Tá hỏa với những trò nghịch dại của con

Ths.Nguyễn Lập Thu,
Chia sẻ

Sờ mó vào mọi đồ vật, gây đổ vỡ đồ đạc, vẽ bậy lên tường, nghịch cả với đồ điện, thậm chí… trèo cả lên trên mái nhà là một trong vô vàn cách nghịch dại của trẻ.

Vừa bước vào nhà sau một ngày mệt mỏi, chị Nga đã thở dài ngao ngán khi nhìn thấy một “bãi chiến trường” mà chị biết thừa tác giả của nó không ai khác chính là cậu quý tử Bí Ngô. Bộ ấm chén nhập ngoại chị vừa mua hơn hai triệu hồi trước tết vài tuần đã vỡ tan tành, tung toé vòi một nơi nắp một nẻo. Chiếc chén lành còn lại duy nhất thì… đang được con trưng dụng để đựng bim bim trộn với bột màu. Cô giúp việc hớt hải chạy ra, vừa bế cu cậu bỏ sang một bên vừa cầm chổi dọn, cuống quýt sợ sệt bởi trong lúc cô đi phơi quần áo thì Bí Ngô đã lập được thêm một chiến tích trong một chuỗi các trò nghịch tai quái của mình.

Yên tâm là cu Tít đang được anh trông, hai an hem đang vui vẻ cười khúc khích ngoài phòng khách, chị Chi đi vào bếp chuẩn bị bữa tối. Mãi khi mang bát bột ra, chị mới “tá hoả” khi thấy cu Tít mặt đỏ ối như ông mặt trời toàn… màu nước, tay chân cũng be bét màu xanh đỏ tím vàng. Hoạ sỹ bất đắc dĩ - Cu Tôm cũng chẳng kém hơn, vừa trộn màu vừa nói với thằng em: “Ngoan nào, để anh vẽ râu cho em nhé!”. Hai anh em hò hét ra chừng khoái chí lắm báo hại bà mẹ…. chỉ biết kêu trời kêu đất với cậu con trai hiếu động. Hết leo cầu thang, chui vào tủ lạnh phá đồ, bị mẹ đánh đến giờ chán lại… lấy cả thằng em ra để mà làm mẫu vẽ. Thật nghịch hết biết!
 

Trẻ nghịch dại có lẽ không là một vấn đề gì xa lạ với các bậc làm cha làm mẹ: sờ mó vào mọi đồ vật, gây đỗ vỡ, vẽ bậy lên tường, nghịch cả với đồ điện, thậm chí trèo cả lên trên mái nhà… là những “phi vụ” của trẻ nhỏ thường xuyên gây “đau tim” cho các bậc phụ huynh khi trẻ ngoài tầm kiểm soát.

Để không phá hỏng niềm vui khám phá thế giới của con mà bé vẫn bảo đảm an toàn, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau đây:

- Để mắt đến bé mọi lúc mọi nơi: Dù ở nhà hay đưa bé đi thăm người thân, bạn phải luôn để ý bé đang làm gì và quan sát xung quanh nơi bé chơi. Nếu con còn quá nhỏ, bạn không nên cho trẻ chơi với những con vật nuôi như: chó, mèo... vì con có thể chọc tức khiến con vật nổi giận phản ứng lại. Nếu để con một mình trong phòng thì bạn phải đảm bảo là các cửa sổ đã khoá chặt, các thiết bị điện bé không thể với tầm tay đến hoặc không còn chỗ nào con có thể leo trèo cả. Bạn không nên để con một mình vì khi trẻ buồn chán, tâm lý tò mò sẽ nổi dậy và con sẽ nghĩ ra rất nhiều trò đùa tai quái.

- Cảnh báo cho con về các mối nguy hiểm: Khi con cầm hộp diêm, bạn cần giải thích cho trẻ thấy lửa có thể đốt cháy đồ đạc, nhà cửa, khi bé đến gần phích nước, bạn cho trẻ biết nó rất nóng sờ vào sẽ bỏng tay, hay dặn con không leo cầu thang bởi con có thể ngã. Hãy giải thích cho bé mỗi lần bạn không cho phép trẻ đụng vào vật dụng nào đó để bé có thể hình thành ý nghĩ về mối nguy hiểm nào đó, từ đó bé hạn chế những cuộc phiêu lưu khám phá cái mới.

- Cần nghiêm khắc với những trò “nghịch dại”của con: Nếu bé vừa biến bộ ấm chén quý giá vỡ tan tành, bạn hãy dắt bé lại gần, nghiêm khắc nhìn vào mắt bé và nói: "Bố mẹ đã dặn con rồi, con không được nghịch với ấm chén bát đũa nhớ chưa nào?". Người lớn cần thống nhất cách xử phạt với bé, hình thức phạt vừa triệt để vừa nhẹ nhàng, không nên căng thẳng dễ gây ra sự tổn thương không cần thiết cho con trẻ.

- Hãy dạy cho con cách thích ứng với đồ vật của con: Bạn có thể rót đầy cốc sữa, để bé tự cầm uống để lần sau bé cầm cốc sẽ chắc tay dần lên. Mua những đồ vật bằng nhựa cho bé chơi, vừa chơi với con bạn vừa giải thích công dụng từng thứ để con hiểu và kìm nén những trò nghịch tai quái.

Chia sẻ