Phó mặc con cho mạng xã hội: Cha mẹ có đang tự 'mắc bẫy'?
Do tính chất công việc hoặc không có nhiều thời gian chơi với con, nhiều phụ huynh giao phó thiết bị công nghệ cho trẻ nhỏ. Điều này vô tình tạo ra lưỡi dao gieo rắc những điều xấu vào tâm lý con trẻ. Để trẻ tự do trên môi trường mạng xã hội, cha mẹ có đang tự “mắc bẫy” của chính mình?
Dỗ con bằng thiết bị công nghệ
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ đối với những gia đình có trẻ nhỏ đã và đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc trẻ nhỏ tiếp cận quá sớm với mạng xã hội tạo nên mầm mống cho những mặt trái của mạng xã hội phát triển trong tâm thức của trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý những mầm non tương lai.
Có một thực trạng đáng buồn và đáng báo động là chỉ cần nhìn thấy con khóc, nghịch ngợm, biếng ăn… các bậc phụ huynh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu được sử dụng thiết bị công nghệ có kết nối Internet.
Cứ thế, một lần, hai lần rồi ba lần, điện thoại trở thành vật “bất ly thân” không chỉ với người lớn và còn đối với trẻ nhỏ.
Ðến những gia đình có trẻ nhỏ hiện nay, không chỉ ở thành phố - nơi có kinh tế phát triển mà tồn tại ở cả những vùng nông thôn, miền núi, thực trạng trẻ con miệng vừa ăn tay vừa mân mê nghịch iPad, điện thoại di động càng ngày càng trở nên phổ biến.
Gia đình bà Phạm Thị Sâm (55 tuổi, Qùy Hợp, Nghệ An) là một ví dụ điển hình. Nhà bà Sâm vốn đông con cháu, hễ đến giờ ăn, bà lại sử dụng thiết bị công nghệ làm “mồi nhử” dỗ dành những đứa trẻ.
Bà Sâm chia sẻ, việc cho các cháu sử dụng điện thoại sẽ giúp cháu dễ ăn, nghe lời và đặc biệt không khóc nhè.
“Thế hệ như chúng tôi thì làm gì có điện thoại mà chơi, giờ đến đời cháu được sử dụng điện thoại từ sớm thì tốt quá. Thấy con chơi ngoan, ít khóc, đỡ mè nheo, bố mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi và làm những công việc khác nên tôi cũng yên tâm hơn”, bà Sâm lý giải.
Thực tế, không thể phủ nhận độ tiện ích của các thiết bị công nghệ trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ, chỉ với một chiếc điện thoại, việc chăm con trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Song kỳ thực, có nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đang hiểu sai và sử dụng quá đà thiết bị công nghệ trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ.
Điều này vô tình đẩy những đứa trẻ vào các mối nguy cơ tiềm ẩn, kéo theo đấy là những hệ lụy khôn lường. Đáng nói mặt trái của mạng xã hội không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sự phát triển thể chất của trẻ mà còn hình thành nhân cách lệch lạc và làm suy giảm trí tuệ của những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển.
Khác với cách dạy con của gia đình bà Sâm, gia đình anh Hoàng Thanh Bình (40 tuổi, Thanh Oai Hà Nội) cấm các con tiếp cận với công nghệ từ khi còn bé. Theo anh Bình, muốn con cái phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần phải để con trẻ được vui chơi lành mạnh, tạo cho con một tuổi thơ đáng nhớ, với đầy ắp những kỷ niệm và cả tiếng cười.
“Sự xuất hiện của những đồ chơi công nghệ nếu chiếm quá nhiều quỹ thời gian của con trẻ sẽ khiến mức độ giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái bị giảm sút, mối quan hệ gia đình lẽ ra cần thắt chặt lại trở nên lỏng lẻo. Nếu cho các con tiếp cận thiết bị công nghệ quá sớm tôi sợ rằng con sẽ mất đi những giá trị đích thực về một tuổi thơ đúng nghĩa”, anh Bình lo ngại.
Chính vì lẽ này, vào mỗi buổi chiều, sau giờ đi làm về, anh Bình thường dành thời gian để cùng đạp xe tập thể dục với các con. Lắng nghe con, đồng hành cùng con, đáp ứng mọi yêu cầu nhưng trong khuôn khổ giúp anh Bình gắn kết được với con.
Anh dễ dàng quản lý con mà không tạo áp lực cho con, từ đó anh đã tạo môi trường lành mạnh để con phát triển tốt nhất, là tiền đề để giáo dục gia đình trở nên đúng đắn.
Khuyến cáo từ chuyên gia?
Đưa ra đánh giá về thực trạng dạy con của người Việt hiện nay, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng ngày nay nhiều gia đình tại Việt Nam không quan tâm đến việc bồi dưỡng ký ức tuổi thơ cho con nhỏ.
“Khi xã hội phát triển, kèm theo rất nhiều những thứ khác cùng phát triển theo, trong đó, công nghệ phát triển đang mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, bên cạnh đó cũng tồn tại những mặt trái, đặc biệt trong việc giáo dục và hình thành nhân cách, tâm hồn trẻ thơ.
Việc trẻ con bị cuốn vào các thiết bị công nghệ đã được cảnh báo từ lâu và ngày càng trở nên báo động. Khi trẻ bị nghiện công nghệ, chúng sẽ không thiết tha thứ gì khác ngoài điện thoại, và kéo theo hệ lụy bị tiêm nhiễm rất nhiều thứ xấu độc trên không gian mạng”, nhà báo Ngô Bá Lục nhìn nhận.
Cũng theo nhà báo Ngô Bá Lục, những đứa trẻ ngày nay ít khi được vận động, không có nhiều thời gian tương tác trực tiếp với mọi người, không được hoà mình vào thiên nhiên cùng những trò chơi con trẻ…
“Nhìn chung trẻ nhỏ thời hiện đại rất dễ trở thành khô khan như những cái máy, thiếu kỹ năng mềm, thiếu kiến thức đời sống xã hội vì không, hoặc rất ít được trải nghiệm thực tế, bởi bố mẹ không quan tâm hoặc không có thời gian để tổ chức vui chơi cho con”, nhà báo Ngô Bá Lục đánh giá.
Theo chia sẻ của một số chuyên gia tâm lý, tần suất sử dụng mạng xã hội của trẻ nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách, sự phát triển tâm lý. Chính vì vậy là phụ huynh, bậc làm cha mẹ, trước hết phải tìm hiểu xem trẻ nhỏ thường truy cập mạng xã hội để làm gì.
Sau đó, hướng dẫn, thông tin và giải thích cho con về những cạm bẫy tiềm ẩn của mạng xã hội, đồng thời khuyến khích trẻ tạo lập những thói quen lành mạnh và hành vi phù hợp.
Nhìn nhận về việc cho trẻ nhỏ tiếp cận mạng xã hội từ sớm của các bậc phụ huynh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tự do sử dụng mạng xã hội và cần có quy định kiểm soát việc truy cập mạng xã hội của con trẻ.
“Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tự do xem mạng xã hội. Bởi, mạng xã hội có nhiều luồng thông tin với nhiều quan điểm khác nhau, có đúng, có cái không đúng mà trẻ không tự chọn lọc phân biệt được”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú khẳng định.
GS. TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng để hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của con nhỏ trước hết cha mẹ phải là tấm gương sáng để các con nọi theo (không sử dụng mạng xã hội trước mặt con). Còn đối với trẻ em từ 3 - 12 tuổi các bậc phụ huynh không để trẻ tự do vào mạng xã hội. Đấy là nguyên tắc "bất di bất dịch".
Ngày nay, có một phương pháp được các gia đình áp dụng và đã mang lại hiệu quả là: Cho trẻ dùng máy tính (laptop), quy định hàng tối, hết giờ quy định trẻ phải tự giác mang máy sang để ở bàn cho cha mẹ với lý do khéo léo tránh xúc phạm trẻ, gây ảnh hưởng tâm lý.
Bố mẹ giữ hộ để con yên tâm ngủ mai còn đi học (theo kinh nghiệm tần suất sử dụng mạng xã hội của trẻ nếu có sử dụng thông thường sẽ thức đêm, vì ban ngày trẻ không có thời gian, còn phải học bài)”. Theo GS. TS Phú, biện pháp trên thực tế đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát thời gian trẻ nhỏ truy cập vào mạng xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia tâm lý, cha mẹ không thể cấm trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin. Người lớn phải đưa ra lời khuyên, có giải thích để trẻ hiểu và có biện pháp thích hợp, để trẻ thấy mình được tôn trọng, chủ động, tự nguyện không sử dụng mạng xã hội cho những mục đích xấu.
"Việc tự thống nhất quy định với con thể hiện cách giáo dục của các bậc làm cha làm mẹ, cho con sử dụng mạng xã hội nhưng phải khéo léo kiểm tra, không để con tiếp cận những thông tin độc hại, không lành mạnh", GS. TS Phú nhìn nhận thực tế.