Dạy con từ thuở còn thơ

,
Chia sẻ

Cách hay nhất để cha mẹ giáo dục con không phải là "nói" mà phải "làm" cho con thấy. Lúc đầu con trẻ khó chịu, khi lớn lên chúng sẽ rất biết ơn cha mẹ về sự giáo dục đó.

Trước hết là chuyện ăn uống.

Một câu chuyện có thật vào năm 1997, khi phóng viên hỏi một cô gái xinh đẹp người Thái Lan đang du học ở Pháp, sao lại từ chối lời cầu hôn của một người đàn ông giàu có. Câu trả lời của cô chắc chắn đã làm nhiều bà mẹ có con trai phải giật mình.

Đó là: “Tại vì ông ấy ăn uống như một… con heo lúc đi ăn tối với tôi!”. Bạn mà không chịu dạy con lúc ăn uống ở nhà, thì đừng mong con có phong thái ăn uống tao nhã khi đi dự tiệc. Dạy con ăn uống đàng hoàng chính là dạy trẻ biết kính trọng người khác. Vì vậy, bốc đồ ăn, nhai nhồm nhoàm, vừa ăn vừa nói… là những thói quen xấu bạn không nên nhượng bộ con trên bàn ăn gia đình.

Thứ hai là nói điện thoại.

Nói chuyện điện thoại ngày nay trở thành một giao ước xã hội rộng rãi và mối giao ước đó sẽ đeo bám con bạn suốt đời. Vậy nên hãy dạy con phải luôn luôn tự giới thiệu trước khi hỏi câu đầu tiên: “Chào cô/ chú, cháu là Hồng Minh, cháu có thể nói chuyện với bạn Lê Na được không ạ?”. Có bậc cha mẹ nào cầm máy lên mà lại không có cảm tình với câu nói dễ thương và lịch sự đó.

Thứ ba là cách ăn mặc.

Có 2 lời khuyên mà bậc cha mẹ nên làm theo, đó là khuyên con cách ăn mặc “thích hợp” và “khả kính” khi đi ra ngoài. Điều này, cha mẹ nên là tấm gương để con cái noi theo. Ở đây hoàn toàn không phải là chuyện ăn mặc quần áo đắt tiền hay hợp thời trang, mà chỉ là “đứng đắn, gọn, sạch sẽ và thích hợp”.

Thứ tư là cách nói năng.

Nói sao cho vừa lòng người khác là cả một nghệ thuật khó khăn. Nhưng ngay khi còn nhỏ, bạn chỉ nên dạy đơn giản như thế này: con cái phải nhìn thẳng vào mắt người khác khi nói chuyện với họ, nhất là lúc chào hỏi. Nên đặt câu hỏi với người khác về họ, để chứng tỏ mình có quan tâm tới họ và phải khen ngợi thật tình nếu ta thấy họ làm được cái gì hay, nổi bật.

Hãy chỉ cho con biết: Cái tâm của con người mới là quan trọng. Đừng quên mình đối xử ra sao với người khác thì sẽ được họ đối xử giống như thế. Khi thấy một người bạn của con mình có vẻ lạc lõng, bơ vơ, nên khuyến khích con chạy theo tìm cách an ủi và kéo đứa bạn gia nhập trở lại đám đông.

Luôn dạy con mình phải tự đặt vào hoàn cảnh người khác, cái đó gọi là sự thông cảm, thấu hiểu. Làm được như thế, bạn với tư cách là cha mẹ đã đặt vào tay con mình một “vũ khí lợi hại”, để sau này lớn lên con trở thành một người đàng hoàng, tử tế.     

Theo Thuỳ Như
Gia Đình
Chia sẻ