Quy trình “gặp nhau là… ấy” của học sinh cấp 2 và câu chuyện bố mẹ đã dạy con về giới tính như thế nào
Khi được đề nghị sắp xếp quy trình phát triển của một mối quan hệ nam nữ từ lúc gặp mặt cho đến lúc kết hôn, các bạn học sinh cấp 2 tham gia trò chơi quả quyết khẳng định rằng: “Bây giờ, gặp nhau xong là ai cũng phải… ấy luôn!”.
Trong một diễn đàn về tình yêu và giới tính dành cho học sinh Trung học (cấp 2, 3) ở Hà Nội mà tôi vừa có dịp dự thính, có một trò chơi như sau: Các bạn học sinh tham gia trò chơi (có em mới là học sinh lớp 6) được phát cho các tờ giấy có ghi các động từ "Yêu", "Gặp gỡ", "Thích", "Ấy" (Quan hệ tình dục), "Lấy (Kết hôn)", "Tìm hiểu". Yêu cầu của trò chơi là các bạn hãy sắp xếp các động từ đó theo đúng trình tự phát triển tình cảm của một mối quan hệ hay đơn giản là sự nảy nở và lớn lên của một tình yêu. Trong vòng vài chục giây, chẳng cần thảo luận dài dòng, các bạn học sinh đã có ngay đáp án, đó là: "GẶP GỠ - ẤY – TÌM HIỂU – THÍCH – YÊU – LẤY."
Các bạn học sinh cấp 2 khẳng định quy trình "Gặp gỡ - Ấy - Tìm hiểu - Thích - Yêu - Lấy" của mình là "chuẩn không cần chỉnh. (Ảnh: HM)
Đáp án có khiến bạn bất ngờ hay giật mình?
Tất nhiên, theo đúng kịch bản của một buổi ngoại khóa học về tình yêu và giới tính, các bạn sẽ được các chuyên gia khuyên rằng, đúng là thực tế bây giờ là như vậy, nhưng các em nên làm theo quy trình "của các cụ nhà ta từ xưa đến nay", đó là: "Gặp gỡ, tìm hiểu, thích, yêu, lấy, ấy". Nghe đến đó, một cậu bé lớp 6 quay sang bảo tôi: "Phải THÍCH rồi mới TÌM HIỂU chứ cô nhỉ!".
Lũ trẻ thực ra hiểu biết hơn chúng ta (nghĩ) rất nhiều đấy chứ. Nhưng chúng có "hiểu biết" đúng đắn, được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến, được chỉ dẫn đúng đường hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tôi nhớ đến một workshop với chủ đề "Dạy trẻ cách bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại cơ thể" mà tôi tham gia cùng con gái năm ngoái. Các bạn nhỏ tham gia độ tuổi từ 6 đến 12 được một chuyên gia của UN Women giàu kinh nghiệm hướng dẫn rất bài bản, dễ hiểu và gần gũi.
Cô chia lũ trẻ thành hai nhóm con trai và con gái. "Bài tập" đầu tiên lũ trẻ làm cùng nhau là "cử" một bạn nằm ngửa, sau đó nằm sấp trên giấy để vẽ nét thành hình một cơ thể người lúc không mặc quần áo. Sau đó cô yêu cầu "hãy vẽ cho lên cơ thể của đội các con dấu hiệu để nhận biết đâu là bạn trai, đâu là bạn gái". Trong khi tụi con trai nhanh chóng hô nhau "vẽ chim, vẽ chim" rồi khoái chí, hí hửng, đùa cợt đủ thứ trong khi tô tô vẽ vẽ "cái chim", thì nhóm con gái bắt đầu đỏ mặt, thè lưỡi, ngại ngùng và rụt rè... KHÔNG DÁM vẽ cái gì. Thế là một mẹ đứng ngoài sốt ruột quá "chỉ đạo": vẽ chỗ đi vệ sinh đi, vẽ hai cái vòng tròn là cái ngực đi.... thậm chí con chưa đủ tự tin đưa bút vẽ thì mẹ ngồi xuống vẽ hộ luôn.
"Thái độ" của nhóm "con trai" và nhóm "con gái" có khiến các bố mẹ suy nghĩ gì không? Liệu có phải, cách chúng ta đang dạy về giới tính cho con trai và con gái đang có gì đó chưa ổn nhỉ? Chúng ta "dễ dãi" với con trai nhưng lại "khắt khe" hơn với con gái????
Các bạn trai nhanh chóng "vẽ chim"....
... trong khi các bạn gái khá rụt rè khi vẽ vùng kín. (Ảnh: HM)
Tiếp đó, cô hướng dẫn các bạn đánh dấu vào những phần cơ thể mà người khác không được phép sờ, chạm vào hay không được phép chụp ảnh khi các con không mặc quần áo và treo "tác phẩm" đó của các con lên tiếp tục thảo luận.
Cô hỏi: "Vậy các con thấy, cơ thể con trai và con gái khác nhau như thế nào?", "Cơ quan sinh dục của chúng ta dùng để làm gì?", "Các con có biết các con sinh ra từ đâu không?", "Em bé được tạo ra như thế nào?", "Bố mẹ hay ai đó có xin phép con khi muốn chụp ảnh con không?....
Và đây là những gì tôi nghe được từ tụi nhỏ:
- Con gái cũng có chim bé ở trong bướm ạ. Một em đã lộn ra cho con xem chim bé của em ấy.
- Cô ơi, em bé sinh ra từ PHAO CÂU hay CHỖ HIỂM ạ?
- Cô ơi, có phải muốn có em bé thì bố mẹ phải chịch nhau không?
- Con mở máy tính của bố mẹ, chỉ cần tìm kiếm TI TO là sẽ có rất nhiều ảnh cô ti to.
- Con xem trên tạp chí có ảnh nhiều ảnh cô ti to chỉ mặc áo lót.
- Trong chim của bố có một cái mầm, LÀM THẾ NÀO ĐÓ mà bố cho mẹ cái mầm đó để mẹ có em bé.
- Con tinh trùng chui từ rốn của bố sang bụng mẹ và tạo thành tế bào em bé.
- Bố bảo là mẹ đánh rắm một cái sinh ra con.
- Em bé có phải sinh ra từ HẬU MÔN không cô?
- Con sinh ra từ lồng kính.
- Con sinh ra từ nách của mẹ.
Lũ trẻ một nhóm nhao nhao hồn nhiên, một nhóm lặng yên lắng nghe không phát biểu. Còn tôi thực sự cảm thấy có cái gì đó rất không ổn đang từ từ tan ra trong tâm trí.
Chúng ta lo lắng khôn nguôi cho sự an toàn của con, chúng ta phẫn nộ và lên án kẻ xấu; chúng ta tìm đủ mọi cách để bảo vệ các con, giúp các con biết cách tự bảo vệ mình.... nhưng thực ra chúng ta đã THỰC SỰ làm được điều gì, khi một đứa trẻ mới 8,9 tuổi đã "tiếp cận" rất gần với những hình ảnh khiêu dâm; khi một đứa trẻ 10, 11 tuổi vẫn hào hứng tin rằng nó được sinh ra từ nách của mẹ, khi lũ trẻ trong mắt bố mẹ vẫn là những em bé ngốc nghếch không biết gì hoặc toàn học những điều bậy bạ, khi mỗi lần nói về chuyện ấy với con là bố mẹ không căng thẳng mặt mày thì lại dễ dãi dùng "tiếng long" để nói với con...
Quan sát và lắng nghe lũ trẻ, tôi thực sự cảm nhận được chúng đã được nuôi dưỡng và dạy dỗ như thế nào ở nhà. Thế là tôi hiểu ra cảm giác "KHÔNG ỔN" cứ vẩn vơ của mình, tôi nghĩ: Ồ, LẼ RA NGƯỜI PHẢI HỌC NHỮNG WORKSHOP NHƯ THẾ NÀY KHÔNG PHẢI LÀ TỤI NHỎ, MÀ PHẢI LÀ BỐ MẸ CỦA CHÚNG!!! Bố mẹ cần phải học từ cách nói chuyện với con, từ cách tìm kiến thức nào cần đọc, từ cách con ở tuổi nào dạy con tới đâu là đủ, từ những hành động thói quen "bản năng" của mình.....
Giống như khi ngồi ở dưới để nghe bạn chuyên gia định hướng các bạn trẻ về đúng trình ""Gặp gỡ, tìm hiểu, thích, yêu, lấy, ấy" chuẩn mực và đúng "đạo lý", tôi đã thầm nghĩ, bao nhiêu bạn học sinh sẽ thực sự gật gù tâm đắc? Tôi thì nghĩ chắc không nhiều! Và có lẽ sẽ hay hơn và thuyết phục chúng hơn, nếu như thầy cô hay bố mẹ dám chấp nhận một thực tế rằng, lũ trẻ thực sự hiểu biết về cuộc sống nhiều hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, để từ đó lắng nghe suy nghĩ của chúng và giúp chúng biết cách bảo vệ bản thân mình một cách thực sự, biết "ấy" một cách an toàn và đúng thời điểm, và biết lựa chọn để "lấy" người thực sự phù hợp với mình…
Bởi vì, chẳng phải là đầu tiên và trước hết, tụi nhỏ không cần "phải học" hay "được dạy" gì cả, chúng hoàn toàn có thể soi vào "TẤM GƯƠNG" của chúng, là bố, là mẹ để lớn lên khỏe mạnh và bình thường hay sao?
Và, học cách hiểu và bảo vệ cơ thể mình, không chỉ để các con tránh được nguy cơ bị lạm dụng, bị xâm hại; có một điều ý nghĩa và bền lâu hơn cả việc đó, là chỉ khi yêu, tự tin, hiểu về cơ thể mình thì các con cũng mới biết trân trọng và yêu thương cơ thể người khác, và rồi lớn lên biết lựa chọn cho mình người bạn đời, người đồng hành cũng biết yêu thương và trân trọng con từ những điều bản năng nhất ấy!