Tai nạn trẻ em: Khó cứu vì không được sơ cứu

A. Thư,
Chia sẻ

Đôi khi chính những hành động bình tĩnh, hợp lý của cha mẹ mới là yếu tố quyết định mạng sống của con trong lúc sinh tử.

Đó là điều mà bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP HCM gửi gắm trong buổi sinh hoạt chuyên đề về tai nạn trẻ em gần đây.

Trong các ca bệnh được ThS-BS Huỳnh Tiểu Niệm (Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1) trình bày, có hai thái cực rõ ràng. Một số trẻ được cứu sống dù trước đó đã ngưng tim, ngưng thở vì được người nhà sơ cứu đúng cách. Số khác là những trường hợp đau lòng khi người nhà mang trẻ thẳng đến bệnh viện mà không làm gì.

Bởi lẽ, nhiều dạng tai nạn như dị vật đường thở, ngạt nước, điện giật…, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở. Khi đó, chỉ có vỏn vẹn 4 phút vàng. Nếu được sơ cứu hồi sinh tim, phổi trong mốc đó, bé có cơ hội đi qua biến cố an toàn.

Từ 4-10 phút, nguy cơ tử vong cực cao, có sống cũng bị di chứng vì tổn thương não . Khó có thể di chuyển bé đến bệnh viện kịp thời gian vàng, nên sơ cứu có lẽ là cứu cánh duy nhất.

Tai nạn trẻ em: Khó cứu vì không được sơ cứu - Ảnh 1.

Bác sĩ hướng dẫn thực hiện phương pháp Heimlich

Nhiều trường hợp sơ cứu sai cũng dẫn đến hậu quả đáng buồn. Có bé bị hóc dị vật, thay vì được vỗ lưng, ấn ngực hay áp dụng phương pháp Heimlich thì lại bị móc họng, dốc ngược, vừa mất thời gian vừa chẳng hiệu quả.

Bé khác đuối nước lại bị "xốc nước" bằng cách đặt lên vai và xốc, không những nước trong phổi không ra mà nước trong dạ dày còn bị trào ra, dẫn đến tử vong hoặc viêm phổi hít nặng nề dù có may mắn được cứu.

Theo ThS-BS Huỳnh Tiểu Niệm, mỗi phụ huynh, giáo viên nên tự trang bị những kiến thức sơ cứu đơn giản.

Ví dụ trẻ nhỏ bị hóc dị vật, chỉ cần lặp lại 6-10 lần phương pháp vỗ giữa lưng 5 cái, ấn giữa ngực 5 cái, bé thường sẽ được cứu. Phương pháp Heimlich cũng rất đơn giản: đứng hoặc quỳ sau trẻ, vòng tay đặt một nắm tay lên vùng thượng vị, tay kia đặt chồng lên nắm tay, siết mạnh trẻ và ấn sâu nắm tay về phía người mình.

Với trẻ bị ngưng tim, ngưng thở, kể cả ngưng tim, ngưng thở do đuối nước, cách duy nhất là ấn tim, thổi ngạt (CPR).

Cách ấn tim đúng cách là đặt hai bàn tay chồng lên nhau, dùng lực cả thân người tác dụng lên giữa ngực nạn nhân đang nằm trên mặt phẳng cứng, tốc độ trên 100 lần/phút, sâu vài cm, lực tác động tùy vào kích cỡ thân người trẻ. Thổi ngạt thì phải chú ý ngửa cổ trẻ cho đường thở thông thoáng. Thực hiện theo chu kỳ 30 cái ấn tim, 2 cái thổi ngạt.

Để bảo đảm việc sơ cứu được thực hiện liên tục, tốt nhất nên gọi xe cấp cứu.

Chia sẻ