Sản phụ đi lại sớm sau khi sinh có bị sa sinh dục?

Theo Phụ nữ online,
Chia sẻ

Tôi vừa mới sinh con đầu lòng nên mẹ chồng rất cưng chiều, sợ tôi đi lại nhiều sẽ bị sa sinh dục mẹ bắt tôi nằm một chỗ; cơm bưng, nước rót tận giường.

Từ lúc sinh đến nay đã được nửa tháng nhưng tôi chưa được tắm. Bà chỉ cho tôi ăn thịt hoặc cá kho khô, và còn bắt tôi nằm lửa than để sau này không mắc bệnh. Xin bác sĩ cho biết cách chăm sóc sản phụ như vậy có đúng hay không?

Võ Lệ Hà (Q.1, TP.HCM)


Sản phụ đi lại sớm sau khi sinh có bị sa sinh dục? 1

Trả lời:

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM trả lời:

Cách chăm sóc của mẹ chồng bạn có nhiều chỗ mà các bác sĩ hiện nay không khuyến khích.

Nhiều người sợ vận động quá sớm sẽ dẫn đến sa sinh dục. Tuy nhiên, sa sinh dục chỉ xảy ra khi lao động quá sớm như một số công nhân ở các công ty cao su phải đi làm sớm, hoặc làm các công việc gồng gánh quá nặng. Không cần kiêng đi lại trong nhà, ngoài sân hoặc làm các công việc nhẹ nhàng, bởi nếu nằm quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vì sản dịch không chảy ra được nhiều, lại dễ bị máu đông trong lòng mạch làm viêm tắc tĩnh mạch.

Nếu mệt mỏi, có thể xoa bóp tay chân, bụng, lưng. Việc đi lại, tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp nhanh chóng lấy lại vóc dáng ban đầu mà còn giúp phục hồi thần kinh, tăng sức đàn hồi của cơ bụng, thúc đẩy sự co rút của tử cung và cơ tầng sinh môn, tăng sự tuần hoàn máu làm tiêu tan sự đau mỏi của cơ thể.

Chăm sóc cơ thể sản phụ đúng để được sức khỏe tốt là cần tắm rửa mỗi ngày, quần áo giặt phải được phơi ra ánh nắng mặt trời; thay băng vệ sinh thường xuyên, ít nhất sáu giờ/lần; quan sát sản dịch xem có ra được nhiều không, màu gì, có hôi không. Sản phụ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Nên cho trẻ bú sớm vì khi bé nút vú mẹ, sữa sẽ ra nhiều hơn, sữa non sẽ giúp tiêu hóa của bé tốt hơn, ngoài ra, tử cung cũng sẽ co hồi nhanh hơn. Khi cho bú, nên ngồi dậy vì cũng giúp sản dịch chảy ra dễ hơn. Sữa mẹ chứa nhiều chất béo, cho bú sớm giúp mẹ nhanh thon gọn cơ thể hơn.

Sản phụ nên ăn đủ chất; ngoài cơm cần có rau xanh, trái cây tươi để giúp tiêu hóa và thêm vitamin. Cần uống nhiều nước để tránh táo bón, đồng thời tiết được nhiều sữa cho con. Tránh ăn quá mặn như cá hoặc thịt kho quẹt.

Nếu có cắt khâu tầng sinh môn, vết khâu thường đau từ 10-15 ngày. Cần giữ vết khâu được khô, sạch. Nếu đau nhiều, có thể hơ đèn làm ấm vết khâu giúp mau lành hơn, hoặc có thể sử dụng thuốc đặt vào trực tràng để giảm đau, nhưng cần có ý kiến của bác sĩ.

Phòng ngủ không nên che chắn quá kỹ, không có ánh nắng mặt trời. Bạn nên tránh nằm lửa than, rất có hại vì có thể gây bỏng cho bé. Ngoài ra, lửa than có nhiều khí CO, kết hợp với hemoglobin trong hồng cầu thành methemoglobin, một hợp chất bền, sẽ không nhả khí O2 khi máu lưu thông đến các cơ quan.
Chia sẻ