Tại sao các bé liên tục cho đồ vào hộp rồi lại đổ ra? Biết được điều này các mẹ hẳn sẽ bất ngờ
Những hành động tưởng chừng kỳ lạ của trẻ đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các bé.
Nếu đã từng tặng em bé một món đồ chơi, bạn có thể nhận thấy trẻ đặc biệt thích cho đồ vào hộp, bỏ tất cả ra và bắt đầu lại từ đầu. Tại sao bé say mê việc đặt đồ vào hộp như vậy?
Vì sao đứa trẻ nào cũng thích hoạt động đổ ra - lấp đầy?
Trong khi nguyên nhân của hiện tượng rất thú vị này vẫn còn là điều bí ẩn thì các chuyên gia về trẻ em nói rằng, trẻ thực sự học hỏi thông qua mỗi hoạt động đổ ra - lấp đầy. Với hầu hết trẻ nhỏ, sở thích lấp đầy một thùng chứa bằng các vật dụng nhỏ hơn, sau đó lấy hết ra và bắt đầu lại thường xuất hiện từ thời điểm bé biết ngồi.
Jana Beriswill, chuyên gia vật lý trị liệu tại Bệnh viện Nhi Wolfson ở Jacksonville (Mỹ), chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Bạn thường sẽ nhận thấy ngay khi thói quen cho đồ vào hộp/thùng rồi lại lấy ra của trẻ có từ khi trẻ đã đủ độ vững của vùng cơ trung tâm để có thể bắt đầu sử dụng sức mạnh thân trên".
Khi tự ngồi được vững vàng ở tầm 7 - 8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có hành động đổ các thứ ra, đồng thời khám phá môi trường quanh chúng theo những cách khác nhau. Đây là điểm phát triển then chốt trong hoạt động đổ đồ ra – một phần của sự phát triển nhận thức ở trẻ. Bé bắt đầu hiểu rằng mình có thể ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.
Adria Barnett, một chuyên gia vật lý trị liệu khác tại Children’s Alabama (Mỹ), đồng ý với quan điểm trên. Theo Barnett, giai đoạn này giúp các em bé học các khái niệm mới về thế giới chúng ta đang sống:
“Đây là giai đoạn phát triển nhận thức của trẻ. Trẻ bắt đầu tìm hiểu làm thế nào các đối tượng liên quan với nhau và nguyên nhân - kết quả đi kèm là gì. Điều gì xảy ra khi mình làm điều này đây?
Sự lặp đi lặp lại là thứ giúp trẻ học hỏi và thật vui khi trẻ thấy điều gì xảy ra khi mình làm điều gì đó. Trẻ sẽ cảm thấy thật vui thích làm sao khi chứng kiến điều sẽ xảy ra nếu trẻ thực hiện một hành vi nào đó”.
Trên thực tế, khi trẻ vứt bừa mọi thứ khắp nơi rồi không đặt lại đúng chỗ sẽ khiến người lớn bực mình. Tuy nhiên, ở thời điểm này, trẻ vẫn chưa thực sự làm chủ các kỹ năng vận động để có thể dọn dẹp một cách gọn gàng.
"Lấy đồ ra – làm trống là hoạt động nổi bật sau khi trẻ có được sự ổn định ở vùng cơ trung tâm nhưng khi ấy, trẻ chưa thuần thục động tác sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ để cầm nắm mọi thứ. Lấy ra luôn dễ dàng hơn cho vào. Đó là lý do tại sao bạn mới vừa mới quay đi thôi là bé yêu của bạn đã kịp đổ mọi thứ ra ngoài.
Trẻ chọn cách bỏ đi, để lại đống đồ bừa bãi vì đến đó là giới hạn khả năng của trẻ rồi. Vì thế, cha mẹ sẽ sẽ phải dạy con cách ‘cho đồ vào’ như thế nào”, Beriswill lý giải.
Đồ chơi xếp chồng hay các vật dụng trong nhà giúp trẻ thực hành kỹ năng vận động
Vì những lý do trên, cha mẹ nên để những món đồ mà trẻ có thể lấy ra theo ý mình. Điều này cũng giúp bố mẹ tránh được tình trạng con mò vào ngăn tủ lôi quần áo, đồ đạc ra bày khắp nhà.
“Theo tôi, bạn có thể cho trẻ một vài quả bóng bông hoặc những quả bóng xốp nhỏ và bất cứ thứ gì an toàn với một thùng chứa có miệng lớn (chẳng hạn như hộp giấy ăn rỗng). Các loại đồ chơi đòi hỏi trẻ phải cho đúng khối hình vào ô trống có chung hình dạng (tam giác, vuông, chữ nhật…) cũng là một lựa chọn tốt khác. Và với trẻ nhỏ hơn, bạn hoàn toàn có thể tháo nắp món đồ chơi ra để trẻ đặt các khối hình vào trong một cách dễ dàng.
Cột để xếp chồng các vòng gỗ/nhựa cũng rất tuyệt, và những chiếc cốc xếp chồng cực kỳ thích hợp cho trẻ rèn luyện kỹ năng trên”, Barnett gợi ý.
Cha mẹ có thể giúp bé thực hành các kỹ năng vận động và phát triển nhận thức bằng cách làm mẫu, mô phỏng các bước tiếp theo sau khi trẻ lấy đồ ra.
“Việc lấy đồ ra thì trẻ có thể tự làm mà không cần sự giúp đỡ từ người lớn. Bước tiếp theo, cha mẹ hãy làm mẫu cho trẻ bằng cách xếp đồ lại”, Beriswill gợi ý.
Beriswill cho biết thêm, các bậc cha mẹ không cần phải ra ngoài mua nhiều đồ chơi để giúp con thực hành những kỹ năng này mà có thể sử dụng các vật dụng trong nhà.
Nguồn: Romper