Rèn luyện tính kiên nhẫn cho con qua các bài học trong cuộc sống
Những phương pháp hữu hiệu dưới đây có thể giúp phát triển tính kiên nhẫn và khả năng tự kiểm soát của trẻ.
Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, có thời gian, không gian để trẻ suy nghĩ. Các bé 2,5 tuổi có thể suy nghĩ và so sánh giữa 2 lựa chọn. Bên cạnh đó, tính kiên nhẫn còn giúp phát triển tư duy, tạo nên tính cách ôn hòa, chịu lắng nghe và dễ thành công khi các bé lớn. Nhìn chung, đây là một đức tính vô cùng cần thiết với trẻ.
Sau đây là 5 lời khuyên tuy đơn giản nhưng lại vô cùng thiết thực giúp rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ thông qua một số bài học trong cuộc sống.
Bài học đầu tiên: Một số trò chơi con hoàn toàn có thể chơi một mình
Khi bé tự làm thứ gì đó một mình, con buộc phải suy nghĩ và tìm ra cách chơi tốt nhất, nếu không bé hoàn toàn phải chơi lại. Việc này giúp con phát huy óc sáng tạo, trí tưởng tượng, và đặc biệt là có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Đây cũng là một trong những cách có thể rèn tính kiên nhẫn cho bé.
Loại trò chơi hạn chế cho trẻ chơi: Trò chơi điện tử trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, bởi nó không khích lệ nhiều cho sự phát triển của trí tưởng tượng và tính sáng tạo của trẻ (quá trình và kết quả của các trò chơi này bị định ra từ trước bởi người phát triển trò chơi).
Loại trò chơi cần khuyến khích: Trò chơi ghép hình giải câu đố, truy tìm kho báu, tưởng tượng các câu chuyện dạng như chuyện cổ tích, diễn kịch, trò chơi nhập vai,…
Có một vài cách để dạy trẻ chơi độc lập, và nếu bạn kiên nhẫn, bạn sẽ thấy kết quả vượt quá mọi mong đợi của mình.
Bài học thứ 2: Dạy con về sự chờ đợi
Khi đi siêu thị, khi ở khu vui chơi, khi làm bất cứ việc gì đó... con đều sẽ phải chờ đợi. Bạn dắt bé vào một nhà hàng khá đông, con liên tục phàn nàn về việc phải chờ đợi, nhưng đây là lúc bạn dạy cho con biết rằng chờ đợi hay kiên nhẫn là một trong những bài học bắt buộc phải có trong cuộc sống.
Thay vì phàn nàn hay kêu ca, hãy giúp con giải quyết bằng cách nghĩ ra các hoạt động cho trẻ, đồng thời giải thích về việc phải chờ đợi. Đây là kĩ năng không chỉ cần cho hiện tại mà cả trong tương lai nữa.
Hay như ở khu vui chơi, con cần phải chờ đợi để đến lượt. Nếu cứ chen chúc thì sẽ chẳng ai được chơi, thậm chí còn xô đẩy và gây nên tình huống nguy hiểm nữa.
Bài học số 3: Các câu chuyện trong sách, những bộ phim hoạt hình dạy về tính kiên nhẫn
Bên cạnh việc cho trẻ tham gia các hoạt động thực tế, một số bộ phim hoạt hình hay sách, truyện cũng có thể giúp trẻ hiểu về tính kiên nhẫn. Giống như hầu hết các hành vi khác, kiên nhẫn là học cách điều chỉnh cảm xúc. Trẻ cần hiểu rằng không phải lúc nào trẻ thích gì là được đó. Cha mẹ hãy cho trẻ biết bạn hiểu cảm xúc của con. sau đó giải thích lý do tại sao trẻ cần phải kiên nhẫn.
Bài học số 4: Bạn phải là một tấm gương tốt về làm chủ bản thân
Con sẽ học theo cách bạn giữ bình tĩnh và xử lý tình huống trong những lúc khó khăn. Do đó, trước mặt con, đừng ngại ngần nói rõ cảm xúc và cách giải quyết của mình. Khi thật sự chán nản hay bực bội, thay vì la hét hay hành động một cách mất kiểm soát, bạn hãy nói rõ với con: “Mẹ đang rất bực. Mẹ cần hít thở thật sâu để bình tĩnh lại. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mẹ có thể giải quyết được những chuyện này”. Cách nói này khiến cho bé hiểu rằng không khó để trở nên mạnh mẽ và sẽ tìm được nhiều biện pháp để đương đầu với khó khăn.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể đưa ra những lựa chọn để khuyến khích con hoãn lại lợi ích trước mắt. Hãy thử thương lượng “Con có thể ăn một chiếc bánh lúc này, hoặc nếu đợi đến sau bữa tối, con sẽ được ăn hai chiếc”. Kiểu lựa chọn như vậy sẽ khuyến khích con làm chủ mong muốn và sự đòi hỏi của mình, đồng thời biết hoãn lại “lợi ích” trước mắt để chờ đợi và nhận được một “phần thưởng” lớn hơn. Bài học quan trọng đầu đời này sẽ có tác động tích cực tới lúc bé trưởng thành.