Thái độ cha mẹ trước những lỗi lầm của con cái

Phương Thảo ,
Chia sẻ

Cha mẹ chính là tấm gương để con cái học hỏi cách giải quyết những vấn đề khó khăn, cách xử lý tình huống ở cuộc sống hàng ngày trong suốt quá trình trưởng thành của chúng.

Khi trẻ mắc lỗi, điều quan trọng đối với các bậc cha mẹ là phải hiểu được căn nguyên những lỗi lầm của con cái để từ đó giúp chúng vượt qua và sửa chữa. Một số bậc cha mẹ thường lúng túng và dễ rơi vào tình trạng không biết xử lý thế nào và phán đoán lỗi lầm của trẻ một cách vội vàng. Và khi đã bị hiểu lầm trẻ sẽ có thái độ phản kháng và chống đối cha mẹ.

1. Con bướng bỉnh (Cứng đầu cứng cổ):

Về tâm lý, sự bướng bỉnh của trẻ thể hiện một mối mâu thuẫn tích cực. Đó là sự tiến bộ và phát triển tính cách bình thường của trẻ chứ không phải sự hư hỏng hay suy kém đạo đức như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ. Sự mềm mỏng và thái độ cương quyết của cha mẹ chế ngự sự tự ái của con chứ không phải bằng sự lấn át sẽ giúp quản lý được tính bướng bỉnh của trẻ, giúp trẻ lớn lên...

Điều ít ai nghĩ đến là: ẩn dấu dưới tính cách khó chịu, bướng bỉnh ấy là một nhân cách cứng rắn mạnh mẽ, có thể sau này làm được những việc đột phá khi được định hướng đúng. Vấn đề là cha mẹ hãy kiên nhẫn nắm bắt được tâm lý con trẻ để từ đó dẫn dắt cho con mình phát triển.

2. Sống khép kín

Trẻ ít nói quá sẽ khiến cho cha mẹ không biết con mình suy nghĩ gì. Hãy suy xét theo nhiều chiều hướng, bởi một phần do nhút nhát nên trẻ không tự tin bộc lộ bản thân, nhưng bên cạnh đó có thể ở trẻ đã hình thành tính cách nhạy cảm và tế nhị.

Trẻ sống khép kín dễ mặc cảm với ánh mắt, những lời bàn tán, trêu chọc hay sự dè bỉu, chế giễu của những người xung quanh. Nên tình yêu thương được biểu lộ qua thái độ, sự gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu trẻ của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ hãy tạo cho con một môi trường lành mạnh như những trò chơi tập thể với các bạn cùng lứa tuổi, kể câu chuyện về những tấm gương dũng cảm... từ đó tạo cho trẻ cảm giác an toàn, hòa nhập với cuộc sống. Đồng thời, giúp trẻ vượt qua những sang chấn tâm lý và phát triển ngày càng tốt hơn.

3. Ích kỷ

Trẻ có thói ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, hoàn toàn không muốn quan tâm và chia sẻ … thì cha mẹ cần nhẫn nại tìm hiểu nguyên nhân. Tùy theo từng điều kiện và khả năng để đưa ra những biện pháp giáo dục con mình hợp lý.

Trước tiên, bố mẹ không được nuông chiều con thái quá. Cần giáo dục con thông qua các trò chơi tập thể, hoặc những hoạt động trong gia đình để trẻ biết cách chia sẻ với mọi người xung quanh. Ví dụ như: Lấy tăm cho bố mẹ, ông bà sau bữa cơm, giúp mẹ rửa hoa quả… Khi trẻ làm được điều tốt, cha mẹ nên nói cám ơn con một cách tự nhiên, đừng lờ đi và cũng đừng xem đó là chuyện quá lớn với trẻ.

Cha mẹ cũng tập cho trẻ biết chia sẻ, nhưng cũng phải tôn trọng một số thứ riêng tư của trẻ. Ví dụ như với những món đồ riêng của trẻ (con gấu bông mà trẻ rất thích), thì ta không nên buộc trẻ phải cho trẻ khác mượn. Và khi trẻ tỏ ra khó chịu, thì cha mẹ cũng không nên trách móc: “Sao con lại xấu tính như vậy?”, rồi dùng quyền làm cha mẹ để buộc trẻ phải chia sẻ, điều đó chỉ đem lại sự oán giận và ích kỷ ở trẻ hơn.

 4. Khi trẻ lười biếng

Do cha mẹ quá bận rộn, nhà lại thuê người giúp việc…nên nhiều trẻ thường hay ỷ lại, lười biếng. Vì vậy, cha mẹ cần động viên, khích lệ và giao phó một số công việc phù hợp với khả năng, lứa tuổi của trẻ. Khi mới bắt đầu tập làm, trẻ có thể làm sai, làm hỏng, gây mất thời gian, tuy nhiên cha mẹ cần kiên trì để trẻ tự làm và ghi nhận sự cố gắng của con mình.

Theo Phương Thảo
Eva
Chia sẻ