Sửa tật nói lắp cho con: càng sớm càng tốt

Linh Đỗ - Theo Stam,
Chia sẻ

Tập nói cũng giống như tập đi, hai việc này ít khi dễ dàng và suôn sẻ đối với bé. Bé của bạn có thể thường xuyên nói sai từ, nói lắp hay nói ngọng khi tập nói.

Từ 2 đến 5 tuổi, bé sẽ thường xuyên nhắc lại các từ, cụm từ và thường ngập ngừng khi muốn nói gì đó. Tuy nhiên, có đến 5% trẻ bị nói lắp khi tập nói. Rất nhiều trong số đó sẽ nói trôi chảy lại khi lớn hơn, số còn lại vẫn gặp các vấn đề khi nói và thường xuyên nói lắp khi lớn.
 
Biểu hiện của nói lắp
 
Bạn cần chú ý khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau:
 
Phải rất cố gắng mới có thể phát âm được.
 
- Nói nhát gừng, dằn mạnh từng tiếng.
 
- Ngắt quãng rất lâu khi nói, phải dừng lại vài giây mới có thể nói tiếp những từ tiếp theo.
 
- Nói một âm tiết hoặc một từ nhiều lần (Ví dụ: mmmẹ…)
 
- Nhắc lại một phần của từ nhiều lần (Ví dụ: con con con con cá…)
 
- Dừng lại khi mới nói được nửa câu
 
Những biểu hiện này rất thường gặp ở trẻ. Bạn có thể nhận thấy bé của mình có một vài hoặc tất cả những biểu hiện trên khi tập nói.
 

Bố mẹ có thể làm gì?
 
Sau đây là một số cách giúp bạn có thể cải thiện tình trạng nói lắp cho con. Một vài cách có thể dễ dàng thực hiện, số khác đòi hỏi phải có thời gian luyện tập.
 
Nếu bé của bạn có rất nhiều thời gian bên cạnh những người thân trong gia đình (như ông bà, chú bác, cô dì…) hoặc những người khác (như người trông trẻ, cô giáo ở trường mầm non…), bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của họ bằng cách cho họ đọc và làm theo những thông tin dưới đây để giúp bé cải thiện tình trạng nói lắp:
 
Hãy nhớ: Không có bằng chứng nào cho thấy nói lắp là do di truyền, vì thế bạn đừng tự trách mình.
 
1. Dành một khoảng thời gian riêng tư mỗi ngày bên trẻ trong một không khí thực sự thoải mái, bình tĩnh và thư thả.
 
Hãy dành thời gian để chơi đùa và nói chuyện với trẻ, bạn có thể cùng trẻ chơi những trò chơi chúng thích hoặc trò chuyện cùng trẻ về một vấn đề gì đó trẻ yêu thích. Trong khoảng thời gian này, hãy khuyến khích bé trong những việc bé có năng khiếu (ví dụ như “Con giải câu đố giỏi quá!” hay “Con làm tốt lắm!”…). Tóm lại, hãy cho trẻ có tâm trạng thực sự thoải mái.
 
Mỗi lần dành thời gian bên bé, hãy nói và chơi cùng bé theo một cách khác nhau.
 
2. Nói chậm và từ tốn khi nói chuyện với bé sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu những gì bạn nói. Khi nói chuyện với bé, bạn nên nói chậm, nhắc lại một vài từ khó và nhớ là hãy hít hơi thật sâu trước khi nói nhé!
 
3. Sẽ có tác dụng hơn khi bạn dừng lại một vài giây trước khi trả lời hoặc hỏi bé một câu gì đó. Nói chậm là phương pháp để bé có thời gian để trả lời các câu hỏi của bạn.
 
4. Hãy để bé thấy bạn cảm thấy thú vị với những gì bé nói chứ không phải việc bé phát âm như thế nào. Nhìn bé khi bé diễn đạt lời nói là cách để bé biết rằng bạn đang lắng nghe, từ đó bé sẽ bình tĩnh hơn khi nói.
 
 
Nếu bạn bận phải làm việc gì đó và không thể dừng lại, bạn hãy nói với bé rằng mặc dù bạn bận, bạn vẫn sẽ lắng nghe bé, hoặc giải thích cho bé hiểu rằng bạn vẫn sẽ dành thời gian cho bé vào ngày hôm sau.
 
5. Khi nói chuyện cùng bé, hãy cố gắng dùng các câu ngắn và đơn giản. Đừng quá hy vọng rằng bé sẽ hết nói lắp ngay lập tức. Tuy nhiên, áp dụng những cách này một cách thường xuyên sẽ giúp bé hạn chế được tình trạng nói lắp và phát âm dễ dàng hơn.
 
Những thông tin bạn chưa biết về nói lắp
 
- Chưa có sự giải thích rõ ràng nào về nguyên nhân khiến trẻ nói lắp.
 
- Không có bằng chứng nào cho thấy, nói lắp là do di truyền.
 
- Nói lắp xuất hiện ở các bé trai cao gấp 4 lần các bé gái.
 
- Nói lắp là tình trạng xuất hiện phổ biến trên toàn thế giới, mọi nền văn hoá và mọi nhóm dân cư.
Chia sẻ