Rửa mặt dưới vòi hoa sen theo kiểu này là hỏng rồi...
Nhiều người kết hợp rửa mặt dưới vòi hoa sen trong lúc tắm để tiết kiệm thời gian, nào ngờ lợi bất cập hại!
Hình ảnh những anh chàng, cô nàng ca hát nghêu ngao dưới vòi hoa sen xuất hiện nhan nhản trong các bộ phim. Đôi khi vì quá bận rộn, cần tranh thủ thời gian hoặc vì... lười mà người ta kết hợp việc tắm và rửa mặt cùng lúc. Vậy bạn có biết rằng thao tác tưởng như vô hại này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ bất lợi cho da của mình?
1. Mụn "biểu tình"
Nhiều người có thói quen tắm nước với mức nhiệt cao hơn so với nước để rửa mặt. Khi kết hợp cả tắm và rửa mặt dưới vòi hoa sen, nước nóng sẽ làm mất lớp dầu tự nhiên cần thiết duy trì độ ẩm của da. Nhiệt độ nước quá cao cũng sẽ khiến da mặt ngày càng khô hơn.
Abigail James, chuyên gia chăm sóc da mặt tại London cho biết: "Thường xuyên dùng nước quá nóng đối với da là không tốt. Nếu đó là một hoặc hai lần một tuần thì không sao nhưng không phải hàng ngày. Vì vậy nếu có thể hãy thử tắm nước lạnh".
2. Khiến da không đều màu
Việc rửa mặt dưới vòi hoa sen có thể khiến da bạn ửng đỏ. Nước nóng khiến các mạch máu trên mặt giãn ra, có thể làm hỏng các mao mạch vốn dĩ đã rất mỏng manh trên má. Càng để da tiếp xúc với nước nóng lâu, da càng có nguy cơ khô và kích ứng nhiều hơn. Độ ẩm tự nhiên như ceramides, axit béo và dầu giúp da căng mọng, hồng hào có thể bị hòa tan trong nước. Bởi vậy nên tránh tắm dưới vòi sen nước nóng, đặc biệt là trong những tháng mùa hanh khô khi da dễ bị tổn thương, khô và kích ứng.
Da ửng đỏ, kém đều màu
3. Nếp nhăn thêm chằng chịt
Không khó để nhận ra da tay sẽ nhăn nhúm thế nào sau khi tiếp xúc với nước nóng. Điều này xảy ra vì nước nóng lấy đi độ ẩm trên da và làm hỏng lớp hàng rào bảo vệ da giúp khóa ẩm. Điều tương tự cũng xảy ra với da mặt. Chẳng những vậy, áp lực vòi sen công suất lớn còn khiến da chảy xệ hơn, cộng với nhiệt độ cao của nước thì quả là combo thảm hoạ!
Da ngày càng nhăn nheo
"Điều độ là điều quan trọng nhất!", Abigail nói. "Rửa một hoặc hai lần mỗi ngày bằng nước ấm chỉ trong vài phút vì nước nóng có thể làm da mất nước, lấy đi lớp dầu tự nhiên của da".
4. Khiến da bị ngứa, thêm nhạy cảm
Không chỉ khiến da mất nước và bong tróc, khô và thêm phần nhạy cảm, nước nóng còn làm da thêm ngứa và luôn có cảm giác châm chích vô cùng khó chịu. Điều cần làm là tránh xối nước nóng trực tiếp vào mặt trong những tháng hanh, khô của mùa đông. Sau khi tắm nước nóng, bạn có thể rửa mặt qua bằng nước lạnh để các lỗ chân lông co lại, tránh tình trạng mất nước và da mặt căng tức.
Tình trạng da trở nên nhạy cảm sau khi rửa mặt bằng nước nóng thường xuyên là điều dễ thấy
Bác sĩ da liễu Patricia Farris (Mỹ) khẳng định: "Rửa mặt dưới vòi hoa sen giúp loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn, lớp trang điểm, cặn bẩn và ô nhiễm giống như ở những nơi khác. Không có bằng chứng nào cho thấy rửa mặt dưới vòi hoa sen gây ra mụn. Tuy nhiên hãy giữ nhiệt độ nước ở mức bình thường để tránh làm hại da".
Lưu ý khi rửa mặt bằng nước ấm
- Da nhạy cảm, ửng đỏ, da mụn… nên dùng nhiệt độ 32 độ, thấp hơn so với tình trạng da bình thường là 34 độ.
- Với các loại da nhạy cảm, khô và hay bong tróc, có thể dùng nước ấm nhưng phải chọn nhiệt độ thấp và không rửa quá 1 lần bằng nước ấm trong ngày. Tốt nhất là rửa nước ấm vào buổi tối.
- Da hỗn hợp có thể dùng nước ấm ở nhiệt độ cao hơn da nhạy cảm và rửa mặt 2 lần một ngày, sáng và tối.
- Với da nhờn, có thể dùng nước ấm ở nhiệt độ khoảng 33 độ C, một ngày có thể rửa 2 lần sáng và tối. Nước ấm giúp đẩy các chất nhờn, bụi bẩn nằm sâu trong da và các lỗ chân lông.
Ảnh: Sưu tầm