Tâm sự bỉm sữa: 9 năm sống như cơn lốc, chăm chồng con, lo sự nghiệp đổi lại 1 đống bệnh án... thì ra tôi đã đối xử tệ bạc với cơ thể mình đến thế
Tôi nhớ lại bao lần mình nhịn đói để tranh thủ làm cho xong việc. Bao lần uống vội cốc cà phê thay cho bữa sáng...

9 năm qua, tôi sống như một cơn lốc
Ba năm, tôi sinh liền tù tì hai em bé. Con chị chưa kịp biết nói thì thằng em ra đời. Vừa làm mẹ, vừa làm vợ, vừa làm tròn hình tượng "phụ nữ tự chủ tài chính", đương nhiên không thể thiếu khoản kiêm nghiệm luôn tạp vụ - giúp việc - quản gia không lương cho cả nhà.
2 lần bầu bì nghén đến mức nôn ra cả mật xanh mật vàng, mấy tháng cuối thì chân phù như chân voi, không đi vừa nổi đôi giày chiếc dép nào... nhưng chưa từng cho mình nghỉ lấy một ngày. Nghén nặng cũng ôm máy tính trả deadline. Đến tận ngày lên bàn mổ bé thứ hai, tôi vẫn còn xin bác sĩ cho ra ngoài 15 phút… để gửi nốt file báo cáo.

Người ta hay hỏi tôi: “Làm sao chị cân bằng được hết mọi thứ?”. Tôi cười. Thật ra, tôi có cân bằng gì đâu! Tôi gồng. Tôi cắn răng. Tôi tự nhủ “Cố tí nữa thôi, xong cái này sẽ được nghỉ.” Nhưng cái “xong” ấy chẳng bao giờ tới.
Chồng tôi không hề tệ. Quan trọng nhất là anh thương vợ con và là người "kiếm" được nhất nhà. Khi mà bạn có 2 đứa con và 1 đống hóa đơn rải rác từ đầu tháng đến cuối tháng thì ông chồng kiếm được tiền mang về cho vợ là ông chồng tuyệt vời!
Thế nhưng anh thuộc kiểu “giúp gì thì giúp”, còn lại mặc định tất tần tật là của tôi. Cái này tôi nhận cũng do tôi. Tôi cầu toàn, tôi sợ chồng động vào rồi mình đi làm lại còn khổ hơn nên chồng tôi mặc định là vợ làm được hết!
Sáng lo cho con ăn, dọn nhà, giặt giũ, nấu cơm. Chiều lại lao vào làm việc như thiêu thân để kịp KPI. Đêm về, tôi vừa ru con ngủ, vừa lọ mọ sửa file. Có bữa con ọ ẹ, tôi đặt máy tính lên đầu gối mà gõ, vì nằm xuống là nó giật mình tỉnh giấc.

Đấy là chưa nói, tôi nhiều sữa nên tôi hì hục hút lấy hút để với mong muốn con được ăn sữa mẹ càng lâu càng tốt, càng nhiều càng tốt. Có những thời gian, 3 tiếng tôi hút sữa 1 lần, đều đặn ngày nào cũng tích trữ sữa tính bằng lít!
Tôi cũng từng tự hào vì mình “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, từng tự vỗ vai “Đấy, phụ nữ hiện đại phải như thế!”. Nhưng rồi một ngày, tôi đau lưng quá mức chịu đựng, phải vào viện. Bác sĩ đọc kết quả mà mặt tôi tái xanh: Thoát vị đĩa đệm nhẹ, tràn dịch khớp gối, gan nhiễm mỡ độ 2, tụt canxi, nguy cơ tiền tiểu đường.
9 năm qua, tôi đã đối xử tệ hại với cơ thể mình đến thế!
Tôi giật mình.
Không phải vì những bệnh đó quá nghiêm trọng (dù chúng thật sự không hề nhẹ), mà vì tôi không ngờ, mình lại tàn nhẫn với bản thân đến thế.
Cơ thể tôi đã gửi tín hiệu cầu cứu từ lâu. Mệt mỏi, đau nhức, khó ngủ, biếng ăn, sút cân trầm trọng... nhưng tôi đều lờ đi. Tôi luôn coi bản thân là cái máy. Cái máy thì chỉ cần bật là chạy, hỏng đâu vá đó, hết pin thì sạc, khỏi cần bảo dưỡng làm gì tốn tiên. Nhưng tôi quên mất: tôi là con người.

Tôi nhớ lại bao lần mình nhịn đói để tranh thủ làm cho xong việc. Bao lần uống vội cốc cà phê thay cho bữa sáng. Bao lần ngồi sai tư thế vì bế con bên trái lâu quá, mà con thì không chịu đổi bên. Bao lần cảm lạnh vẫn lau nhà, nấu cháo, giặt đồ... Tôi thương con, thương chồng, thương cả công việc, sự nghiệp mà mình dành cả thanh xuân phấn đấu... nhưng lại chưa từng thực sự thương mình.
Tôi thật sự đã đối xử rất tệ hại với cơ thể của mình.
Thế nhưng, tôi không bỏ chồng được, càng không bỏ được con, tất nhiên công việc cũng thế. Vậy là thứ dễ để tôi bỏ mặc nhất chính là bản thân mình...
Tôi đang tập nói “không” với những thứ vượt sức. Tôi yêu cầu chồng chia sẻ việc nhà không phải là giúp, mà là chia. Tôi đặt lịch nghỉ giữa giờ, tập thở, tập vươn vai. Tôi uống vitamin, đi ngủ sớm hơn một chút, và lần đầu tiên trong 9 năm tôi tự thưởng cho mình một ngày không làm gì cả.
Không dễ để từ bỏ thói quen sống vì người khác. Nhưng sự thật là một người mẹ khoẻ mạnh mới nuôi được những đứa trẻ hạnh phúc. Còn nếu tôi cứ mãi đối xử bạc đãi với bản thân như trước thì có lẽ, chẳng còn cơ hội thứ hai nào để sửa sai.