Rèn thói quen ngủ cho con: Bé sẽ có giấc ngủ ngon và sâu hơn nếu bố mẹ biết 10 điều này
Tất cả các bậc cha mẹ đều biết rằng trẻ vui vẻ và ngoan ngoãn hơn khi được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là trẻ thích đi ngủ hoặc thích thú việc ở trên giường suốt đêm.
Nói chung trẻ em có hai vấn đề chính về giấc ngủ. Đó là không muốn đi ngủ ngay từ đầu hoặc sau đó thức dậy vào nửa đêm. Trong trường hợp đầu, một số trẻ không muốn đi ngủ vì việc ở một mình trong bóng tối có thể mang lại cảm giác lo lắng về sự chia ly. Tâm trí của một số trẻ hoạt động tích cực và các bé có thể khó chuyển sang trạng thái thư giãn. Trẻ em có nhiều chu kỳ ngủ nông hơn người lớn và chưa hiểu được rằng không phải lúc nào tỉnh dậy sau một chu kỳ cũng là lúc thức dậy, vì vậy bé cần học cách ổn định tâm trí và ngủ tiếp.
Rèn cho trẻ thói quen ngủ tốt là một trong những thử thách khó khăn nhất trong công cuộc nuôi dạy con cái nhưng nếu thành công thì điều này có thể tạo ra một trong những khác biệt tích cực nhất cho cuộc sống gia đình của bạn. Vậy hãy xem bạn có thể giúp gì cho bé rèn thói quen ngủ lành mạnh và được tròn giấc trên giường.
Dưới đây là những điều mà tác giả Tanith Carey chia sẻ trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại), hy vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ.
10 nguyên tắc bố mẹ nên biết
1. Phát hiện vấn đề
Đếm xem con bạn ngủ bao nhiêu giờ trong một tuần. Tìm lý do tại sao con không muốn đi ngủ. Bé thiếu thời gian bên bạn? Bé có ngủ trưa quá nhiều? Hãy giải quyết từng vấn đề một.
2. Lập kế hoạch
Nhất quán là chìa khóa, vì vậy hãy vạch ra một kế hoạch mà bạn và gia đình có thể thực hiện lâu dài. Chọn khắc phục từng vấn đề một - chẳng hạn như cho con đi ngủ mà không tốn quá nhiều thời gian hoặc giúp con nằm trên giường cả đêm. Mỗi thay đổi có thể mất đến hai tuần.
3. Thể hiện sự thống nhất
Bất đồng về cách thức và thời gian đưa trẻ đi ngủ có thể gây căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình và tiêu tốn thời gian quý báu của người lớn. Nếu nhận được nhiều chỉ đạo mâu thuẫn nhau, con có thể lợi dụng các bên đối đầu nhau hòng làm được theo ý mình.
4. Biến giờ đi ngủ trở nên đặc biệt
Đừng bao giờ dọa đuổi con đi ngủ và coi đó như một hình phạt. Hãy nhắc giờ đi ngủ như là thời gian đặc biệt để tâm tình và đọc sách cùng nhau cần thiết cho việc phát triển lành mạnh, học tập và tràn đầy năng lượng.
5. Nói với con những điều bé đang làm tốt
Chú ý và mô tả mọi việc con bạn đã làm tốt khi chuẩn bị đi ngủ, từ tắm rửa sạch sẽ mà không quấy khóc đến mặc đồ ngủ mà không phải giục giã.
6. Tạo tín hiệu về giấc ngủ
Các giấc ngủ đêm luôn có các tín hiệu đầy đủ. Khi trưởng thành, chúng ta coi những dấu hiệu này là đương nhiên - như thay quần áo, đánh răng và đọc sách trên giường. Tạo những tín hiệu này cho con bằng cách thực hiện các hoạt động theo thứ tự giống nhau vào buổi tối.
7. Đừng vội vã
Để làm dịu bộ não đang hoạt động tích cực của con và giúp con dần dần đi vào chế độ ngủ, có khi cần đến một tiếng đồng hồ kể từ khi về bắt đầu tắm đến khi tắt đèn.
8. Để đèn ngủ
Trẻ nhỏ có thể cảm thấy như thể bóng tối che khuất tất cả những đồ vật quen thuộc trong phòng ngủ của con. Đèn ngủ mờ giúp bé thấy không gian vẫn như cũ trong khi không làm phiền giấc ngủ của bé.
9. Càng ít hoạt động càng tốt
Sau khi tắt đèn, hãy đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của con như nước uống đi vệ sinh hoặc ôm nhanh một cái để con an tâm, nhưng cố gắng thực hiện càng ít càng tốt các đòi hỏi để con không bị xao nhãng.
10. Giúp trẻ coi giấc ngủ là hoạt động tích cực
Nếu không có sự giúp đỡ của người lớn, trẻ sẽ không hiểu mối liên hệ giữa việc ngủ đủ giấc và cảm thấy gắt gỏng, bực bội vào ngày hôm sau. Khi trẻ lớn hơn, hãy chỉ ra cho trẻ thấy rằng nếu trẻ ngủ không đủ giấc thì sẽ rất khó thức dậy vào sáng hôm sau.
Lời khuyên cho từng độ tuổi
- Khi bé 2 đến 3 tuổi: Con bạn cần ngủ khoảng 12 đến 13 giờ/ ngày trong giai đoạn này. Vì vậy hãy đảm bảo bé đi ngủ đúng giờ. Sử dụng biểu đồ phần thưởng ngôi sao và những lời khích lệ để con đạt được đúng mục tiêu.
- Khi bé 4 đến 5 tuổi: Lúc này con bạn có thể cần ngủ ít hơn một chút, vì vậy bạn có thể bỏ giấc ngủ ngắn vào ban ngày của bé. Nếu càng ngày càng khó gọi con dậy để đi học vào buổi sáng thì mỗi tuần hãy tắt đèn ngủ sớm hơn 15 phút cho đến khi con bạn đạt được mục tiêu đi ngủ đúng giờ.
- Khi bé 6 đến 7 tuổi: Ở thời điểm này, bài tập về nhà có thể khiến lịch đi ngủ muộn hơn. Hãy hỏi giáo viên của con xem nên dành bao nhiêu thời gian để làm bài tập về nhà và giúp con tuân thủ theo thời gian ấy. Một số trẻ cảm thấy khó ngủ hơn ở độ tuổi này do lo lắng chuyện bạn bè hoặc bài vở, hãy giúp con chia sẻ mối quan tâm của trẻ trước khi đi ngủ để trẻ cảm thấy thoải mái hơn.