Phát "khùng" vì con

Theo TGPN,
Chia sẻ

Tâm lý chung của đa số các ông bố, bà mẹ khi thấy con không nghe lời, có biểu hiện chống đối là muốn “khùng lên”, muốn “uýnh” cho nó một trận...

Thấy cô con gái bưng bát cơm và ngồi lỳ trước màn hình hàng tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong bữa, không ít lần chị Minh Thư (Q.5, TP.HCM) đã nổi khùng lên, lúc thì tắt phụt tivi, lúc thì chạy lại rút phích cắm. Mỗi lần như vậy, hai mẹ con lại căng thẳng mất vài ngày. Con bé đang theo dõi bộ phim rất chăm chú nên khi bị gián đoạn, nó đâm ra rất giận mẹ. Ra khỏi nhà và khi về, nó vẫn chào bố mẹ bình thường nhưng tuyệt nhiên không nói chuyện. Khuôn mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào khiến chị vừa tức, vừa thương và nghĩ mình thật có lỗi với con.

Không “lành” như con chị Minh Thư, Linh Nhi lại thường xuyên “nổi loạn” theo kiểu tóc vài ngày lại đổi màu, khi thì phẩy lai vàng, lúc lai đỏ, quần áo thì thủng trên thủng dưới... Vốn là cán bộ nhà nước nên thấy con ngổ ngáo, vợ chồng chị Hà rất bực. Nếu có mắng, mặt Nhi lại vênh lên, nó thản nhiên vào phòng riêng và đóng sầm cửa thách thức bố mẹ. Có hôm không kìm chế được, chị Hà tát con bé mấy cái, nó không rơi một giọt nước mắt nào nhưng ngay ngày hôm sau, cô chủ nhiệm thông báo, Nhi bỏ học...
 

Làm thế nào để con nghe lời mà cha mẹ không ức chế vì phải quát mắng, đe nẹt gây nên hậu quả tâm lý cho con là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm. Tâm lý chung của đa số các ông bố, bà mẹ khi thấy con không nghe lời là đã muốn “khùng lên”, muốn “uýnh” cho nó một trận...

Nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, vị thành niên là lứa tuổi của những thay đổi tâm, sinh lý, nhiều phụ huynh đã vô tình quên mất vai trò của mình trong việc làm bạn, chia sẻ và định hướng cho con. Thấy con hơi ngỗ ngược, phản ứng lại là nhiều phụ huynh đã cho rằng con hư, khó cải tạo... Thực ra, ở vào lứa tuổi dở dở ương ương, nhiều đứa trẻ do sống trong môi trường ít được quan tâm, dễ bị lôi kéo, đến một ngày bỗng muốn nổi loạn. Hoặc cũng có trường hợp, do sống quá khuôn phép với kỷ luật thép cũng khiến trẻ dễ dở chứng khi bước vào tuổi dậy thì.

Muốn dạy con, bố mẹ cần phải thay đổi trước. Họ phải hiểu con và dành thời gian quan tâm, chăm sóc con. Hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu những gì con nghĩ, con làm thay vì dùng những suy nghĩ “cổ” để khép con vào đó và khi con không làm theo ý mình thì quay ra thất vọng, đau khổ...

Chia sẻ