Phương Oanh than thở mệt "toát mồ hôi hột" vì Jimmy - Jenny làm điều này, mẹ bỉm nào trải qua cũng thông cảm!

An Chi,
Chia sẻ

Các mẹ rồi cũng phải trải qua giai đoạn này thôi.

Hai em bé Jimmy, Jenny mới ngày nào bé xíu mà nay đã lớn hơn, được cùng mẹ vi vu đi khắp mọi nơi rồi. Cặp sinh đôi mỗi lần xuất hiện lại gây bão MXH bởi sự đáng yêu, lém lỉnh cùng khuôn mặt đậm tính "giải trí" của mình.

Mới đây, Phương Oanh đăng loạt ảnh đi cafe cùng các con thu hút sự chú ý của mọi người. Ai cũng khen mẹ Oanh thì xinh còn con thì siêu đáng yêu. Tuy nhiên, dưới phần bình luận, bà xã shark Bình cũng tiết lộ đang trong giai đoạn khá mệt với các con.

Phương Oanh than thở mệt "toát mồ hôi hột" vì Jimmy - Jenny làm điều này, mẹ bỉm nào trải qua cũng thông cảm! - Ảnh 1.

"Mê nhắm mà cũng toát mồ hôi hột với giai đoạn mọc răng này nhắm bác ạ", nữ diễn viên chia sẻ. Mẹ bỉm nào nuôi con nhỏ đều biết bé sẽ phải trải qua giai đoạn mọc răng, bên cạnh những em bé trộm vía ngoan ngoãn thì nhiều bé khác sẽ có biểu hiện như quấy, sốt, mệt... khiến mẹ cũng lo lắng theo.

Phương Oanh than thở mệt "toát mồ hôi hột" vì Jimmy - Jenny làm điều này, mẹ bỉm nào trải qua cũng thông cảm! - Ảnh 2.

Phương Oanh lo lắng vì các con đang trong giai đoạn mọc răng

Các mẹ cùng tìm hiểu một chút kiến thức về giai đoạn này của con nhé.

Trình tự mọc răng bình thường của trẻ

Thông thường trẻ sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên khi được 4 - 6 tháng tuổi nhưng 1 số trẻ đến 1 tuổi mới bắt đầu mọc răng. Thứ tự mọc răng của trẻ sẽ diễn ra theo trình tự dưới đây, tuy nhiên, thứ tự này không phải tuyệt đối, một số bé mọc răng hai bên trước rồi mới đến răng ở giữa. Bố mẹ không cần bận tâm quá nhiều về điều này, chỉ cần trẻ mọc răng trong giới hạn bình thường là được (không mọc quá chậm và cũng không có bất thường đáng kể nào khi mọc răng).

Phương Oanh than thở mệt "toát mồ hôi hột" vì Jimmy - Jenny làm điều này, mẹ bỉm nào trải qua cũng thông cảm! - Ảnh 3.

Một số dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng

Nếu bạn phát hiện thấy bé đột nhiên có những tật nhỏ dưới đây, có thể đó là dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng.

1. Miệng như "thác nước"

Theo thống kê, hơn 1 nửa số trẻ chảy nước dãi nhiều khi mọc răng. Khi bé mọc răng sẽ kích thích dây thần kinh và làm tăng tiết nước bọt, trong khi đó các bé còn nhỏ nên khả năng nuốt chưa mạnh khiến miệng bé ở giai đoạn mọc răng lúc nào cũng như "thác nước". Tình trạng này sẽ tiếp diễn mỗi lần trẻ mọc răng và kéo dài đến khoảng 2 - 3 tuổi.

2. Trẻ thường quấy khóc

Nướu sẽ bị ngứa và hơi đau khi mọc răng nên trẻ sẽ khá khó chịu mỗi lần trải qua việc này. Bởi thế, mỗi khi chuẩn bị có 1 chiếc răng nhú lên, một trong những biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ đó là bé khóc để thể hiện sự khó chịu. Một số trẻ còn có thể bị sốt nhẹ khi mọc răng do nướu sưng lên.

3. Cắn mẹ nhiều hơn mỗi khi bú

Trẻ thường trải qua cảm giác ngứa lợi khi mọc răng. Ngoài việc quấy khóc, các bé còn dùng cách cắn để bớt đi cảm giác khó chịu ở lợi. Đôi khi bé sẽ cắn đau làm mẹ bị thương nhẹ, khi ấy, mẹ có thể véo nhẹ vào mũi bé để bé bú lại như bình thường.

4. Thường xuyên thức dậy vào ban đêm

Khi trẻ mọc răng sữa có thể xuất hiện triệu chứng ọc sữa vì khó chịu. Vì thế, vào ban đêm, trẻ sẽ thường xuyên thức dậy và quấy khóc đòi bú, đòi uống sữa hơn bình thường.

5. Nướu đỏ và sưng

Một số bé khi mọc răng có thể bị sưng nướu, nướu đỏ hơn. Để giúp bé vượt qua giai đoạn này, khi bé đang mọc răng, mẹ nên cho bé ăn đồ mềm và chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé sau khi ăn.

Dinh dưỡng cho trẻ đang mọc răng

Lúc mọc răng, do đau lợi và sốt, nhiều bé không chịu ăn nên việc chăm sóc dinh dưỡng cho bé rất quan trọng. Chị nên cho bé bú mẹ thường xuyên hơn. Nếu chị đã cho bé ăn dặm thì nên lựa chọn thức ăn mềm, đa dạng và dễ tiêu hóa, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, vẫn có thể ăn tôm, cá, thịt gà, dầu (mỡ)...

Đặc biệt, giai đoạn này mẹ cần bổ sung nhiều hàm lượng canxi trong thực đơn của trẻ như cá, tôm,... và các loại quả như: cam, dâu, kiwi,... Ngoài ra, mẹ cần cho bé uống thêm sữa, nước trái cây ép để bổ sung vitamin.

Kẽm và selen cũng là chất dinh dưỡng mẹ cần bổ sung cho trẻ, giúp trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn, tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa. Kẽm và selen có nhiều trong thịt, hải sản và rau xanh.

Chị không nên quá kiêng khem vì dễ làm trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao khi trẻ bị sốt và tiêu chảy vì không phải cứ mọc răng trẻ mới sốt mà còn có những nguyên nhân khác. Nếu trẻ sốt có kèm theo các dấu hiệu khác như chảy nước mũi, ho thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị sớm.

Bỏ túi các mẹo giúp trẻ bớt quấy khóc vì khó chịu khi mọc răng

1. Gây tê cho nướu

Hiện nay có nhiều loại kem và gel bôi nướu giúp giảm bớt những cơn đau cho bé vì chúng có thể mang đến tác dụng gây tê. Tuy nhiên bố mẹ cũng không nên lạm dụng, dùng nhiều và đặc biệt lưu ý không bôi trước khi ăn vì chúng cũng có thể gây tê lưỡi, khiến bé khó nuốt thức ăn.

2. Dùng thuốc giảm đau

Nếu như bé có vẻ cực kì khó chịu và đau thì bố mẹ có thể dùng paracetamol để giảm đau nhưng chỉ nên cho bé dùng đúng liều lượng phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, thuốc này chỉ nên sử dụng cho bé trên 2 tháng tuổi và để chắc chắn nhất thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận về liều lượng nên cho bé dùng. Đây cũng là cách không nên lạm dụng.

3. Luôn giữ cho bé được mát mẻ

Một triệu chứng thường gặp khi bé mọc răng là má ửng đỏ và một vài phụ huynh cho rằng đó là do nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh cho điều này cả. Tuy nhiên, điều bố mẹ cần lưu ý là đảm bảo trẻ luôn cảm thấy thoải mái (nhiệt độ lý tưởng cho phòng của trẻ là 16-20 độ C). Chỉ dùng chăn mỏng nhẹ cho trẻ và dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của trẻ thường xuyên.

4. Xoa dịu cả phần mông cho bé

Không chỉ có má mà trong thời gian mọc răng, mông của bé cũng có thể bị rộp hoặc tấy đỏ vì trẻ có xu hướng đi phân lỏng nhiều hơn. Nguyên nhân được cho là do trẻ nuốt nhiều nước dãi hơn trong thời kỳ này. Vì vậy, bố mẹ đừng quên phần này để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Để làm dịu thì bố mẹ có thể bôi kem chống hăm.

5. Sử dụng đồ chơi dành cho trẻ mọc răng

Những món đồ chơi này có thể là những chiếc vòng cao su hoặc các món đồ khác, có đủ hình dạng và kích cỡ, có thể chịu sự nhai, cắn của bé. Mẹ cũng có thể vắt nước vào núm vú cao su để cho bé thư giãn. Tuy nhiên cần lưu ý là nên cất những đồ chơi này đi khi cho trẻ đi ngủ vì chúng có thể gây sao nhãng cho trẻ, khiến trẻ quên hoặc không muốn ngủ.

6. Mát xa nướu

Đầu tiên, rửa sạch ngón tay hoặc sử dụng dụng cụ massage nướu chuyên dụng nhẹ nhàng chà nhẹ lên phần nướu răng đang sưng lên của bé để giúp giảm cảm giác khó chịu. Mẹ cũng có thể bôi một ít vaseline quanh miệng cho trẻ vào giờ ngủ để tránh cảm giác đau vào giữa đêm gây ra bởi chảy nước dãi.

7. Đánh lạc hướng

Hãy thử đánh lạc hướng sự khó chịu của bé bằng cách thu hút sự chú ý của trẻ với những bài hát nhẹ nhàng, trò chuyện hoặc bế và âu yếm.

8. Giữ bình tĩnh, mọi việc sẽ qua thôi

Thật khó khăn khi nghĩ tới việc bạn vừa rèn thói quen ngủ cho bé thành công thì giai đoạn mọc răng này lại đến và phá vỡ mọi nỗ lực của bạn, và bạn sẽ phải làm lại một lần nữa. Nhưng hãy nhớ rằng vì bạn đã từng làm được thì dù có phải làm lại bao nhiêu lần đi chăng nữa, bạn cũng sẽ làm lại được. Hãy luôn bình tĩnh, từ từ giải quyết mọi vấn đề và giai đoạn này cũng sẽ sớm qua thôi.

Chia sẻ