Sai lầm trầm trọng khi mẹ bầu đua nhau uống nước dừa

K.Chi,
Chia sẻ

Người Việt có thói quen khi mang thai sẽ cố gắng uống thật nhiều nước dừa để giúp nước ối tốt, trong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là quan niệm sai lầm.

Quan niệm uống nước dừa để tăng ối

Tại Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8-2020, PGS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết từ trước tới nay bà mẹ Việt khi có bầu ai cũng cố uống thật nhiều nước dừa. Đặc biệt, những mẹ bầu đi siêu âm bị thiểu ối, ối đục là về uống thật nhiều nước dừa, PGS Ánh cho biết nó không có tác dụng gì.

Sai lầm trầm trọng khi mẹ bầu đua nhau uống nước dừa - Ảnh 1.

Mẹ bầu uống nước dừa có tốt không?

Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Khi nước ối trong là dấu hiệu thai nhi phát triển ổn định và tử cung người mẹ khỏe mạnh.

PGS Ánh cho biết thực chất nước dừa có màu trong giống nước ối nên mọi người nghĩ uống nước dừa sẽ bù ối, ối trong. Nếu những sản phụ nước ối bình thường và coi như một cách uống nước thay cho nước lọc, nước trà thì hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu thiếu nước ối mà mẹ bầu truyền nhau uống nước dừa sẽ tăng lượng nước ối là không đúng.

Ngoài ra, khi siêu âm có tình trạng thiểu ối, bà mẹ truyền đạm, truyền dịch để bù ối cũng chỉ mang tính chất tâm lý và không có tác dụng cải thiện dung dịch ối trong buồng ối.

PGS Ánh cho biết khi bị thiểu ối, cách tốt nhất là truyền ối nhưng chỉ những bệnh viện có thể can thiệp vào buồng tử cung mới thực hiện được.

Truyền ối như thế nào?

Truyền ối vào tử cung, BV Phụ sản Hà Nội là  đơn vị đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.

Sau khi siêu âm chẩn đoán mức độ nếu thiểu ối nặng bác sĩ sẽ xem xét và có chỉ định. Hiện nay, nguyên nhân thiểu ối, chưa rõ.

Hậu quả của thiểu ối: nước ối giảm có hậu quả ghi nhận rõ nhất là phát triển phổi của thai nhi. Những trường hợp thiểu ối rõ ràng nằm trong buồng tử cung có thể dẫn đến cứng khớp. Thiểu ối giảm nữa tử cung bóp vào thai nhi ảnh hưởng tuần hoàn dây rốn có thể gây lưu thai. Ngoài ra rất nhiều bệnh lý khác dẫn tới thiểu ối, tiêu hoá thai cũng có vấn đề.

Việc truyền ối đã được áp dụng, người ta hay gọi là truyền ối nhân tạo. Tuy nhiên, PGS Ánh nhấn mạnh bản chất không có nước ối nhân tạo, chưa ai sản xuất nước ối nhưng chúng ta có thể đưa dịch đẳng chương vô khuẩn làm tăng thể tích nước trong buồng ối.

Từ 1982, bác sĩ Nhật Bản đã làm và có hiệu quả. Từ đó đến nay các bác sĩ sản phụ khoa trên thế giới nếu có can thiệp vào buồng tử cung họ cũng thực hiện. Còn ở Việt Nam phương pháp này rất mới và hiện đã có 1, 2 đơn vị thực hiện.

PGS Ánh chia sẻ, có trường hợp mang thai 26 tuần, vỡ tử cung, bung màng ối, vết vỡ tử cung trên hình thái tử cung dị dạng, tử cung đôi. Đường vỡ khoảng 2cm đường kính, không có chảy máu nên bác sĩ quyết định bảo tồn được và truyền ối. May mắn trường hợp này vết vỡ ối không ở đường dưới tử cung nên nước ối không ra ngay.

Nếu mổ ra bỏ thai thì sản phụ lo lắng và bác sĩ cũng đắn đo về cơ hội có thai tiếp lần sau của bệnh nhân. Vì vậy bác sĩ quyết định truyền ối và giữ được thai nhi tới 31,5 tuần, bé sinh ra được 1.7 kg và đã nuôi được.

Việc truyền ối cũng chống chỉ định cho thai quá nhỏ, nguy cơ đẻ non cao, thai kích thích thêm gây đẻ non. Sản phụ có tình trạng nhiễm trùng cũng không nên làm vì có thể tăng tình trạng nhiễm trùng.

Khi truyền ối vào buồng tử cung, bác sĩ cũng phải khéo léo. Đặc biệt khó là khi thực hiện kỹ thuật này thai nhi vẫn cử động nên quá trình định hướng ban đầu bị thay đổi đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn giỏi, biết linh động trong quá trình can thiệp bằng kinh nghiệm khéo léo để sao cho vừa can thiệp điều trị khỏi bệnh cho thai nhi vừa đảm bảo cho thai phát triển tốt, mà vẫn phải đảm bảo tử cung còn nguyên vẹn không gây cơn co, không gây sẩy thai hay đẻ non…

PGS Ánh chia sẻ nhiều ca bác sĩ cũng toát mồ hôi, làm sao phải lách kim vào khe để bơm ối vào. Tuy nhiên, khi truyền ối vào đầy nhìn thấy rõ thai nhi cử động thoải mái, vẫy đạp trong buồng ối.

Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội báo cáo 25 ca truyền ối thành công. Cả 25 ca này có 2 trường hợp thai 18 tuần. Có trường hợp 1 thai, có trường hợp song thai. 17 trường hợp thai từ 18 đến 28 tuần. Khi thực hiện, có trường hợp truyền 2,3 lần.

Có trường hợp sản phụ truyền 3 lần là sản phụ tuần 17, 23 và 31 và giữ cho thai nhi đến 39 tuần. Lúc đầu thai phụ tới bệnh viện ai cũng nghĩ chẳng còn cách nào cứu nhưng cuối cùng đã thanh công thai nhi sinh ra 2,7 kg. Khi thai nhi ở tuần 33, nặng 2 kg nhưng bác sĩ đã không mổ đẻ mà quyết truyền ối để giữ tới 39 tuần. Bởi vì với cháu sinh non dù 2 kg nuôi sơ sinh cũng được nhưng chăm sóc trẻ non tháng rất khó khăn, phát sinh nhiều nguy cơ nên giữ đến 39 tuần. Thay vì mổ đẻ non thì truyền ối là cách mang lại hiệu quả nhất.

Chia sẻ