Ông bố quả quyết có con trai là phải nghiêm nhưng cái kết lạ lắm: Mọi lý thuyết trước khi có con đều vô nghĩa!
Không biết ai đó có nhớ trước khi có con đã nói gì không!
Ba mẹ nào cũng có tư tưởng dạy con trai sẽ phải nghiêm túc hơn, còn con gái được chiều chuộng hơn. Bởi lẽ sau này con trai sẽ trở thành trụ cột gia đình, đảm nhận nhiều trọng trách. Được giáo dục chỉn chu, nghiêm túc từ nhỏ chắc chắn là điều nên làm.
Mẹ thì có vẻ chiều chuộng nên ba thường sẽ là người cứng rắn hơn trong chuyện dạy con. Thấm nhuần tư tưởng này, ông bố trước khi con ra đời đã khẳng định, phải cho con nằm cũi đã mua, không có chuyện bế bồng, ôm ấp, nhà là phải có quy tắc.
Ấy thế nhưng cái kết lạ lắm. Mẹ chưa kịp chiều chuộng thì ba đã giành hết phần ôm con. Mỗi khi ngủ, ăn, chơi... ba đều ở bên, thậm chí còn quên luôn vai trò của chiếc cũi. Âu cũng bởi mùi của con thơm quá, không nằm cạnh là ngủ không nổi. Hóa ra không chỉ mẹ mà ba cũng mê con lắm.
Dưới phần bình luận, hội chị em khẳng định, đúng là ông bố nghiện con, ngủ cùng con thì mới sâu giấc được, lơ là ra chút là biết ngay. Được bố ôm ấp, yêu thương thế này bảo sao sau này lớn lên bám bố. Hội mẹ bỉm đồng tình: "Mọi lý thuyết trước khi có con đều vô nghĩa, bám bố vậy cho mẹ nhàn hơn".
Nhưng ai cũng khẳng định người mẹ quá là sung sướng vì có chồng quan tâm, yêu thương, giành hết việc trông con. Thế này đẻ mấy con cũng được! Hơn nữa, được bố chăm sóc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tính cách của trẻ nhỏ, tạo tiền đề để con phát triển hơn trong tương lai.
Một nghiên cứu kéo dài 12 năm của Đại học Harvard (Mỹ) cũng cho thấy những đứa trẻ được cha nuôi dạy có chỉ số IQ cao hơn. Ngay cả trong những gia đình đơn thân, trẻ do người bố nuôi dạy cũng có sự phát triển về thể chất và tinh thần tốt hơn. Từ đó có thể thấy, những đứa trẻ được bố nuôi dạy vẫn có ưu thế về thể chất lẫn tinh thần so với người mẹ.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này?
1. Trẻ sẽ được trang bị nhiều kiến thức thực tế hơn từ người bố
Một chuyên gia nổi tiếng về tâm lý học quốc gia cho rằng, về mặt giáo dục, hầu hết các ông bố đều hiểu biết và nhìn xa trông rộng hơn các bà mẹ. Họ có thể kể những câu chuyện, văn hóa, lịch sử và triết học cho con cái của họ từ thời thơ ấu và họ có nhiều khả năng xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân hơn.
Hơn hết, khi giáo dục con cái, người bố sẽ để trẻ quan sát và bắt chước theo. Chính nhờ điều này mà trẻ sẽ hứng thú hơn với việc nạp thông tin và kiến thức.
2. Trẻ được bố nuôi dạy sẽ độc lập hơn
Phụ nữ thường có xu hướng chăm con kỹ quá mức, hay lo sợ con mình thiệt thòi so với những đứa trẻ khác nên bất cứ khi nào chúng có yêu cầu, liền đáp ứng ngay. Họ luôn yêu thương và chiều chuộng trẻ nhưng điều này khiến con hình thành tính cách ỷ lại, khó có thể sống tự lập sau này.
Ngược lại, hình ảnh người bố, người cha trong mắt con cái thường độc lập và mạnh mẽ nên điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Dưới cách nuôi dưỡng của người bố, con cái cũng tự lập hơn và ít có tư tưởng dựa dẫm vào người khác. Người bố thường vẫn để con mình tự giải quyết vấn đề của bản thân một cách độc lập, ít khi chiều chuộng con cái vô tội vạ.
Và đối với những người bố, tự lập không chỉ là một cách ứng xử mà hơn thế nữa đã trở thành tính cách của họ, nếu trẻ học được điều này sẽ có ích khi trưởng thành. Tính cách độc lập ở một đứa trẻ chắc chắn sẽ tạo thành khoảng cách rất lớn so với những đứa trẻ khác. Tinh thần thích khám phá và giải quyết vấn đề của chúng sẽ mạnh mẽ hơn nên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
3. Khi được bố chăm sóc con, trẻ sẽ kỷ luật và mạnh mẽ hơn
Mẹ và bà thường là những người dễ xúc động và mủi lòng, vì vậy mà họ thường có xu hướng nuông chiều con cái, khi trẻ phạm lỗi cũng thường bỏ qua cho trẻ. Điều này sẽ làm mất đi tính kỷ luật ở trẻ và đôi khi khiến trẻ không phân biệt rõ tính đúng sai của hành vi, sự việc. Hơn nữa, trẻ được bảo bọc quá cũng dễ trở nên yếu đuối và nhút nhát khi ra ngoài xã hội.
Ngược lại, cách dạy con của các ông bố thường có phần cứng rắn và nghiêm khắc hơn. Khi trẻ phạm sai lầm, người bố sẽ chỉ ra lỗi sai của con, đôi khi sẽ có những hình phạt phù hợp để dạy trẻ nhận ra sai lầm và uốn nắn để trẻ không tiếp tục tái phạm. Dưới sự giáo dục của người bố, trẻ cũng sẽ có tính kỷ luật cao hơn, dũng cảm đối mặt với vấn đề tốt hơn, tâm lý cũng sẽ vững hơn. Xử lý những khủng hoảng trong mối quan hệ cá nhân cũng tốt hơn, vì vậy trẻ có thể tự tin hơn khi ra ngoài xã hội.
Dẫu vậy trong gia đình, dù ai là người nuôi dạy những đứa trẻ trở nên thông minh hơn thì trẻ vẫn cần sự đồng hành của cả bố và mẹ để phát triển một cách toàn diện nhất. Cha mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian bên con để chăm sóc và nuôi dưỡng con thành tài.