Tâm sự của người mẹ nhìn con lặng lẽ khóc sau khi gặp bố

Thảo Hương,
Chia sẻ

Đã có đôi lúc bà mẹ trẻ không biết là mình đang nghĩ cho con hay bản thân đã quá ích kỷ.

Một mình nuôi con chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Với chị Vân (32 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng vậy. Bà mẹ trẻ đã luôn cố gắng để nuôi nấng con trở thành một người tử tế, thế nhưng có đôi lúc bản thân chị cũng tự hỏi không biết là đang nghĩ cho con hay là mẹ đã quá ích kỷ. 

"Mấy ngày vừa rồi, bầu trời của mẹ con mình màu xám. Đã nửa năm kể từ lần cuối con gặp bố, và khi cuộc gặp gỡ quay trở lại, niềm vui ập đến với con bất ngờ, rồi lại biến mất nhanh chóng. Lần đầu tiên, thực sự là lần đầu tiên, mình thấy con lặng lẽ khóc dưới chiếc gối. Con biết rằng mình đang stress, và hiểu chuyện đến đau lòng - trong lúc con chỉ mới 3 tuổi. Mình sợ rằng lâu dần con sẽ mất niềm tin vào đàn ông, hoặc là con muốn gần gũi người khác giới nhiều hơn. Sự ảnh hưởng tâm lý này không hề nhỏ.

Ý nghĩ rằng mình sẽ tước đi quyền liên hệ giữa hai bố con đã thực sự diễn ra. Ngày đầu tiên, mình đinh ninh với điều đó. Ngày thứ 2, mình nhận ra một quyết định của bản thân thì dễ dàng thôi, nhưng quyết định thay cho con là sự khó khăn đang ghìm chặt lấy mình. Ngày thứ 3, nhìn con cười hì hì và bảo: "Bố đi mất rồi" khiến mình thấy bản thân thật quá đáng. Đến bây giờ, sắp tròn 1 tuần rồi, mình vẫn không biết nên chọn thế nào", bà mẹ trẻ tâm sự. 

Thế nhưng, sau những ngày suy sụp, bà mẹ trẻ chợt nhận ra rằng vì con nuôi con nên bản thân phải cố gắng tự mình thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. Và đây cũng là lời khuyên cho những bà mẹ đang trên hành trình một mình nuôi con - một chặng đường không hề dễ dàng, nhưng bước qua chông gai sẽ thấy hạnh phúc. 

1. Đừng tự trách bản thân

Bởi không có ai trải nghiệm được mọi cảm giác nghẹt thở, vật lộn với những lần tự trách giữa đêm khuya vì tình yêu với con như mẹ đâu. Mẹ có ích kỷ một chút cũng chẳng sao cả, mẹ luôn là người mẹ tốt nhất với con rồi, không có ai thay thế được, không có ai làm tốt hơn. Không có câu chuyện: Nếu con chị mà có mẹ như em thì tốt hơn bao nhiêu. Đừng thiết lập những giả định bế tắc.

2. Đừng nói dối và trấn an con

Sự dối trá với con là điều khó khăn nhất với mình. Muốn làm bố mẹ không áp lực, bản thân mình phải buông bỏ được những hòn đá đang kéo chân mình xuống. Đừng tự nói dối rằng bố đi làm xa, bố đi làm việc, để con liên tục hỏi: Bao giờ bố về? Rồi mẹ lại phải tìm kiếm câu trả lời để xoa dịu con, nhưng chẳng thể xoa dịu chính mình.

Tâm sự của người mẹ nhìn con lặng lẽ khóc sau khi gặp bố - Ảnh 1.

3. Đừng gồng lên che chắn cả bầu trời 

Làm bố mẹ không nhất thiết phải che mưa chắn gió cho con, làm bố mẹ là cùng con đi qua những cơn mưa gió. Mẹ và con đều ướt, nhưng chúng ta sẽ luôn học được nhiều trải nghiệm. Tối đó, mình đã thực sự suy sụp khi thấy nước mắt con giàn giụa sau lớp gối. Mình phải thú nhận: Mẹ mệt lắm con ạ, mẹ muốn ôm con. Và đứa con gái này lẳng lặng nằm trong lòng mẹ nghe mẹ khóc.

4. Mẹ trao hơi thở cho con, nhưng mẹ cũng cần được thở

Mẹ có lỡ cáu gắt, hay lớn tiếng với con, cũng bởi vì mẹ chỉ là người bình thường, mẹ chỉ đang trưởng thành hơn khi có con và bắt đầu làm bố mẹ. Không có ai, không có khoá đào tạo nào trước đó dạy mẹ rằng mẹ phải làm mẹ như thế nào. Sau một cơn đau thập tử nhất sinh, thế giới của mẹ hoàn toàn thay đổi. Mẹ không stress làm sao được?

Cuối cùng, khi cơn bão đã chấm dứt, chúng ta sẽ không nhớ chúng ta đã vượt qua cơn bão như thế nào, làm thế nào mà chúng ta đã sống sót. Thậm chí chúng ta cũng sẽ không biết cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: khi bước ra khỏi cơn bão, chúng ta sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. 

Cùng mẹ nắm tay bước qua cơn bão, tôi luyện bản thân thành những con người kiên cường nào!

Chia sẻ