Sự thật gây sốc: Ngày càng nhiều phụ nữ thổ lộ rằng cảm thấy hối tiếc khi đã làm mẹ
Ngày càng có nhiều bà mẹ trên khắp thế giới thẳng thắn thừa nhận hối tiếc và cũng là sai lầm lớn nhất của đời họ là khi quyết định có con và làm mẹ.
Câu chuyện của Laura
Laura, 37 tuổi, một phóng viên ở Los Angeles, từng có thời tin rằng, cô muốn được làm mẹ. Khi cô cùng ông xã quyết định tạo dựng một gia đình, Laura băn khoăn không biết mình đã hiểu gia đình thực sự nghĩa là gì chưa. “Tôi hỏi một vài người bạn để xem liệu chúng tôi có học được chút kiến thức cơ bản nào từ họ không. Thế là họ dẫn chúng tôi tới thăm một cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh trong khoảng 45 phút”, Laura kể. “Giờ nghĩ lại, mới thấy đó là một thiếu sót nực cười. Tôi thực sự không biết mình đang dấn thân vào chuyện gì”.
Laura dễ dàng có thai. Nhưng khi con trai đầu lòng ra đời, cô cảm thấy choáng ngợp và nản lòng, hay ngã lòng trước những bữa cơm rượu vừa say vừa khóc lê thê và bị nỗi buồn chán cũng như cảm giác bất mãn gặm nhấm..
"Sau khi có con, tôi nhận thấy mình ghét trở thành mẹ của một đứa trẻ sơ sinh".
Ai đó có thể gọi đây là tình trạng trầm cảm sau sinh nhưng đám mây đen chưa bao giờ tan đi. Laura biết có một động lực khác trong đó. “Nỗi hối tiếc xâm chiếm tôi khi mẹ tôi về nhà bà và chồng tôi quay lại công việc. Lúc đó, chỉ có mình tôi với con trai”, cô nhớ lại. “Tôi nhận ra, đây là cuộc sống của tôi và tôi không thể chịu nổi nó”.
Thời gian càng trôi đi, Laura càng càng bị thuyết phục bởi suy nghĩ mình đã mắc một sai lầm khiến thay đổi cả cuộc đời. “Tôi ghét, ghét, căm ghét cái tình cảnh mà mình đang vướng phải”, cô chia sẻ. “Tôi nghĩ, có thể mô tả thứ mà tôi cảm nhận thấy bằng cụm từ ‘bị mắc kẹt’. Sau khi có con, tôi nhận thấy mình ghét trở thành mẹ của một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng lúc đó đã quá muộn rồi. Tôi không thể cất bước đi và vẫn phải sống với bản thân mình, nhưng tôi cũng không thể chịu nổi tình cảnh đó. Tôi cảm thấy cuộc sống của tôi, về cơ bản, chẳng khác nào ngục tù”.
“Phong trào” những bà mẹ công khai thừa nhận mình hối tiếc vì có con
Vẫn là chuyện kiêng kị lớn khi thừa nhận những vấn đề như thế này. Nhưng có một nhóm các bà mẹ trên khắp thế giới, ngày càng đông, ngày càng lớn, đã thú nhận niềm hối tiếc của họ khi quyết định có con. Ngày qua ngày, khi họ thay tã cho con, đẩy mình đến các buổi tập luyện bóng đá của con và giúp con làm hồ sơ vào đại học, họ luôn mơ tưởng về một cuộc sống không gánh nặng bởi những người phụ thuộc vào mình và hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi nhu cầu của người khác. Một cơ hội được làm lại cuộc đời lần thứ hai.
Xu hướng này có lẽ bắt nguồn từ 10 năm trước khi Corinne Maier, một nhà phân tâm học kiêm nhà văn người Pháp và mẹ 2 đứa trẻ sống ở Brussels, đã viết rất cởi mở về niềm hối tiếc của chính mình trong cuốn sách “No Kids: 40 reasons not to have children” (tạm dịch: Không con cái: 40 lý do không nên có con). Cuốn sách được độc giả mô tả là “một biểu hiện ích kỷ và cần tẩy rửa” và “tạo cảm giác khó chịu đáng ghê tởm”.
Ngày càng nhiều bà mẹ thú nhận rằng mình ước giá không bao giờ có con.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ, từ chỗ rụt rè, ngại ngùng tới táo bạo, liều lĩnh hoặc cả hai, dần lên tiếng. Ở Anh, Isabella Dutton, 60 tuổi, tuyên bố trên tờ Daily Mail vào năm 2013 rằng, có 2 con là tiếc nuối lớn nhất đời bà, dù bà luôn hết lòng chăm sóc và yêu thương các con. Bà nói: “Tôi biết cuộc đời tôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều, trọn vẹn hơn nhiều nếu không có con”. Ở Đức, tiểu thuyết gia Sarah Fischer, cũng đã làm rõ ý tưởng rằng, làm mẹ là một trải nghiệm thực sự khủng khiếp khi so sánh với trải nghiệm tách biệt của nhiều ông bố.
Không có gì ngạc nhiên, phong trào này đã dành được sự quan tâm đặc biệt trên Internet, trong những phòng chat ẩn danh và trên các bảng tin ngầm. Có những hội nhóm thứ cấp trên Quora và Reddit – thậm chí cả một nhóm trên Facebook mang tên “I regret having children” (Tôi hối tiếc vì đã có con), trong đó, các bà mẹ chia sẻ những thông điệp thống thiết về nỗi hổ thẹn, sự thất vọng và sợ hãi của mình.
“Tôi ước tôi chưa từng có con. Tôi nhận thấy mình không thuộc tuýp làm mẹ nổi và tôi sợ hãi khi nghĩ tôi sẽ phải ép mình quan tâm tới chuyện đó như thế nào”, một người ẩn danh viết.
Làm mẹ là một trải nghiệm thực sự khủng khiếp khi so sánh với trải nghiệm tách biệt của nhiều ông bố (Ảnh minh họa).
Đôi khi, nỗi sợ hãi đó là cảm nhận về một cơ hội đã bỏ lỡ. Ananya, cây bút tự do 38 tuổi, người phân chia thời gian của mình giữa Mỹ và Singapore, viết: “Liệu tôi có viết được cuốn sách thứ hai và cuốn sách thứ ba? Liệu tôi có thể không ngừng di chuyển để theo đuổi câu chuyện khó nắm bắt đó? Tôi cảm thấy việc làm mẹ đã làm giảm nhịp bước của tôi rất nhiều”. Ananya ghen tỵ với những bạn bè tự do của mình không phải vì những kỳ nghỉ và những giấc ngủ tuỳ thích mà vì thời gian và không gian mà họ phải suy nghĩ.
“Tôi phải lưu trữ rất nhiều dữ kiện trong đầu”, Ananya nói về việc liên tục phải nắm rõ mọi chi tiết liên quan tới con nhỏ: lịch hẹn bác sĩ, chiều cao, cân nặng, lần dị ứng mới nhất, đồ chơi con thích, thực phẩm con sẽ ăn. “Tôi khao khát một cuộc sống không bị hành hạ về thần kinh thế này”, cô lý giải.
Tất nhiên, không phải mọi bà mẹ đều tự quyết định khi nào mình sẽ làm mẹ. Carrie, một phụ nữ Mỹ sống tại Mexico, kết hôn năm 22 tuổi và có thai khi cô đang dùng thuốc tránh thai. “Tôi đã suy sụp”, cô bộc bạch. “Nói về quãng thời gian đó và cảm nhận của tôi, đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy thật khó khăn. Tôi muốn vào đại học, tôi muốn du lịch và nhiều thứ nữa mà cuộc đời tôi có thể tận hưởng trước khi có con”. Carrie chịu áp lực từ mẹ chồng, từ những thành viên khác trong gia đình, phải giữ đứa trẻ, bất chấp việc cô mong muốn được phá thai và sau đó là nhận con nuôi.
Carrie và chồng ly hôn không lâu sau khi cô sinh con. Cô một mình nuôi nấng con gái từ đó. Đột nhiên, cô là người chăm sóc duy nhất cho một đứa trẻ mà ban đầu, cô không hề muốn có sự tồn tại của em bé đó.
Carrie mô tả thời gian đầu làm mẹ của mình là đầy oán giận và vị kỷ. “Tôi muốn nói tôi đã cố gắng hết sức mình nhưng sự thật không phải như vậy”, cô thú nhận. “Con gái tôi bị bỏ mặc cho tự lớn lên theo nhiều cách khác nhau. Tôi luôn nói, con bé đã làm được, đã thành công không phải vì tôi mà thành công bất chấp có tôi”.
Giờ đã 46 tuổi và làm mẹ của một cô gái 22 tuổi, Carrie hồi tưởng lại con đường mình đã qua với sự rõ nét đang phai mờ. “Tôi không hối tiếc vì con bé nhưng tôi hối tiếc thực tế là tôi không bao giờ nên trở thành mẹ”, cô nói. “Thời gian và các liệu pháp điều trị có thể giúp ích cho Carrie, nhưng cô vẫn đau đáu chuyện lẽ ra mọi thứ đã khác.
Những người mẹ bị cả xã hội lên án
Những thú nhận đáng kinh ngạc trên đã gây nên không ít phản ứng tiêu cực trong cộng đồng. Phản hồi câu chuyện của Dutton trên tờ Daily Mail, một vài người tỏ rõ thái độ thù địch. “Đúng là một người đàn bà ích kỷ, máu lạnh”; “Sao lại có một sinh vật xấu xa đến thế tồn tại trên đời?”. Một số thẳng thừng kết tội những bà mẹ này phạm tội bạo hành trẻ em khi dám thốt lên những điều ghê tởm như vậy.
Bất chấp thực tế chúng ta đã chính thức bước vào kỷ nguyên ghi chép-chia sẻ quá đà bất cứ thứ gì và mọi thứ trên mạng xã hội, vẫn có những điều mà phụ nữ bị mặc định rằng không nên cảm thấy như thế và nhất là không nên thảo luận công khai như thế. Hối tiếc vì đã làm mẹ, cho tới nay, vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhất.
Hối tiếc vì đã làm mẹ, cho tới nay, vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhất (Ảnh minh họa).
Khi tác giả Ayelet Waldman tuyên bố trên tờ New York Times năm 2005 rằng, cô yêu chồng mình hơn 4 đứa con, cô nhanh chóng bị vùi dập, bị mỉa mai. Nhưng việc Waldman khuấy động tranh cãi là vì mục đích diễn tả một trong những thất bại cơ bản nhất của những bà mẹ hối tiếc đã có con, và thậm chí cả những người không hối tiếc: đó là làm mẹ nên là lựa chọn chính yếu của bạn, vượt lên trên những lựa chọn “mình sẽ trở thành…” khác.
Liệu chúng ta có mong chờ điều tương tự ở đàn ông? Tất nhiên là không. Những người cha, thường được vỗ vai khích lệ vì đã quyết định làm cha. Với các bà mẹ, người ta đơn giản trông chờ bạn sẽ là một người chăm sóc nhiệt tình, tận tuỵ và không hề có lời khen khi bạn làm được như vậy. Chưa kể kỹ năng làm mẹ của bạn luôn bị người khác bình phẩm, đánh giá. Theo một nghiên cứu mới đây, 48% các bà mẹ được hỏi cho biết, họ bị người lạ nhận xét này nọ trong khi con số này ở phía các ông bố chỉ là 24%.
Avital Norman Nathman, biên tập viên cuốn sách “The good mother myth: Redefining motherhood to fit reality”, viết: “Những bà mẹ ngày nay quan tâm tới việc gia đình như những bà mẹ của thập niên 50 thế kỷ trước, đồng thời lại kết hợp phong thái của những bà mẹ chuyên tâm sự nghiệp của thập niên 80. Ở thời nào, phụ nữ luôn được kỳ vọng phải là một người mẹ tốt. Bởi thế, thật khó cho phụ nữ khi thổ lộ những trải nghiệm kinh khủng của họ, từ việc mang thai nhiều rủi ro tới việc sinh nở đau đớn. Làm thế là bạn đi ngược lại với hình tượng một người mẹ tràn đầy yêu thương và luôn toả sáng. Những cảm xúc thực sự không còn đất sống”.
Với Laura, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn khi con trai cô khôn lớn nhưng Laura vẫn tin rằng, cô đã có lựa chọn sai lầm. Cô cũng cởi mở với chồng về nỗi hối tiếc của mình và được chồng hỗ trợ nhiều hơn trong việc chăm sóc con. Nhưng việc đó cũng chẳng khiến cuộc sống thường này của cô, cảm nhận của cô về cuộc đời mà cô đang bị giam cầm trong đó dễ chịu hơn.