Sai lầm ngớ ngẩn nhất người lần đầu làm mẹ dễ mắc phải
Rất nhiều bà mẹ, đặc biệt những người lần đầu làm mẹ, vì quá lo lắng cho thiên thần bé nhỏ của mình mà khi con ngủ đã chẳng thể chợp mắt, chỉ nằm nghĩ ngợi rồi làm đủ thứ việc.
Đêm qua, tôi đã đưa con đi ngủ vào lúc 10 giờ tối. Lúc đó, lẽ ra tôi đã có thể thực hành câu "mẹ ngủ khi con ngủ". Nhưng đã từ lâu, tôi coi việc này là ngớ ngẩn và thường tận dụng khoảng thời gian con ngủ để giặt quần áo, nấu nướng, trả hóa đơn tiền điện - tất cả những thứ gì cần thiết để giúp duy trì chức năng hoạt động bình thường của một hộ gia đình.
Thay vào đó, nếu không quá mệt, tôi lại bật máy tính. Tôi có một vài việc phải hoàn thành vì hạn nộp đã cận kề. Sau khi kết thúc mọi việc, tôi nhìn vào đồng hồ - 11h15 phút. Chắc chắn con sẽ tỉnh giấc lúc nửa đêm, do đó, thay vì lên giường đi ngủ với ông xã, tôi lại dắt cún cưng đi dạo lượt cuối cùng trong ngày.
Vài phút sau, tôi trở lại nhà. Cánh cửa sập, gây ra tiếng ồn lớn hơn so với tôi tưởng. "Chắc chắn con sẽ dậy cho mà xem", tôi nghĩ thế. Nhưng không phải vậy. "Chà, gần như chắc chắn là con sẽ tỉnh sớm thôi. Chắc vài phút nữa". Tôi ngồi trên ghế sofa, lướt Facebook và chờ đợi. Cứ thế chờ đợi. Đã 12 giờ 30 phút. Vẫn không có gì xảy ra.
Tôi thường tận dụng khoảng thời gian con ngủ để giặt quần áo, nấu nướng, trả hóa đơn tiền điện... (Ảnh minh họa)
Tôi đi vào phòng tắm và tiêu tốn thời gian trong đó. Đúng lúc tôi đắp mặt thì con bắt đầu khóc. 30 phút nữa trôi qua. Lúc này, tôi đã cảm thấy vô cùng rã rời nhưng lại cố cưỡng lại thôi thúc đi ngủ vì sợ con sẽ tỉnh giấc.
Thay vì chìm vào giấc ngủ, tôi quyết định xem một tập phim trên mạng. Vì lo sợ bầu sữa của mình sẽ "biểu tình", tôi bắt đầu hút sữa. Tiếng ro ro của máy hút sữa khiến tôi tưởng như mình đang nghe có tiếng khóc mơ hồ và tôi đã tắt máy đi, cứ vài phút một lần, để chờ đợi tiếng khóc giục giã không thể tránh khỏi của con gái.
Đó cũng là lúc tôi bắt đầu trở nên căng thẳng khi không thấy con tỉnh giấc: "Việc này không bình thường chút nào. Có thể con bé không thở được". Tôi thì cứ ngồi đó, vặn ngón tay, xem chương trình giải trí mà người ta đã chấm dứt bàn luận về nó từ vài tuần trước. Tôi lao vào phòng ngủ của con, mở cửa với sự im lặng và chính xác như ninja và dò dẫm từng bước chậm chạp trong bóng tối…
Sau khi nhìm chằm chằm vào phần bụng vừa mới nhấp nhô của con trong 90 giây, tôi đi tới kết luận rằng, con vẫn đang hít vào thở ra. Tôi cẩn trọng rời khỏi phòng và nhìn đồng hồ. Lúc này là 3 giờ 7 phút sáng.
Giấc ngủ bị ngắt quãng có thể gây hại về mặt thể chất ngang với mất ngủ hoàn toàn (Ảnh minh họa).
Cuối cùng, tôi cũng lên giường nhưng 2 tiếng sau đó, tôi dành để tham gia một trò chơi trong tâm trí, theo đó, tôi phải cân nhắc giữa việc đi ngủ trước khi phải dậy, bắt đầu 1 ngày quần quật vào sáng hôm sau hay thức chờ con tỉnh giấc bất cứ lúc nào trong đêm…
Rốt cuộc, vào khoảng 5 giờ sáng, tôi ngừng gửi những thư trả lời điện tử trong lúc thèm ngủ da diết từ điện thoại của mình và díp mắt lại. Sau đó, chưa đầy 20 phút, như thể một luồng điện giật, tiếng con gái tỉnh dậy sau 1 trận việt dã, thay cho tiếng chuông đồng hồ, đã đánh thức tôi.
Con yêu bé bỏng của tôi đã làm được. Con đã ngủ xuyên đêm. Chỉ có tôi là không. Và sau từng đó đêm thức ngủ cùng con, tôi học được rằng, ngủ cách quãng 1-2 tiếng gần như tệ hại chẳng kém việc không ngủ chút nào. Theo một nghiên cứu công bố năm ngoái, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng, giấc ngủ bị ngắt quãng có thể gây hại về mặt thể chất ngang với mất ngủ hoàn toàn.
Vậy, đúc kết bài học cho tất cả những người lần đầu làm mẹ là gì? Hãy ngủ khi con ngủ, thay vì lo lắng con sẽ tỉnh giấc hay lướt facebook, ôm điện thoại...
Vài nét về tác giả:
Kate Schweitzer là biên tập viên PopSugar. Trước đó, cô từng làm biên tập cao cấp của tạp chí Marie Claire. Cô đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm báo.