 18-20 khi bé có cử động thai máy đầu tiên là lúc ba mẹ có thể bắt đầu thực hành thai giáo bằng xúc giác cho con, cụ thể là việc vuốt ve bụng bầu. Tuy nhiên, hành động xoa, vuốt mạnh tay và thường xuyên trên thành bụng, đặc biệt là khu vực đáy tử cung, có thể kích thích các cơn co tử cung gây ra sinh non hoặc sảy thai.