Phản ứng bất ngờ của trẻ khi bị người lớn nói xấu và lời nhắc nhở cho các bậc phụ huynh
Hẳn nhiều người sẽ không nghĩ rằng trẻ sẽ phản ứng gay gắt như vậy khi bị nói xấu, song đó cũng là bài học người lớn cần rút kinh nghiệm ngay: luôn tôn trọng trẻ, kể cả khi trẻ mắc lỗi.
Chúng ta đều biết, mối quan hệ giao tiếp giữa con người chính là dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, lấy sự tôn trọng làm tiền đề, khi thiếu sự tôn trọng, thì sẽ không có sự giao tiếp, qua lại nữa. Với trẻ con cũng vậy. Có rất nhiều người lớn thường hay “tự cho mình” cái quyền được không tôn trọng trẻ con vì chúng vẫn còn nhỏ tuổi và vì chúng “chưa đủ tuổi” để “cãi lại” người lớn. Xin hãy dừng ngay cách nghĩ đó lại, bởi chính hành vi và lời nói của người lớn là thứ có sức ảnh hưởng to lớn đến trẻ. Trẻ có thể bị tổn thương, hay trẻ sẽ học và lặp lại những gì không tốt đẹp mà trẻ thấy. Vì thế mới nói giáo dục qua hành vi và lời nói là lối giáo dục trực quan sinh động nhất, đi vào tiềm thức trẻ nhanh nhất.
Trong đoạn video dưới đây, một bé gái chỉ tầm 3 – 4 tuổi đã có phản ứng rất gay gắt trước việc cô của mình dùng từ ngữ không hay với bé. Bé nói rằng bé không muốn nói chuyện với cô, không hề hài lòng về điều cô nói với bé và rằng bé rất tức giận. Có thể nói, ngay cả khi trẻ con nhỏ, khi chúng ở độ tuổi mà người lớn tưởng như chúng “chẳng biết gì” thì trẻ vẫn có suy nghĩ riêng và có lòng tự trọng của chính mình.
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có LÒNG TỰ TRỌNG của riêng mình.
Do đó, trước khi bố mẹ hoặc người lớn có một hành động hay lời nói gì đó với trẻ, xin hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi lời nói đó được thốt ra. Hãy đừng nói năng một cách bừa bãi, nhất là khi đối diện với các em nhỏ với tâm hồn non nớt của trẻ thơ, đừng bắt chúng phải nghe, phải chứng kiến những điều không tốt. Xin đừng coi thường những hành vi và lời nói không tốt, đừng xem đó chỉ là điều nhỏ nhặt, càng không nên lấy đó để thể hiện bản thân, vì hậu quả để lại trong tâm trí trẻ không hề nhỏ. Những từ ngữ chua ngoa, sỉ nhục hoặc làm trầm trọng hóa khuyết điểm của con khiến đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức. Đôi khi, tội của bé chỉ đáng một, cha mẹ nâng lên thành năm, thành mười. Bé sẽ tức giận và “trả thù” bằng cách không nghe lời.
Tôn trọng trẻ chính là cách để giúp trẻ biết trân trọng chính bản thân mình, biết yêu mình thật sự đúng cách, tự tin, hiểu biết và có tầm nhìn. Cũng từ bài học đó, con biết tôn trọng người khác, biết dừng lại đúng lúc trong mọi hành động. Như vậy, điều con nhận được nhiều vô cùng trong cuộc đời nếu cha mẹ biết tôn trọng con.
Ngay từ khi con còn nhỏ, hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng các việc làm dưới đây:
Cư xử tôn trọng con
Hãy chào trẻ trước khi dạy trẻ chào mình (Ảnh minh họa)
Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là người lớn thường rất hay có thói quen nói rằng “chào bác chưa con” hay “ơ, con bé này sao không chào bác”… trong khi đó lại không chào con trước. Chính những thái độ cư xử thiếu tôn trọng đó là nguyên nhân khiến con học chào hỏi cư xử khó khăn hơn. Bởi vậy, nếu muốn dạy con cư xử lễ phép thì việc đầu tiên là làm mẫu cho con. Bên cạnh đó, việc nhờ vả con theo một cách nào đó thật lịch sự và cư xử với con như con đã là người lớn thì sẽ khiến con cảm thấy được tôn trọng nhiều hơn.
Tôn trọng không gian riêng và những bí mật của con
Rất nhiều bậc cha mẹ có thói quen kiểm soát con một cách không cần thiết. Đơn cử như cha mẹ thường rất hay tự động xem sách vở của con, đọc nhật ký của con, mở trộm facebook của con, gọi điện thoại cho bạn bè hoặc cô giáo của con khi con chưa đồng ý, kể chuyện của con với bạn bè, người thân khi con không muốn, cấm đoán con yêu đương, mở cửa phòng con mà không gõ cửa và thậm chí là xông vào nhà tắm khi con đang tắm... Đó là những việc làm khiến con cảm thấy những bí mật của mình, không gian riêng của mình bị xâm phạm.
Do vậy, thay vì hành động như một “kẻ thiếu tôn trọng” người khác, cha mẹ nên học cách trò chuyện với con, tâm sự với con nhiều hơn để hiểu con đang mong muốn gì, con đang gặp những vấn đề gì và cùng con giải quyết những điều đó theo một cách bình tĩnh và đúng đắn nhất.
Tôn trọng lý tưởng, ước mơ và quyết định của con
Đừng bao giờ sợ con sai lầm, bởi sai lầm luôn là tiền đề để tạo nên sự thành công của mỗi người. Nếu con có quyết định sai lầm, hãy chỉ con cách rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu hoặc tìm cách sửa sai thay vì chỉ trích hoặc chì chiết bởi những lời lẽ không hay. Hãy luôn nhớ rằng mỗi đứa trẻ dù ở độ tuổi nào thì đều có lí tưởng và ước mơ riêng của mình, đây là những tiền đề để trẻ vươn lên trong cuộc sống. Và việc làm của cha mẹ là cần hiểu và hướng dẫn, giúp đỡ trẻ chứ không phải làm cấm đoán trẻ.