Sự thật đằng sau điều kỳ lạ về những em bé mới sinh có thể khiến cha mẹ lo lắng
Các em bé mới sinh có những biểu hiện khá bất thường khiến cha mẹ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ hoảng sợ muốn đưa đi thăm khám ngay. Nhưng sự thật không hoàn toàn đáng lo như thế.
Khi có con, bạn thường chọn việc đọc sách hoặc tham dự các lớp học dành cho những người sắp làm cha mẹ để bổ sung kiến thức cho mình trước khi chào đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những điều mới mẻ về các em bé mới sinh còn quá nhiều và quá bất ngờ so với sự chuẩn bị trước của các bậc cha mẹ và khiến nhiều phụ huynh trở nên hoang mang và lo lắng. Dưới đây là 5 đặc điểm bình thường ở các em bé mới sinh mà có thể các cha mẹ mới lại không hề hay biết.
1. Phân của em bé chuyển biến với nhiều màu sắc
Trong những tuần đầu, phân của trẻ sơ sinh lỏng là một điều bình thường và các bậc cha mẹ không cần lo lắng (Ảnh mimh họa)
Một trong những điều đầu tiên mà những người mới làm cha mẹ không biết rõ là phân của em bé. Khi trẻ sơ sinh được sinh ra, phân của chúng thường có màu vàng, hơi ngả màu xanh lá hoặc nâu và hơi ướt. Nó cũng có thể lỏng hoặc rắn hơn hay đôi khi có vài đốm trắng. Đó không phải là dấu hiệu của việc trẻ bị tiêu chảy mà là do vấn đề tiêu hóa của trẻ. Các chuyên gia chỉ ra rằng, vấn đề nghiêm trọng hơn khi phân của trẻ không có màu, phân có màu trắng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan nên bạn cần phải đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu như thấy vấn đề trên lặp lại nhiều lần.
2. Xuất hiện một số u cục hay những chỗ sưng phồng trên cơ thể
Ban đầu, cơ thể của trẻ sơ sinh có thể có những u cục do tác động của hoócmon trong cơ thể mẹ, nhưng chúng sẽ dần co lại trong vài tuần (Ảnh minh họa)
Khi ở trong bụng mẹ, em bé nhận được các kích tố đặc trưng tạo nên một số đặc thù của cơ thể trong những ngày đầu. Cả bé trai và gái đều có thể có vú to hoặc những cục u dưới núm vú. Điều này thì khá là phổ biến do tác dụng phụ lành tính của một loại hoócmon sản xuất sữa ở cơ thể mẹ. Các mô vú ở trẻ sẽ co lại trong vòng vài tuần. Các loại hoócmon này cũng có thể làm cho cơ thể của các bé trai trông hơi khác lạ khi sinh, nhưng sự sưng phồng này sẽ giảm dần trong 24-48 giờ. Đối với các bé gái, sự gia tăng của estrogen trong tử cung của mẹ có thể kích thích tử cung của em bé và ở một thời điểm ngắn trong tuần đầu tiên khi được sinh ra có thể xuất hiện một chút máu trong tã.
Cả bé trai và gái đều có thể có những tinh thể màu đỏ trong tã trong những ngày đầu tiên, đó là do các tinh thể axit uric. Điều này có thể gây ra nỗi lo lắng đầu tiên dành cho các bậc cha mẹ nhưng đó không phải là máu. Tinh thể axit uric là sự kết hợp giữa canxi và urat đậm đặc, hai chất vô cùng phổ biến trong nước tiểu, và đây cùng có thể là dấu hiệu của việc mất nước nhẹ, hãy chú ý trong ba ngày đầu tiên, nếu qua ba ngày tình trạng trên vẫn còn diễn ra, hãy tiến hành kiểm tra thật kỹ càng.
3. Tiếng thở không đều
Từ lúc sinh ra cho đến khoảng 1 tháng tuổi, trẻ có thể có những biểu hiện thở không đồng đều (Ảnh minh họa)
Thông thường, trẻ sơ sinh ngủ rất ngoan và yên lặng, tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ ngủ với hơi thở bất thường có thể khiến cho cha mẹ lo lắng. Các chuyên gia về giấc ngủ của trẻ cũng chia sẻ rằng, mọi việc vẫn là bình thường nếu như trẻ không có bất kỳ biểu hiện khó chịu nào về việc ngủ. Kể cả thức hoặc ngủ, trẻ sơ sinh vẫn có những biểu hiện hơi thở bất thường trong nhiều tháng đầu cho đến khi hệ thần kinh được phát triển đầy đủ.
Các biểu hiện thường thấy có thể là thở nhanh, thở nông, thở sâu hoặc có thể tạm dừng đến 10 giây. Vậy, khi nào thì thực sự cần quan tâm? Nếu như mũi của em bé phồng lên, hơi thở khò khè hoặc xương sườn lộ rõ theo nhịp thở thì có thể em bé đang gặp khó khăn trong việc hít oxy.
4. Phản xạ đột ngột
Phản xạ Moro, phản xạ nắm chặt tay chân là hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh không hoạt động nhiều nhưng lại có rất nhiều phản xạ. Đáng chú ý nhất là phản xạ Moro - phản xạ cơ thể do bị kích động đột ngột - có thể khiến cha mẹ nhầm lẫn với bệnh động kinh. Phản xạ này có thể xuất hiện khi trẻ nghe thấy một âm thanh lớn hoặc có người chạm vào. Trẻ cũng có thể có phản xạ nắm tay mỗi khi bạn chạm vào và có thể là xuất hiện ở cả chân. Tuy nhiên, các phản xạ này cũng sẽ nhanh chóng giảm dần và thường biến mất vào cuối tháng thứ ba.
5. Da bong tróc, lốm đốm mụn trắng
Da của trẻ sơ sinh có thể xuất hiện những nốt mụn lốm đốm trắng và nó không có gì nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Da ở các ngón tay và chân bị bong tróc, phát ban hay mụn trứng cá là những dấu hiệu thường hay xuất hiện ở đa số trẻ sơ sinh. Thông thường, những tình trạng này sẽ tự mất đi theo thời gian mặc dù bạn có thể can thiệp bằng cách sử dụng bàn chải nhẹ để loại bỏ phần da bị bong tróc. Giữ ẩm cho da của trẻ cũng là một sự lựa chọn thông minh trong trường hợp này, những loại dầu chiết xuất từ tự nhiên như dầu ôliu, dầu dừa rất thích hợp để làm dịu da khô. Massage với những dưỡng chất này có thể tốt cho cả mẹ và bé.